'Điểm chạm' văn hóa giữa ballet và văn hóa truyền thống

Thưởng thức nguyên bản kiệt tác Hồ Thiên Nga.
Thưởng thức nguyên bản kiệt tác Hồ Thiên Nga.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những năm gần đây, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam luôn sáng tạo và nỗ lực đưa nghệ thuật hàn lâm nói chung và ballet nói riêng đến gần hơn với công chúng Việt qua những vở diễn nguyên bản đỉnh cao hay sự kết hợp nghệ thuật hội họa truyền thống và sự kết nối giữa truyền thuyết dân gian Việt Nam với nghệ thuật ballet cổ điển thế giới.

Thưởng thức nguyên bản kiệt tác “Hồ Thiên Nga”

“Hồ Thiên Nga” 2024 của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam được công diễn tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) vào ngày 14 - 16/6/2024 do NSƯT Lưu Thu Lan làm biên đạo dàn tập, được xây dựng mang nguyên bản của hai biên đạo múa người Nga Petipa và Ivanov. Ballet “Hồ Thiên Nga” của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam sẽ như một khúc ca lãng mạn của tình yêu trong sáng, nơi cái thiện sẽ chiến thắng dù có phải trải qua hy sinh và mất mát.

NSƯT Lưu Thu Lan giải thích: “Những điệu múa uyển chuyển, đậm chất kỹ thuật nhưng đầy kịch tính của múa ballet cổ điển rất phù hợp với cách kể chuyện đơn giản nhưng hấp dẫn trong “Hồ Thiên Nga”. Cho đến ngày nay chưa có vở ballet nào vượt qua được “Hồ Thiên Nga” về tầm ảnh hưởng về nghệ thuật cũng như sự đồ sộ của vở múa qua âm nhạc của Tchaikovsky và vũ đạo của Petipa và Ivanov. Chính vì vậy, tôi đã quyết định lựa chọn nguyên bản cho dù đây là một thách thức lớn với bản thân tôi và cả ekip nghệ sĩ của Nhà hát”.

“Hồ Thiên Nga” kể câu chuyện tình bất diệt của Hoàng tử Siegfried và Công chúa Odette. Vì phép thuật của phù thủy Rothbart, ban ngày Odette bị biến thành thiên nga, bơi lội trên hồ nước mắt và trở lại hình dạng con người vào ban đêm. Lời nguyền của Rothbart chỉ biến mất nếu Odette gặp được một người hết lòng yêu thương và chung thủy với nàng. Tình yêu mật ngọt của Siegfried và Odette đã trải qua nhiều bi kịch, thử thách bởi tà thuật, trong đó có sự góp mặt của Odile - con gái của phù thủy Rothbart. “Thiên nga đen” Odile quyến rũ Siegfried và khiến anh tin rằng cô là Công chúa Thiên nga. Khi nhận ra sự lừa dối, Siegfried lập tức quay về bên Odette. Rothbarth vô cùng tức giận và cuộc chiến giữa thiện và ác xảy ra. Bằng tình yêu cao cả, Odette và Siegfried đã nguyện quyên sinh để thoát khỏi lời nguyền của phù thủy độc ác. Họ hiện diện trong hình thức mới của một “tình yêu vĩnh cửu”.

Vở vũ kịch Đông Hồ được nhiều người yêu thích.

Vở vũ kịch Đông Hồ được nhiều người yêu thích.

NSƯT Phan Mạnh Đức, chỉ đạo nghệ thuật, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cho biết: “Trong “Hồ Thiên Nga”, cái thiện và cái ác luôn song hành, tồn tại như bản ngã của con người. Nó tựa như cuộc đấu tranh luôn hiện hữu trong đời sống xã hội. Chỉ có tình yêu và lý tưởng sống cao đẹp mới là cánh cổng dẫn con người vượt qua nghịch cảnh, đến với tình yêu vĩnh cửu. Vì lẽ đó, “Hồ Thiên Nga” luôn được khán giả chào đón dù ở đâu và trong hoàn cảnh nào. Việc đưa kiệt tác ballet này trở lại sàn diễn là để đáp ứng niềm mong mỏi được thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao của khán giả tại Việt Nam”.

