Là một quán cafe đắt khách ở ngay trung tâm Thành phố Cần Thơ, nhưng mùa thi đại học này chị Lâm Việt Hòa (SN 1966, ngụ đường 3/2, quận Ninh Kiều) đã tạm thời dẹp quán, gác bỏ chuyện kinh doanh, biến quán cà phê thành nơi ở trọ miễn phí cho các sĩ tử đến Cần Thơ thi đại học.
Chị Hòa và “phòng trọ đặc biệt” chuyển đổi từ quán cà phê |
10 năm cho thí sinh trọ miễn phí
Mới nghe chuyện có người bỏ quán cà phê, sắp xếp thành nơi ở cho thí sinh ở trọ miễn phí, nhiều người “bán tin bán nghi”, nhưng đến đầu đường 3/2 để hỏi thăm quán cafe Ngon, mới tin đó là sự thật.
Một bác xe ôm nhiệt tình chỉ dẫn: “Quán chị Hòa chứ gì, tôi mới chở mấy đứa học sinh từ nhà chị ấy ra địa điểm thi. Đến cả tiền xe ôm chị ấy cũng trả luôn cho mấy đứa ở trọ. Chị ấy tốt quá nên tôi cũng chả dám lấy nhiều, chỉ nhận đủ tiền xăng xe”.
Bà chủ quán là một phụ nữ niềm nở, chân tình và mến khách, trong câu chuyện toát lên đức tính thương người một cách vô vụ lợi. “Giúp được một người trong lúc họ gặp khó khăn sẽ thấy trong lòng mình thêm một niềm hạnh phúc”, chị nói. Xuất phát từ tấm lòng đó, chị sắp xếp chỗ ở cho thí sinh dự thi đại học miễn phí. “Hai đợt thi tổng cộng khoảng 10 ngày, thời gian này tôi dán biểu thông báo với khách cà phê là quán bận, sau 10 ngày nữa sẽ bán hàng lại bình thường”, chị Hòa nói.
Năm nay quán chị Hòa có khoảng 30 chỗ ở, chủ yếu dành cho những em học sinh nhà nghèo, đến từ các tỉnh xa như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang… Khuôn viên quán khá rộng rãi, phía trên lợp mái tôn, có các bức tường bao kín đáo. Các bàn cà phê được thiết kế thấp thường ngày để khách ngồi bệt trên chiếu. Chính diện tích này được chị sắp xếp lại, biến thành chỗ trọ đặc biệt cho sĩ tử.
“Bàn uống café thường ngày được biến thành bàn học. Đến ban đêm, sau khi học xong thì rải chăn, chiếu và mắc màn ngủ. Mỗi ngày được lau sàn hai lần nên rất sạch sẽ, mát mẻ”, bà chủ giới thiệu. Thắc mắc tại sao chị lại có sẵn đến 30 bộ chăn chiếu, chị cho biết quê ngoại ở An Giang, gần với một chợ chuyên bán chăn chiếu đẹp – bền - rẻ nên cứ lúc nào về thăm quê là chị lại mua và gửi qua xe về Cần Thơ, “tích trữ” từ nhiều năm mà thành. Khi đó nhà cũ của chị ở bên kia đường 3/2, một lầu một trệt, tầng trệt chị mở hàng cơm, còn tầng lầu là mặt sàn để không, cứ đến mùa thi là chị cho thí sinh ở nhờ.
“Năm nào cũng có khoảng trên 10 em ở trên đó. Khi thi xong, chăn chiếu tôi giặt sạch rồi đóng lại để dành cho năm sau. Gần 10 năm nay tôi cho thí sinh ở trọ miễn phí”, chị Hòa cho biết. Đầu năm vừa rồi gia đình chị chuyển đến nhà mới và vẫn không quên để học sinh ở trọ miễn phí như mọi năm khi mùa thi đến.
Nghèo tiền, giàu tình người
Để thí sinh biết thông tin có chỗ ở miễn phí, trước đó chị Hòa đã liên hệ với Hội sinh viên của một số trường đại học ở Cần Thơ, sinh viên tình nguyện sẽ giới thiệu những bạn khó khăn ở các tỉnh lẻ. Khi đã đủ chỗ, bà chủ sẽ phổ biến một số nội quy sinh hoạt như giữ gìn vệ sinh chung, “ăn nhẹ, nói khẽ, cười duyên” để không làm ồn đến không khí ôn thi.
