Trong một lần tranh cãi cao độ, không kìm chế được, anh đã nói thẳng là mình ghen tuông và lấy búa đập tan khoá tủ, mang tất cả các kỷ vật của vợ ra thiêu thành tro...
Từ trước đến nay rất nhiều người cho rằng đã là vợ chồng thì không thể tồn tại một khoảng trời riêng bởi nó luôn là nơi chứa đựng những nguy cơ của sự tan vỡ! Liệu điều đó có đúng?
Không thể...
Hoan cưới vợ đã 3 năm. Từ khi mới cưới cho đến tận khi có con, nhiều khi anh vẫn không hiểu được vợ mình, vẫn nghĩ cô không toàn tâm toàn ý với gia đình.
Cô luôn có một chiếc tủ riêng và giữ chìa khoá. Nhiều lần Hoan để ý, khi buồn, cô vào buồng riêng, lén mở tủ, lấy đồ gì đó ra, ngồi và ngắm. Nếu chồng có bước vào, cô thường nhanh chóng vơ đồ đạc, đặt vào chỗ cũ rồi giả tảng bằng cách hỏi chuyện linh tinh.
Trong một lần tranh cãi cao độ, Hoan đã không thể chịu đựng được, không còn kìm chế được, anh đã nói thẳng là mình ghen tuông và lấy búa đập tan khoá tủ, mang tất cả các kỷ vật của vợ ra thiêu thành tro...
Với chị Huyền, dù có rất nhiều người khen là lấy được chồng giỏi, kinh tế khá, luôn tỏ ra yêu chiều vợ, thương mến con... nhưng nhiều khi chị chỉ muốn viết đơn ly dị hoặc ly thân.
Lý do, chị thường rơi vào cơn ức chế cao độ khi chồng về nhà muộn hơn thường lệ. Có lần họ cãi nhau kịch liệt, giận nhau cả tuần. Không khí gia đình rất căng thẳng, nặng nề. Tuy vậy, mọi thứ sau đó vẫn không thay đổi.
Thỉnh thoảng vẫn thấy anh về muộn mà chị thì cạy răng anh cũng không nói cho chị biết là trong khoảng thời gian đó, anh đi đâu, đi với ai, làm gì...
Theo chị Huyền, đó không hẳn là cảm giác nghi ngờ, ghen tuông, sợ chồng đi mờ ám với bia bọt, ngoại tình... Sâu xa hơn, chị đã không thể chịu được cảm giác bị chồng coi thường.
Huyền tự hỏi anh coi chị là gì mà sao lại không thèm gọi điện về báo xem vì sao về nhà muộn. Tại sao chị là vợ mà anh lại không thể chia sẻ với chị về khoảng thời gian đó? Tại sao anh lại giữ nó cho riêng mình? Nó như là thứ bí mật đặc biệt của anh mà chị đã không biết cách và không thể chạm vào để cùng chia sẻ. Chị không thể chấp nhận được điều đó một cách lâu dài.
Mới đây, một khảo sát nhỏ với 30 bài viết trên các trang báo mạng đề cập đến vấn đề “khoảng trời riêng” như của vợ, chồng anh Hoan, chị Huyền. Kết quả cho thấy, có đến 86% cho rằng “không nên để nó tồn tại”.
Nhiều người khẳng định khi đã là vợ chồng nhưng nếu một người cứ khăng khăng giữ lại những khoảng trời cho riêng mình thì đấy chính là căn nguyên để người bạn đời cảm thấy bị coi thường, bị lừa dối và là mầm mống tạo “vấn đề”, gây tan vỡ trong hôn nhân.
... và có thể
Khi lý giải về việc lưu giữ khoảng trời riêng, nhà tâm lý học người Đức, Spielberg từng cho rằng: Tuy tự nguyện chọn cuộc sống chung với người khác nhưng nếu hiến dâng tất cả cho nó thì sẽ là phủ định chính mình.
Nếu người bạn đời cứ yêu cầu chồng hoặc vợ lúc nào cũng phải ở bên mình thì chẳng những đã xâm hại đến quyền tự do của họ mà cũng ngăn cản sự trưởng thành nhân cách của họ nữa.
Thêm nữa, có 2 con đường hoàn thiện nhân cách. Một là, thường xuyên sống chung với người khác và chịu ảnh hưởng lẫn nhau. Hai là, tự phát hiện khi ở một mình.
Ngoài ra, qua nghiên cứu về tâm sinh lý và tâm lý học gia đình, nhiều chuyên gia cũng kết luận rằng nhu cầu được có một khoảng thời gian cho riêng mình là nhu cầu có thật của mỗi người, đặc biệt là nam giới.
Có những khoảng trời mà nam giới không thể nào kể ra được với người bạn đời vì trong tâm lý họ cho rằng “nói ra thì không hay ho gì”...
Sự thật vẫn diễn ra và theo Giáo sư Xã hội học người Mỹ Richard thì không phải là không có cách “chữa”. Richard cho rằng mỗi cặp vợ chồng cần phải tự xác định cho mình là nó có tồn tại và được thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau. Đó có thể là những mối quan hệ riêng tư, là khoảng không gian im lặng riêng trong nhà hay bên ngoài, là điện thoại cầm tay, sổ nhật ký, thẻ tín dụng, địa chỉ email hoặc các kỷ vật...
Vợ chồng cần có sự thoả thuận trước với nhau về những “khoảng trời” đó. Trong khi hành xử, cả hai cần dựa trên nguyên tắc của sự trung thực, tạo niềm tin tưởng lẫn nhau. Có như vậy, sự nghi ngờ, tổn thương trong hôn nhân mới được giảm thiểu.