Hai mươi hai tuổi, Hoàng Đức Minh là một gương mặt nổi bật trong lĩnh vực bảo vệ Môi trường và Biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Hơn cả thế, Minh vẫn không ngừng đi về phía trước để thử thách và tạo ra kì tích cho chính mình.
Hoàng Đức Minh |
Từ “chàng trai môi trường” đến giám đốc RAECP
Mười năm hoạt động trong lĩnh vực Môi trường, từ một cậu nhóc chăm chỉ dịch tài liệu liên quan đến khí hậu, môi trường giùm bố, niềm đam mê đã cùng Minh trưởng thành theo năm tháng. Đam mê trở thành đôi cánh mang anh đến với những hội thảo về môi trường tầm cỡ trên thế giới, cho anh cơ hội học hỏi không ngừng và trở thành người dẫn đường cho nhiều bạn trẻ có cùng lí tưởng trong nước.
Năm 2008, Minh được thực tập tại trường ĐH Hawaii, Mỹ. Từ 2009 đến nay, anh tham gia 13 hội thảo quốc tế tại 10 nước, đồng thời là 1 trong 3 đại diện của thanh niên Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh quốc tế về Biến đổi khí hậu COP 15, Copenhagen, Đan Mạch. Những chuyến đi đó đưa đến cho Minh một món quà vô giá, không phải bạc tiền hay danh tiếng mà chính là cơ hội được mở rộng tầm nhìn.
Có lẽ đó là nguyên cớ khiến Đức Minh luôn tìm những hướng đi mới, thử thách mình với những ý tưởng mới trong những hoạt động môi trường của mình.
Cuối năm 2008, ở tuổi 18, Minh thành lập tổ chức RAECP, một trong những tổ chức vì Môi trường phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam cho đến nay. Năm 2009, cái tên Hoàng Đức Minh rầm rộ, nổi tiếng trên nhiều trang web với tư cách là 1 trong 12 học viên của chương trình Thủ lĩnh cộng đồng Cracking Class, phó ban tổ chức Diễn đàn thanh niên và phát triển bền vững 2009, thành viên sáng lập của Thế hệ xanh Việt Nam và phong trào 350 quốc tế, tham gia tổ chức Earth Hour 2009...
Thành công lớn nhất của Đức Minh chính là tổ chức RAECP, một chương trình nâng cao nhận thức về Môi trường và biến đổi khí hậu do anh lập ra vào năm 2008. Từ một tổ chức nhỏ, hiện nay RAECP đã lớn mạnh với 10 thành viên cố định và hàng trăm cộng tác viên ở nhiều vùng miền trên tổ quốc. Mỗi năm tổ chức thực hiện rất nhiều dự án và đạt được thành công trên nhiều lĩnh vực. Mới đây nhất là dự án thử nghiệm “Tôi ghét nylon” sẽ kết thúc tầm tháng 12 tới.
Trong giai đoạn một khảo sát, chương trình đã thu hút trên 3000 người dân trong địa bàn Hà Nội tham gia, bày tỏ ý kiến với sản phẩm mới thay thế túi nilong và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Chương trình đang đi đến giai đoạn 3, 4 và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân trong thành phố.
Người trẻ luôn kiếm tìm thử thách trong cái mới
Nếu mọi người luôn biết đến Minh như một “chàng trai môi trường” thì thời gian gần đây anh đã lại tìm kiếm cho mình những hướng đi mới. Một trong số đó là việc cải tiến RAECP thành tổ chức phát triển, theo đuổi những mục tiêu đa dạng hơn, với nhiều mảng lĩnh vực khác bên cạnh hoạt động môi trường.
Tổ chức mới được đặt tên là Action for future, viết tắt là A4F, tổ chức hành động vì tương lai của giới trẻ, hoạt động trong nhiều lĩnh vực liên quan đến phát triển bền vững như bảo vệ môi trường, tư duy tranh biện, hướng nghiệp, truyền thông… Hiện nay tổ chức đang bận rộn với các dự án trải rộng từ làm phim, các buổi tọa đàm, các khóa học kỹ năng, cũng như việc liên kết với một công ty thời trang để quảng bá bảo vệ Môi trường…
Và, mới đây người ta lại nhìn thấy Đức Minh một lần nữa trên báo chí với cuộc thi tranh biện lần đầu tiên diễn ra ở châu Á (Thái Lan) trong vai trò là huấn luyện viên. Đội tuyển Việt Nam có ba học sinh lớp 8 tham gia, đã thắng 4/5 trận ở vòng loại đấu bảng và thắng ở vòng 16, vòng tứ kết trong lượt trận đấu loại trực tiếp, giành huy chương đồng
Mang trên vai danh xưng “chàng trai môi trường”, tôi hỏi anh liệu có chọn lĩnh vực môi trường làm con đường đeo đuổi suốt đời, làm nghề kiếm sống cho mình?. Không lạ, khi anh cười và nói một câu phủ định. Môi trường là niềm yêu thích của anh nhưng chưa bao giờ anh nghĩ đó là nghề để thu lợi nhuận.
Trong tương lai anh muốn làm những nghề như diễn giả, dạy học, kinh doanh các sản phẩm về giáo dục, hay mở một công ty dạy về tranh biện. Những công việc anh chọn cũng đầy mới mẻ và gai góc, mở ra chân trời mới để thử thách và khám phá khả năng tiềm tàng của bản thân.
Thu Phương