Ở trẻ răng sữa sẽ dần được thay thế bằng răng vĩnh viễn. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu tâm đến việc chăm sóc tốt răng sữa của trẻ để tạo nền tảng cho một hàm răng vĩnh viễn được đẹp, chắc, khỏe.
Không cho trẻ ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh. |
Khi răng sữa mọc
Thế nhưng có những trường hợp răng sữa không mọc đúng lịch trình, có thể sớm hoặc muộn hơn một vài tháng. Theo các bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt, những trường hợp ngoại lệ này không gây bất cứ ảnh hưởng nào đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Việc trẻ mọc răng trễ có thể do nhiều nguyên nhân. Trước tiên, trẻ thiếu mầm răng từ lúc còn nằm trong bụng do người mẹ ăn uống thiếu chất bổ dưỡng để tạo mầm và vôi hóa răng cho bào thai. Kế đến, nướu lợi trong mầm răng quá dày và cứng khiến mầm răng không trồi lên được. Khi gặp trường hợp này, cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ Răng Hàm Mặt để rạch nướu cho răng dễ mọc lên. Cuối cùng, do mầm răng có nhưng lại nằm ngầm trong xương, cũng cần phải đưa trẻ đi khám để các bác sĩ có hướng xử lý kịp thời.
Ở giai đoạn mọc răng sữa, trẻ thường xuất hiện các triệu chứng như: sốt, chảy nhiều nước bọt… sau vài ngày sẽ khỏi. Trong thời gian đó, cha mẹ chỉ cần cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt, giữ gìn vệ sinh răng, rơ miệng bằng gạc sạch. Đồng thời sau mỗi lần cho trẻ bú, người mẹ cần cho trẻ uống nước để làm sạch miệng.
|
Ngăn chặn những thói quen xấu
Những thói quen tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của răng và hàm, thậm chí còn làm rối loạn một số hoạt động chức năng ở vùng hàm mặt. Đặc biệt, răng sữa cũng có chức năng giống như răng vĩnh viễn. Vì thế, các bậc phụ huynh phải lưu ý, có biện pháp chấm dứt sớm những thói quen xấu này.
Lịch mọc răng sữa Thường gặp: có tất cả 20 chiếc răng sữa, 10 ở hàm trên và 10 ở hàm dưới, chúng sẽ xuất hiện ở những thời điểm rất khác nhau ở các trẻ khác nhau: - 4 răng cửa giữa của hàm trên và hàm dưới: 5 - 8 tháng. - 4 răng cửa bên: 7 - 10 tháng. - 4 răng hàm đầu tiên: 12 - 16 tháng. - 4 răng nanh: 14 - 20 tháng. - 4 răng hàm thứ 2: 20 – 32 tháng. |
Một số thói quen ở trẻ như: mút ngón tay hay núm vú, thở bằng miệng, cắn môi dưới có thể gây ra tình trạng hô (răng và hàm trên đưa ra trước); chống cằm và cắn môi trên dẫn đến móm (răng và hàm quặp vào trong). Bên cạnh đó, trẻ nằm nghiêng một bên lâu ngày sẽ làm lệch một bên hàm; thói quen cắn bút, cắn ngón tay… làm mẻ, mịn răng và chết tủy răng. Ngoài ra, trẻ nhai thức ăn hoài một bên sẽ làm lệch mặt ở bên còn lại.
Mất răng sữa sớm - chuyện bình thường?
Đến một thời điểm nhất định, răng sữa sẽ lung lay, chân răng sữa tiêu dần và được thay thế bằng răng vĩnh viễn. Một số bậc phụ huynh có quan niệm sai lầm rằng răng sữa mất đi, răng vĩnh viễn sẽ mọc lên thay thế. Do vậy, việc chăm sóc răng miệng cho trẻ không được chú trọng, đặc biệt hễ thấy răng sữa nào bị sâu là vội nhổ. Răng sữa bị mất quá sớm (thường do bị sâu răng) không những ảnh hưởng đến ăn, nhai, phát âm mà còn làm mất thẩm mỹ khuôn mặt, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và sức khỏe toàn diện. Mặt khác, việc mất răng sữa sớm khiến răng kế cận bị xô lệch, dẫn đến răng vĩnh viễn mọc lên không đúng vị trí, làm sai lệch khớp cắn. Vì vậy, khi thấy trẻ có dấu hiệu lệch lạc răng và hàm, tốt nhất phụ huynh nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để khám.
Nguồn: Sức khoẻ và Đời sống