Hồ Thiên Nga là sự tiếp nối các thế hệ vũ công ballet, từ những “ngôi sao” đã thành danh như NSƯT Phạm Thu Hằng, giải Nhất tài năng múa Đức Hiếu, “Hoàng tử ballet”, NSƯT Văn Nam,… đến các tài năng trẻ của nước nhà như Lan Nhi, Lan Chi, Khánh Băng, Tuấn Anh… cùng dàn múa tập thể đến từ VNOB và khoa Múa Trường Đại học Sân khấu điện ảnh… Dàn nhạc giao hưởng Nhà hát với hơn 60 nhạc công, dưới chiếc đũa “thần” của Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, sẽ mang đến cho khán giả những giai điệu tuyệt vời nhất của nhà soạn nhạc nổi tiếng P.I. Tchaikovsky.

Tinh hoa Việt giao thoa tinh hoa thế giới

Trước đó, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã ra mắt người yêu nghệ thuật múa vở vũ kịch mới mang tên “Đông Hồ” qua biên đạo người Anh gốc Việt - Nguyễn Ngọc Anh tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tháng 3/2023.

Vở vũ kịch “Đông Hồ” được xây dựng với chuỗi các bức tranh như “Hứng dừa”; “Đám cưới chuột”; “Đánh ghen”; “Vinh quy bái tổ”; “Lý ngư vọng nguyệt”… được vẽ bằng vũ điệu ballet cổ điển thế giới. Đó chính là sự độc đáo của Đông Hồ khi truyền thống hội họa dân gian kết hợp cùng nghệ thuật cổ điển và đương đại của thế giới.

Hàm lệ minh châu giành Giải Xuất sắc tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2022.

Hàm lệ minh châu giành Giải Xuất sắc tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2022.

Nói về vở vũ kịch này, Ngọc Anh chia sẻ: “Tôi rất muốn mang đến cho Đông Hồ một linh hồn mới, bằng nét vẽ mới, không phải chỉ là khuôn dập gỗ hay những thiết kế trang phục, mà bằng ngòi bút sắc sảo tạo nên bởi đôi giày mũi cứng của người nghệ sĩ múa ballet. Mặt khác, dù sống ở nước ngoài, nhưng tâm hồn tôi vẫn là người Việt, vẫn muốn mang hồn Việt đến với nghệ thuật cổ điển nước ngoài, khiến công chúng vừa được đến với những chân trời mới của nghệ thuật mà vẫn giữ được niềm tự hào của văn hóa truyền thống dân tộc”.

Bên cạnh đó, “Đông Hồ “còn có sự hòa quyện khéo léo giữa những hình ảnh văn hóa và tinh hoa của quê hương Việt Nam với âm nhạc hàn lâm thế giới thông qua “Bốn mùa - New For Seasons”, bản giao hưởng do nhà soạn nhạc cổ điển đương đại Max Richter biên soạn lại từ bản gốc cùng tên của Antonio Vivaldi - một trong những nhà soạn nhạc Baroque vĩ đại nhất của thế giới.

Nói về ý tưởng đưa “Đông Hồ” lên sân khấu ballet, ông Phan Mạnh Đức, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cho biết: “Vẫn đi theo tôn chỉ của Nhà hát là đưa nghệ thuật hàn lâm nói chung và ballet nói riêng đến gần hơn với công chúng Việt, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam quyết định xây dựng “Đông Hồ” với mong muốn gắn kết hơn nữa, làm mới hơn nữa sợi dây kết nối giữa nghệ thuật hội họa truyền thống với nghệ thuật ballet cổ điển thế giới. Để người yêu múa không còn cảm thấy sự xa vời của nghệ thuật dân gian truyền thống, mà nó đã và đang hiển hiện trong từng vũ khúc ballet cổ điển của phương Tây”.

“Bom tấn” vở ballet “Hàm lệ minh châu” của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã thu hút khán giả tại Nhà hát Lớn (Hà Nội). Dựa trên truyền thuyết An Dương Vương và Mỵ Châu - Trọng Thủy, “Hàm lệ minh châu” kể về một mối tình đẹp nhưng nhuốm màu bi kịch gây ra bởi những toan tính vụ lợi của bề trên, sự đấu tranh nội tâm giữa bên tình, bên hiếu.