Đặc biệt khi các thí sinh có biểu hiện bị ốm, sốt thì phải cấp báo cho bà chủ. Nhắc đến chuyện này, chị nhớ mãi mùa thi cách đây 3 năm về trước: “Có em bị sốt virus mà không thông báo, đến khi có đến bảy em cùng bị ốm thì mới báo tin cho tôi. Khi ấy lo quá, ngay trong đêm tôi phải gọi taxi đưa cả bảy đi viện, may mà các em vẫn kịp hồi sức để ngày hôm sau đi thi”.
Đã cho thí sinh ở trọ miễn phí, người phụ nữ tốt bụng này còn hỗ trợ rất nhiều khoản khác một cách chu đáo. Trong phòng trọ, chị lúc nào cũng chuẩn bị sẵn hai bình nước lọc để phục vụ các bạn thí sinh. Thời gian diễn ra thi cử, những khi rảnh rỗi hoặc vào buổi tối là chị có thói quen đi thăm hỏi, động viên các em, hỏi xem làm bài thi tốt không, tâm lí ổn định không, đề thi khó hay dễ.
Thí sinh La Thị Bích Ngọc (quê Kiên Giang), có địa điểm thi ở Đại học Tây Đô được các anh chị tình nguyện viên giới thiệu đã đến ở chỗ trọ đặc biệt này. Ngọc cho biết đây là lần đầu tiên em đi xa nhà, ban đầu rất lo lắng và sợ sệt nhưng ở chỗ trọ này em cảm thấy như được ở nhà mình. “Cô Hòa trò chuyện, quan tâm tới mọi người như một bà mẹ nên em rất yên tâm thi cử”, thí sinh này cho biết.
Giúp đỡ mọi người nhưng chị Hòa không quên chăm sóc tổ ấm của mình. Chồng chị là một công chức đang làm việc tại thành phố Cần Thơ, rất ủng hộ những việc làm ý nghĩa của vợ. Chị có hai đứa con trai, con lớn đang đi nghĩa vụ quân sự, con nhỏ đang học một trường cấp 2. Thu nhập chính của gia đình ngoài lương công chức của chồng thì chủ yếu phụ thuộc vào việc kinh doanh tại quán cà phê.
“Nhưng nghĩ còn có những người nghèo hơn mình, họ cố gắng đi thi đại học để mong được đổi đời. Mình bỏ ra chút công sức, chút tiền bạc và quan trọng là đem tình người giúp đỡ họ là việc đáng làm”, chị Hòa bộc bạch.
Làm được những việc ý nghĩa cho người khác nhưng chính bản thân chị cũng đang ốm đau, bệnh tật. Gần 10 năm trước, khi còn làm công chức, do làm việc nhiều không chú ý đến sức khỏe mà chị bị thiếu máu não dẫn đến liệt nửa người và bị câm. Sau hơn hai năm điều trị tích cực, sức khỏe chị mới phục hồi dần và đi lại nói năng được bình thường. Tuy nhiên hiện giờ sức khỏe chị vẫn chưa ổn định, nhiều khi phải thở ôxy do huyết áp thấp, nhịp tim trung bình chỉ khoảng 40 lần/phút. “Khi ốm đau và nghĩ đến cái chết mới thấy tình người thật quan trọng. Bởi vậy khi còn sống nên thương yêu và giúp đỡ nhau”, chị Hòa chia sẻ.
Chị kể rằng, trong số những người từng đến trọ thi, có nhiều người đỗ đạt, sau đó không ít người ở luôn nhà chị học cả bốn năm đại học, vẫn miễn phí chỗ ở, chỉ nộp thêm tiền điện, nước. “Nhiều người trong số đó trở thành chị em thân thích của tôi. Gia đình có chuyện gì dù vui, dù buồn đều được mọi người chia sẻ. Đợt trước gia đình bên ngoại tôi có việc hiếu, biết tin này rất đông những sinh viên trước đây ở trọ nhà tôi giờ công tác ở Cần Thơ kéo đến chia buồn cùng. Tôi ít chị em ruột thịt nên lúc ấy cảm thấy xúc động, ấm áp vì được chia sẻ. Thực ra mình giúp người thì cũng tức là tự giúp mình thôi”, chị Hòa bộc bạch.
“Trong cuộc sống vẫn có những tấm lòng hết mình vì người khác, không vụ lợi như chị Hòa thì thật đáng trân trọng. Người dân xung quanh đây ai cũng quý chị ấy ở cái nết thương người”, một người hàng xóm nhận xét về bà chủ của quán trọ đặc biệt.
Hữu Sơn