Trong dịp Tết Tân Mão, giá các sản phẩm chăn nuôi tăng, giúp người chăn nuôi bớt lo lắng về đầu ra và giá cả. Tuy nhiên, sau Tết, việc tái, bổ sung đàn rất chậm, nhất là thông tin giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng.
Ông Phạm Văn Hiệp, Chủ nhiệm HTX Lê Lợi (huyện An Dương) cho biết, tuy bị ảnh hưởng vì thời tiết, nhưng trong dịp Tết Tân Mão, các gia trại gà địa phương vẫn bảo đảm nguồn cung cho thị trường với hơn 80.000 con. So với năm trước, giá gà tăng nhẹ và ổn định hơn, sau Tết cũng không giảm mấy. Người chăn nuôi bớt lo về giá cả. Giá gà công nghiệp dao động ở mức 60.000 – 65.000 đồng/kg; gà ta 70.000 – 80.000 đồng/kg. Bác Lê Văn Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Bình (Thủy Nguyên) cho biết, Tết năm nay, sản phẩm chăn nuôi được giá. Trong đó, giá thịt lợn tăng mạnh. Sau Tết, giá có giảm chút ít và dần ổn định.
Ông Bùi Xuân Khải, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Dương cho rằng, tuy giá sản phẩm chăn nuôi tăng nhưng không đáng kể. Bởi giá thức ăn ngày càng tăng cao. Với tần suất tăng 3-4 lần/tháng, giá thức ăn chăn nuôi trở thành áp lực với người chăn nuôi hiện nay. Hơn 1 tháng, giá thức ăn chăn nuôi trên thị trường điều chỉnh tăng 3-4 lần, mỗi lần tăng 100-250 đồng/kg. Theo thống kê, chỉ trong tháng 11 - 2010, giá thức ăn chăn nuôi tăng 4 lần, với mức tăng tổng cộng lên đến 700 đồng/kg. Trong tháng 12 - 2010, tiếp tục tăng thêm 3 lần nữa, với mức tăng tổng cộng khoảng 800 đồng/kg. Hiện thức ăn cho lợn, gà lên đến 10.000 đồng/kg. Ông Khải cho biết, trung bình nuôi 1000 con gà, tiền cám lên tới 1,2 triệu đồng/ngày, chưa kể các khoản chi phí khác. Với số tiền phải bỏ ra một ngày như trên, với gia đình thuần nông là khó khăn. Các hộ chăn nuôi băn khoăn việc đầu tư vào chăn nuôi do chi phí đầu vào liên tục tăng, trong khi giá cả sản phẩm không ổn định rất dễ bị thua lỗ, cộng với rủi ro lớn do dịch bệnh. Vì vậy, sau khi kết thúc vụ nuôi, nhiều nông dân không tiếp tục đầu tư vào vụ nuôi sau hoặc bổ sung đàn. Nhiều hộ chờ giá thức ăn ổn định mới đầu tư nuôi tiếp. Bác Đoàn Văn Tư – hộ nuôi gà ở Hoàng Lâu 2 (Hồng Phong, An Dương) cho biết, trước đây, mỗi đợt bán gà khoảng 2.000 con, thu lãi hơn 50 triệu đồng. Nhưng hiện nay khó có lãi dù đàn gà vẫn khoẻ mạnh, phát triển tốt. Bác Tư nhẩm tính, giá thức ăn chăn nuôi tăng đến 14-15 lần, mỗi lần tăng trung bình khoảng 200 đồng/kg. Theo lẽ thường, có tăng ắt có giảm, tuy nhiên đối với thức ăn chăn nuôi thì ngoại lệ, tăng lên chứ không thấy giảm. Bên cạnh áp lực giá thức ăn, trời nồm dễ xảy ra dịch bệnh, cộng với dự báo mất điện trong thời gian tới khiến người chăn nuôi càng lo lắng hơn.
Với những áp lực trên, người chăn nuôi tìm mọi cách để giảm chi phí đầu vào. Theo kinh nghiệm của các hộ chăn nuôi, cách nuôi lợn hay nhất hiện nay là tận dụng thức ăn có sẵn như bỗng rượu, nước gạo…(nấu rượu, xay xát kết hợp với chăn nuôi) hoặc kết hợp nhiều loại hình chăn nuôi. Bên cạnh đó, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tự mua nguyên liệu trộn thức ăn để hạ giá thành. Việc tự mua nguyên liệu để trộn thức ăn chăn nuôi cho lợn, gà sẽ giúp nông dân giảm được gần 2.000 đồng/kg cám.
Hà Minh