Chuyện về hai bức thư gửi hai người mẹ
Cách đây không lâu, trên mạng mọi người chia sẻ với nhau hai lá thư của hai đứa con gửi hai người mẹ. Đứa con thứ nhất gửi cho mẹ mình trước ngày ra pháp trường, còn đứa con thứ hai là trước ngày khởi công xây dựng một công xưởng mới.
Trong lá thư gửi mẹ, đứa con trước ngày ra pháp trường đã nhắc lại những kỷ niệm xưa với mẹ. Nhưng đi kèm với ký ức là những nỗi niềm oán trách không che giấu: “Con của mẹ ngày mai là phải ra pháp trường rồi. Con cũng không biết tại sao mình lại đi đến bước đường cùng như thế này, hiện tại con chỉ thấy mọi ký ức như đang trở về và hiển hiện trước mắt con. Khi con được 3 tuổi, con chạy rất nhanh, vấp phải hòn đá và té ngã. Mẹ đã chạy đến và đỡ con đứng dậy. Mẹ vừa dỗ dành con không khóc vừa mắng hòn đá: “Sao mày lại làm con tao khóc, để mẹ đánh cho hòn đá một trận”… Năm con 20 tuổi, con muốn thay điện thoại mới, với lý do có thể liên lạc với mẹ thường xuyên hơn. Mẹ đã không cần cân nhắc nhiều và chuyển ngay cho con 10 triệu đồng. Nhưng con chỉ dùng điện thoại để liên lạc với bạn gái, trong vòng 1 năm con chỉ gọi cho mẹ có mấy lần… Năm con 35 tuổi, khi con biết mẹ đã không còn đồng nào trong người, con đã đi cướp của, giết người. Khi con nghe thấy họ tuyên án tử hình, mẹ đã khóc và trách ông trời không công bằng, vất vả cả đời vì con, vậy mà cuối cùng lại ra nông nỗi này…”.
Viết thư trong cảm xúc biết ơn mẹ mình, đứa con thứ hai là CEO của một công ty lớn đã trân trọng những phút giây ấu thơ khi nhận được sự nghiêm khắc giáo dục của người mẹ: “Khi con được 3 tuổi, con chạy rất nhanh, vấp phải hòn đá và té ngã. Mẹ đã để con tự đứng dậy và nói: “Lần sau cần phải cẩn thận hơn”. Mẹ đã dạy cho con biết phải tự chịu trách nhiệm trước hành động của mình… Năm con 20 tuổi, con muốn thay điện thoại mới, mẹ nói rằng điện thoại cũ chưa hỏng thì không được đổi. Nếu như con nhất định muốn đổi thì tự đi làm ngoài giờ học lấy tiền mà tự mua. Khi con kiếm đủ tiền để mua điện thoại mới nhờ đi dạy thêm, cái cảm giác vui sướng khi thành công đó vượt xa hơn hẳn giá trị của một chiếc điện thoại mới…Năm con 35 tuổi, công ty của con không ngừng mở rộng, và phải xây dựng nhà máy mới, những người thường trách cứ mẹ nhẫn tâm nay đã không còn gì để nói. Con vẫn thường dạy cho con của con biết phải có trách nhiệm với bản thân mình, giống như mẹ đã từng dạy con khi xưa. Con hy vọng rằng chúng sẽ làm được những điều còn to lớn hơn nữa…”.
Nhân cách trẻ con – do đâu mà có?
Mới đây, trong buổi tọa đàm chủ đề “Gia đình - Nền tảng hình thành nhân cách cho trẻ” do Nhà Văn hóa Phụ nữ TP HCM vừa tổ chức, TS. Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP HCM cho rằng, trong xã hội hiện đại ngày nay với đầy rẫy những cám dỗ thì tổ ấm gia đình càng tỏ rõ vai trò điểm tựa, bóng mát che chở cho con trẻ. Mọi hành vi ứng xử, văn hóa giao tiếp hàng ngày của các bậc phụ huynh, ông bà đều tác động đến nếp sống, suy nghĩ của con em. Cha mẹ bao giờ cũng là những thầy, cô giáo đầu tiên trong giáo dục và nuôi dưỡng nhân cách của con em mình. Một ông bố thường xuyên vượt đèn đỏ trước mặt con thì không thể yêu cầu con mình tuân thủ luật giao thông. Một bà mẹ sẵn sàng chửi bới văng tục với hàng xóm thì khó có thể răn dạy con về lời hay, ý đẹp... Còn nhớ Ths – BS Lan Hải đã từng kể câu chuyện: “Nhiều bậc phụ huynh đưa con đi học, sợ trễ giờ, sẵn sàng vượt đèn đỏ, nếu kẹt xe, có người còn chở con leo lên vỉa hè như một làn đường dự phòng, các bé lúc đầu còn mắc cỡ, ngại ngùng nhắc bố mẹ nhưng sau khi nghe giải thích: “Sợ trễ...” thì từ đó còn reo hò thúc giục bố mẹ như trong cuộc đua kỳ thú (!)”.
Theo TS. Phạm Thị Thúy, người lớn không thể chủ quan khi mãi quan niệm “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Giáo dục con cái không thể chỉ bằng lời nói mà còn phải bằng những hành động làm gương cụ thể để con trẻ noi theo, con trẻ khó có thể tôn trọng đấng sinh thành khi nhìn thấy cha mẹ thiếu tôn trọng lẫn nhau, hoặc đối xử không tốt với ông bà của mình. Bầu không khí hòa thuận, yêu thương và chia sẻ trong gia đình chính là tài sản vô giá làm hành trang cho con trẻ tự tin bước vào cuộc sống sau này.
Nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng là làm thế nào để nuôi dạy con em có nhân cách tốt trong thời đại bùng nổ của công nghệ thông minh và thông tin mạng như hiện nay. Nhưng theo ThS Hà Trung Thành - giảng viên Học viện Cán bộ TP HCM nhìn nhận, người lớn đừng quá nghiêm khắc cấm con trẻ tiếp xúc thông tin trong thế giới phẳng, bởi càng cấm, con trẻ càng tò mò muốn biết, khi đó hệ lụy khó lường. Người lớn hãy cố gắng sống cùng với nhịp thở của thời đại, làm “tấm chắn” thông tin, gạn lọc những điều hay, lẽ phải, giúp con trẻ có đủ tự tin, chính kiến để biết gạn đục, khơi trong trong thế giới mạng. Cha mẹ và con cái luôn là hai “vec tơ” ngược chiều, vì thế, chưa hẳn người lớn đúng thì con trẻ sẽ đi theo, thay vào đó hãy bước đồng hành cùng con để kịp thời điều chỉnh những bước đi lạc hướng của con mình.