Cha dạy cho con những bài học đầu đời, dạy con vấp ngã để đứng lên, trang bị cho con những hành trang để con luôn vững vàng trong cuộc sống, cha luôn âm thầm chở che, hy sinh cho con, cho gia đình.
“Cha truyền niềm tin, dẫn lối con đi với chí tự cường/ Lầm lũi và âm thầm rất nhiều hy sinh/ Vượt dòng đời gian nan, mưa nắng tắm mồ hôi, dẫn dắt đời con dạy dỗ con thành người…”. Lời ca khúc gần gũi, dễ thuộc như lời nhắn nhủ với người con phải luôn nhớ công sinh thành, dưỡng dục và tình yêu thiêng liêng của cha dành cho con.
Đây còn là ký ức tươi đẹp, hạnh phúc của người con khi được ở cạnh cha dù cho tuổi thơ có cơ cực, vất vả. Nghe bài hát, người nghe cảm nhận ở tác giả lời tri ân sâu sắc với những tình cảm, hy sinh của cha đối với con cái, và cũng ở đó là hình ảnh người cha tựa như ngọn đèn soi sáng dẫn lối, chắp cánh cho con nuôi khát vọng vững bước vào tương lai mà không quên gửi gắm, khuyên nhủ hãy luôn yêu đời, thương người.
Qua bài hát các nghệ sĩ đã nói được “tiếng lòng”, cảm xúc của mình dâng tặng những người cha đã che chở cho các con và gia đình (ảnh NVCC). |
Ngoài sự đồng điệu trong tâm hồn, qua bài hát các nghệ sĩ đã nói được “tiếng lòng”, cảm xúc của mình dâng tặng những người cha đã che chở cho các con và gia đình.
Theo NSƯT Hoàng Tùng, điều quan trọng khi hát những ca khúc về cha, mẹ thì cảm xúc luôn phải đầy đặn, kết hợp những ca từ, giai điệu sâu lắng, nghĩa tình nữa sẽ tạo hiệu ứng thành công. Bài hát có thể là cảm xúc của chính nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung về cha của mình, cũng có thể là nhạc sĩ khai thác từ câu chuyện của xã hội.
Sự tài tình của tác giả là biến câu chuyện của mình thành chuyện của người khác, hoặc cảm xúc của người khác vào chuyện của mình, để rồi vang lên trong "Cha để lại cho con" lan tỏa, chạm đến trái tim của người yêu nhạc.