Nhà Trịnh Công Sơn ở TP Hồ Chí Minh: Chốn gặp gỡ những người tài hoa

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Hồng Nhung trong một bữa tiệc tại gia.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Hồng Nhung trong một bữa tiệc tại gia.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hẻm Trịnh, nhà của Trịnh, địa danh ấy, là một “bảo tàng” lưu giữ những kí ức về người nhạc sĩ tài hoa đã để lại một di sản lớn cho âm nhạc Việt Nam.

Hẻm Trịnh - con hẻm lưu giữ kí ức TP Hồ Chí Minh

Nhiều người nói, hẻm là “đặc sản” của TP HCM, mà văn hóa hẻm là một “di sản” chưa được xếp hạng của thành phố này. Trong đó, có những con hẻm gắn liền với một giai đoạn lịch sử, một nhân vật nổi tiếng..., cho đến nay vẫn được người dân đến chiêm ngưỡng, tưởng nhớ. Hẻm Trịnh là một con hẻm như thế.

Nhắc đến “hẻm Trịnh”, nếu đã là người sinh sống, gắn bó với mảnh đất TP HCM không mấy ai là không biết. Hẻm Trịnh thực ra không phải là tên gọi chính thức nhưng là cái tên quen thuộc với rất nhiều người TP HCM. Tên chính thức của hẻm Trịnh là hẻm 47 Phạm Ngọc Thạch. Hẻm nằm trên đường Phạm Ngọc Thạch, gần với hồ Con Rùa. Một con hẻm thoáng, xinh đẹp với nhiều căn biệt thự cổ. Sẽ không có gì khác biệt với muôn vàn con hẻm xinh đẹp giữa lòng thành phố, nếu như cuối hẻm không có ngôi biệt thự nhỏ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Thời trước giải phóng, đường Phạm Ngọc Thạch có tên gọi Duy Tân. Hẻm Trịnh hồi ấy có địa chỉ là hẻm 47 Duy Tân. Thế nên, ngoài địa chỉ chính thức, căn biệt thự nhà nhạc sĩ họ Trịnh vẫn còn gắn một tấm biển xưa cũ 47C Duy Tân, như một chút lưu giữ kí ức.

Bản thân con hẻm không đặc biệt, nhưng chính vì có ngôi nhà nhạc sĩ họ Trịnh nằm cuối hẻm mà con hẻm trở nên đặc biệt. Từ rất lâu rồi, người dân trong con hẻm này đã quen với những bước chân văn nghệ sĩ, những vị khách đặc biệt, nổi tiếng trong và ngoài nước đến thăm, đàm đạo với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Nhiều người còn nhớ xe cà phê không tên của 2 vợ chồng ông Hoành người Huế đặt ở đầu hẻm Trịnh từ những năm 1980. Không có tên, nhưng bởi vị trí đặc biệt, nên “chết tên” luôn là cà phê hẻm Trịnh.

Hồi ấy, văn nghệ sĩ, nhà báo, sinh viên văn khoa nói riêng và các sinh viên các khoa xã hội, nghệ thuật, người trẻ ngưỡng mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường đến cà phê hẻm Trịnh để uống cà phê. Là quán cà phê “cóc” đầu hẻm, nên bàn ghế chỉ rất sơ sài, vài chiếc ghế nhựa con con, chiếc bàn dã chiến. Người uống mỏi lưng thì dựa vào các bức tường hẻm mà thưởng thức cà phê. Bóng mát thì có bóng cây xoài cổ thụ của một văn phòng gần đó. Ấy thế thôi, mà ngày nào quán cũng đông khách. Những gương mặt khách có nổi tiếng, có quen thuộc, có trẻ măng. Biết bao cuộc chuyện trò sôi nổi về âm nhạc, nghệ thuật, biết bao mối quan hệ bạn hữu đã bắt nguồn từ quán cà phê cóc đầu hẻm Trịnh ấy.