Vở ballet là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc sử dụng các hình thức thể hiện của múa ballet cổ điển với múa dân gian truyền thống Việt Nam và múa đương đại, tạo nên phong cách riêng bằng ngôn ngữ thể hình. Kết hợp với phần âm nhạc được viết bởi nhà soạn nhạc nổi tiếng của trường phái ấn tượng - claude debussy, “Hàm lệ minh châu” trở thành một điểm gặp văn hóa giữa phương Đông và phương Tây.

Vở ballet có sự đan xen giữa hiện tại và quá khứ, giữa mối tình của đôi trai gái của xã hội ngày nay và mối tình đau khổ giữa Mỵ Châu và Trọng Thủy của xa xưa, khiến mỗi người đều suy ngẫm.

“Một sự giằng xé đau đớn giữa tình - hiếu khi Trọng Thủy, dù yêu Mỵ Châu đến mấy, vẫn phải làm tròn bổn phận người con khi hiện thực hóa mưu đồ thâm hiểm của Triệu Đà. Còn Mỵ Châu, người vợ ngây thơ, hết mực thủy chung, lại vô tình phản bội lại cha mình, đất nước mình, khi trao trọn báu vật quốc gia cho chồng mà không biết mình bị lừa dối. Để rồi một ngày kia, nàng đã phải trả giá bằng cái chết đầy oan khuất”.

“Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu. Trái tim lầm chỗ để trên đầu. Nỏ thần vô ý trao tay giặc. Nên nỗi cơ đồ đắm bể sâu” - (Tố Hữu). Còn Trọng Thủy, khi chữ hiếu đã trả xong, luôn day dứt vì sự lừa dối của mình với tình yêu trong sáng của Mỵ Châu. Hình ảnh cô độc với khúc nguyện cầu của Trọng Thủy đầy bi kịch nhưng xứng đáng với những gì chàng đã gây ra. Và điều giá như của quá khứ khi mối nghiệt duyên của công chúa - hoàng tử đã trở thành mối lương duyên của thời hiện đại, với hình tượng chiếc nhẫn ngọc trai để minh chứng cho tình yêu vĩnh cửu.

Nghệ sĩ Lan Nhi vào vai Thiên Nga đen (Ảnh trong bài: Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam)

Nghệ sĩ Lan Nhi vào vai Thiên Nga đen (Ảnh trong bài: Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam)

Nói về “Hàm lệ minh châu”, NSND Nguyễn Hồng Phong chia sẻ: “Chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc biến ý tưởng về mối tình Mỵ Châu - Trọng Thủy thành hiện thực thông qua ngôn ngữ ballet. Một thách thức khác là làm thế nào để sử dụng chất liệu múa ballet, nhạc của phương Tây kết hợp một cách hiệu quả với nội dung chuyện tình phương Đông tạo nên sự truyền tải hợp lý, ấn tượng với khán giả”.

“Hàm lệ minh châu” giành giải Xuất sắc của Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2022. Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Đài đã thay mặt Hội đồng nghệ thuật của liên hoan đánh giá Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam với năng lượng dồi dào luôn chứng minh khả năng dựng kịch múa xuất sắc. Chương trình của họ đã chạm vào cảm xúc người xem, đồng thời đạt độ chuẩn xác vươn tầm quốc tế.

Hơn 60 năm qua, Nhà hát Vũ Kịch Việt Nam ghi dấu với những tác phẩm, vở diễn nổi tiếng, từ Đại hợp xướng giao hưởng mang tên “Điện Biên Phủ còn sống mãi”, nhạc kịch “Núi rừng hãy lên tiếng”, “Cô Sao”, “Người tạc tượng của Đỗ Nhuận”, “Bên bờ K’rôngpa của Nhật Lai”, vũ kịch “Chị Sứ” của Xuân Định, “Phá lao” của Nguyễn Việt... đến những tác phẩm kinh điển của thế giới được dàn dựng công phu và biểu diễn thành công như nhạc kịch “Phidelio” của Bethoven, “Ruồi Trâu” của Xpadavecxki, Madame Butterfly, vở vũ kịch: Spactak, Gieselle, Hồ Thiên Nga...