Tuy nhiên, sau một sự cố ô tô quệt chân khách lạ, năm 2012, quán cà phê hẻm Trịnh phải dời ra lề đường Phạm Ngọc Thạch, nó không còn là quán cà phê của hẻm Trịnh nữa. Hẻm Trịnh cũng không còn quán cà phê đầu hẻm nữa. Nhưng mỗi lần đi ngang con hẻm rộng với nhiều căn biệt thự cổ và bóng cây che mát ấy vẫn làm những người từng ngồi nhâm nhi ly cà phê sáng đầu hẻm thấy lòng xuyến xao.

Nơi gặp gỡ, giao lưu của những tâm hồn nghệ sĩ

Căn biệt thự 47 Phạm Ngọc Thạch không quá lộng lẫy, hoành tráng, nhưng có một vẻ đẹp đầy tinh tế, đó là sự giao thoa của phong cách kiến trúc Việt Nam hiện đại nhưng vẫn mang hơi thở của sự hoài cổ, truyền thống.

Nửa đời sau của người nhạc sĩ gắn bó mật thiết với ngôi nhà này. Sau khi ông mất, từ năm 2006 gia đình ông đã xúc tiến thủ tục để đưa nơi đây thành nhà tưởng niệm. Không gian làm việc, tất cả vật dụng được giữ đúng vị trí như lúc nhạc sĩ sinh thời để người hâm mộ có thể hình dung rõ nét về cuộc đời của ông.

Ngôi nhà có một khoảng sân rộng rãi, rợp bóng mát và rất nên thơ, đó là nơi nhạc sĩ thường có những buổi tiệc vui vẻ với giới văn nghệ sĩ về âm nhạc, thi ca. Bên hành lang đường dẫn vào phòng khách được treo nhiều tấm hình kỷ niệm. Từ những tấm ảnh chụp Trịnh Công Sơn thời trẻ cho tới những tấm Trịnh Công Sơn chụp với nhạc sĩ Văn Cao, chụp chung với nhóm nhạc những người bạn hay tấm Trịnh Công Sơn đang suy tư…

Căn nhà này cũng là nơi nhạc sĩ từng gặp gỡ và có một đoạn tình duyên sâu sắc với bà Yoshii Michiko. Ở giai đoạn cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, Yoshii Michiko bén duyên với Việt Nam vì yêu văn hóa, ngôn ngữ và con người của đất nước này. Đến gặp nhạc sĩ vì hâm mộ, vì mong muốn được “thọ giáo” về văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam, để rồi sự tài hoa và trí tuệ của người nhạc sĩ đã khiến tâm hồn Yoshii Michiko rung động, thương yêu.

Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, khi kể về Trịnh Công Sơn, cũng cho biết căn biệt thự số 47 Phạm Ngọc Thạch là nơi họ và nhiều nghệ sĩ khác từng đến nhờ “anh Sơn” chỉ dạy về âm nhạc và nhạc sĩ thì không mấy khi từ chối lời nhờ cậy của ai bao giờ, dù là nghệ sĩ đã có tiếng hay những người mới “chân ướt, chân ráo” vào nghề.

Nhạc sĩ Trần Tiến trong một lần chuyện trò đã kể lại lần đầu tiên gặp Trịnh Công Sơn vào năm 1976 tại ngôi biệt thự 47 Phạm Ngọc Thạch. Trong kí ức của Trần Tiến, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ngày đó là một người đàn ông bận đồ nhà chùa, dáng điệu thanh tịnh. Trần Tiến được mời uống rượu và ngủ lại nhà, chuyện trò cùng nhau. Thời điểm ấy, Trần Tiến dường như chưa tìm được hướng đi trong âm nhạc. Sau đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thường viết thư và khuyên Trần Tiến viết ca khúc, với lý do: “Tiến à, mình không nghĩ rằng một bản giao hưởng tồi lại có thể ví được với một câu hò hay”. Những lời khuyên ấy đã làm Trần Tiến “bừng tỉnh” không mê viết giao hưởng nữa mà viết một loạt ca khúc để đời.

Nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn cũng chia sẻ rằng, ngày anh mới bước chân vào TP Hồ Chí Minh, chưa có sự nghiệp gì, thường đến nhà, được Trịnh Công Sơn động viên, khuyến khích, đưa ra những lời khuyên hữu ích. Nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn cũng là một trong những người chứng kiến giây phút cuối cùng của Trịnh Công Sơn tại nhà ông. Hằng năm, vào ngày mất của Trịnh Công Sơn, Trần Mạnh Tuấn dù khỏe mạnh hay ốm đau, vẫn đưa gia đình đến ngôi nhà ấy để thắp cho người anh lớn một nén nhang.

Nhạc sĩ Văn Cao đến thăm, chuyện trò cùng Trịnh Công Sơn tại ngôi nhà 47 Phạm Ngọc Thạch vào năm 1993.

Nhạc sĩ Văn Cao đến thăm, chuyện trò cùng Trịnh Công Sơn tại ngôi nhà 47 Phạm Ngọc Thạch vào năm 1993.

Nơi đây, cô “Bống Hồng Nhung” thời son trẻ vẫn thường xuyên lui tới, chuyện trò với “anh Sơn”, để rồi được nhạc sĩ viết tặng nhiều tác phẩm âm nhạc duyên dáng như “Thuở Bống là người”, “Bống bồng ơi”, “Bống không là bống”... Hồng Nhung từng cho biết cô chịu ảnh hưởng nhiều từ những triết lý nhân văn về tình yêu cuộc sống, về thân phận con người mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn truyền cảm hứng cho cô và đưa vào trong từng ca khúc của ông.

Còn rất nhiều, rất nhiều nghệ sĩ như Cẩm Vân, Tam ca áo trắng và nhiều nghệ sĩ từ khắp các vùng miền ngưỡng mộ ông... thường xuyên lui tới căn nhà ấm cúng của Trịnh Công Sơn, chuyện trò, lắng nghe những lời chỉ bảo của ông, được ông hướng dẫn cách hát những tác phẩm mà ông sáng tác. Nữ ca sĩ Cẩm Vân từng kể lại rằng, “anh Sơn” bao giờ cũng ấm áp, rất dịu dàng và bao dung. Rằng cứ đến sinh nhật của “anh Sơn” là không ai bảo ai, không cần hẹn trước, giới văn nghệ sĩ cứ tụ tập về, tổ chức tiệc cho anh. Ca sĩ Hồng Nhung từng chia sẻ, cô nhớ như in, vào mỗi dịp sinh nhật, Trịnh Công Sơn thường dậy sớm, trang phục là ủi thẳng tắp, chọn giày, vớ, đồng hồ, bật lửa, mũ... thật hài hòa, chỉnh chu như một tài tử ci-nê Pháp, bước ra khỏi phòng với nụ cười tươi rói, mắt sáng long lanh, lấp đầy căn nhà bằng không khí hân hoan và niềm vui.

Căn nhà này cũng là nơi nhạc sĩ gặp gỡ những tâm hồn đồng điệu. Nơi ông từng trò chuyện với nhạc sĩ Văn Cao về kỉ niệm sáng tác các bài hát, đàm luận về hội họa, nhiếp ảnh với họa sĩ Lưu Công Nhân, nhiếp ảnh gia Dương Minh Long...

Giờ đây, người nhạc sĩ có tài năng và tâm hồn lớn ấy đã ra đi. Ngôi nhà số 47 Phạm Ngọc Thạch vẫn là một nơi lưu giữ kí ức về ông đối với những người em, người bạn, người hâm mộ. Căn phòng riêng của Trịnh Công Sơn, nơi ông tiếp những người thân thiết, đến nay, 22 năm vẫn luôn được thắp sáng đèn dù ông đã qua đời.