Mỗi bước đi của Nhà hát Vũ Kịch Việt Nam đều có dấu ấn của sự nỗ lực, sự cống hiến và tâm huyết của các nghệ sĩ, diễn viên tài năng để đưa nghệ thuật đỉnh cao thế giới tới gần với công chúng Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

(PLVN) - Những năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến, tăng trưởng hàng năm và có những tác phẩm “ăn khách”.Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, ngành điện ảnh vẫn đang đối mặt với những khó khăn, rào cản về chi phí, đặc biệt vấn đề dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng - GTGT (sửa đổi) sắp tới.

Đọc thêm

'Ông vua chân dung' của nhiếp ảnh Việt Nam

Bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi bên nhạc sĩ Văn Cao vào ngày mùng 6 Tết Nhâm Thân 1992. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
(PLVN) - Sở hữu tư liệu đồ sộ với hàng vạn bức ảnh quý giá chụp chân dung các văn nghệ sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán được người trong nghề gọi với cái tên thân thương là “ông vua chân dung”. Đây không chỉ là một nghệ danh, mà còn là sự ghi nhận cho những đóng góp không ngừng nghỉ của ông trong việc lưu giữ và tôn vinh vẻ đẹp nghệ thuật qua từng khuôn mặt, từng nhân vật mà ông đã có cơ hội ghi lại trong suốt mấy chục năm qua.

'Multiverse - Đa vũ trụ' - Khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người

"Multiverse - Đa vũ trụ” ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người (Ảnh: BTC)
(PLVN) - Album “Multiverse - Đa vũ trụ” của Tùng Dương có các ca khúc ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người, về sinh tồn và ý nghĩa cuộc sống, về khả năng vượt thoát khỏi không gian sống chật hẹp để vươn tới những vũ trụ xa xăm hoặc để trở về khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người…

Khát khao làm phim điện ảnh “bom tấn”

Bộ phim "Khóc hay cười" thu hút nhiều khán giả.
(PLVN) - “Chúng tôi cố gắng một năm sẽ làm 3 - 4 phim chiếu rạp. Chúng tôi mong muốn làm phim điện ảnh bom tấn, kiểu Hollywood ”. Đó là lời chia sẻ của Đạo diễn Phạm Đức Dũng tại họp báo ra mắt Hãng phim Bạch Mã ngày 13/11/2024 tại Hà Nội.

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt
(PLVN) -  Xuất sắc vượt qua nhiều đại diện đến từ các quốc gia trên thế giới, Huỳnh Thị Thanh Thủy đã đăng quang ngôi vị cao nhất, mang về chiếc vương miện danh giá Hoa hậu Quốc tế đầu tiên cho Việt Nam, đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu tên tuổi Việt Nam trên bản đồ nhan sắc thế giới.

'Giọng hát hay Hà Nội năm 2024' - khơi dậy tình yêu Hà Nội

Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” chính thức trở lại, tiếp tục hành trình tìm kiếm và vinh danh những giọng ca trẻ đầy tài năng của Thủ đô. (ảnh Thùy Dương)
(PLVN) - Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” không chỉ là sân chơi nghệ thuật, mà còn là dịp để các thí sinh cũng như người dân Hà Nội ôn lại những trang sử hào hùng và khơi dậy tình yêu, niềm tự hào về quê hương trong trái tim mỗi người.

Văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước

Các đại biểu thảo luận tọa đàm: "Doanh nghiệp thời 4.0: Chuyển đổi văn hóa số tạo nên sự khác biệt."(Ảnh: BTC).
(PLVN) -  “Trong giai đoạn hiện nay, trước các cơ hội và thách thức đặt ra, chúng ta đã xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng. Bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước”.

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ (ảnh P.V)
(PLVN) - Triển lãm gốm "Hiện Linh" mang tới công chúng, những người yêu nghệ thuật gần 200 tác phẩm lần đầu được ra mắt của Giáo sư, họa sĩ Ngô Xuân Bính. Trong không gian đương đại tại Bảo tàng Hà Nội, các tác phẩm gốm ‘Hiện Linh’ sẽ dẫn dắt người xem bước vào thế giới vừa quen thuộc, vừa mới lạ của đất Mẹ.