Năm 2023, gia đình Trịnh Công Sơn cùng nhóm bạn trẻ đã thực hiện số hóa ngôi nhà. Điều này cũng phần nào giúp những người yêu mến, ngưỡng mộ cố nhạc sĩ nhưng không có điều kiện đến thăm nhà có thể thỏa lòng mong ước được chiêm ngưỡng những ngóc ngách của ngôi nhà lưu giữ những kí ức một thời...

Tin cùng chuyên mục

Tình yêu của nghệ sĩ trẻ Quỳnh Như với những miền quê qua "Viollage" (ảnh BTC).

'Viollage' gợi nhớ về những miền quê thanh bình

(PLVN) - Những tác phẩm trong album “Viollage” của nghệ sĩ violin Quỳnh Như đều là những giai điệu nhẹ nhàng, thân quen với khán giả từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp đến nay, gợi nhớ về những miền quê mộc mạc, thanh bình và thắm đượm tình làng, nghĩa xóm.

Đọc thêm

'Điểm chạm' văn hóa giữa ballet và văn hóa truyền thống

Thưởng thức nguyên bản kiệt tác Hồ Thiên Nga.
(PLVN) - Những năm gần đây, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam luôn sáng tạo và nỗ lực đưa nghệ thuật hàn lâm nói chung và ballet nói riêng đến gần hơn với công chúng Việt qua những vở diễn nguyên bản đỉnh cao hay sự kết hợp nghệ thuật hội họa truyền thống và sự kết nối giữa truyền thuyết dân gian Việt Nam với nghệ thuật ballet cổ điển thế giới.

'Tình lỡ' giữa dòng đời nghiệt ngã của nhạc sĩ Thanh Bình

Cố nhạc sĩ Thanh Bình và ca sĩ Ánh Tuyết. (Nguồn: HĐN)
(PLVN) - Nhắc đến nhạc sĩ Thanh Bình, có thể sẽ ít người nhớ đến tên tuổi của ông tuy nhiên nhắc đến bài hát “Tình lỡ” thì từ Nam ra Bắc, nhiều người vốn không lạ gì. Nổi tiếng là thế nhưng bài hát không mang lại nhiều danh tiếng, tiền bạc cho nam nhạc sĩ mà mang lại cho ông đường tình duyên buồn như tên gọi “Tình lỡ”.

“Cha để lại cho con” tôn vinh tình phụ tử

"Cha để lại cho con" đã thể hiện tấm lòng và sự dạy dỗ của người cha giúp con nên người ( ảnh T.Trung)
(PLVN) - “Công cha như núi Thái Sơn”, nhân Ngày của Cha (16/6), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung đã ra mắt ca khúc “Cha để lại cho con”. Ca khúc đã thể hiện tấm lòng và sự dạy dỗ của người cha giúp con nên người.

Phim 'Gia tài của ngoại' tạo cơn sốt tại Việt Nam

Phim 'Gia tài của ngoại' tạo cơn sốt tại Việt Nam
(PLVN) - Chính thức ra rạp từ ngày 7/6 cùng các suất chiếu đặc biệt từ tối 6/6, “Gia tài của ngoại” (How to Make Millions Before Grandma Dies) đã gây cơn sốt lớn tại rạp Việt, đồng thời nhận được rất nhiều sự quan tâm trên các nền tảng mạng xã hội Việt Nam.

Bolero, những vàng son kí ức

Một chương trình bolero trên truyền hình. (Ảnh: NL Duy)
(PLVN) - Chúng ta vẫn nghe dòng nhạc này từ mọi ngôi nhà, ngõ xóm, nhưng ít người biết nó xuất phát từ những giai điệu rộn ràng xứ Âu Mỹ. Bởi khi du nhập vào Việt Nam, bolero mang một màu sắc rất riêng, rất khác. Đó là dòng nhạc đi cùng với lịch sử, với văn hóa người Việt từ cận đại cho đến hiện đại, thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của Nhân dân.

Ca sĩ Thu Hường hát bằng sự chân thành

Thu Hường với giọng ca mộc mạc, tinh tế (ảnh PV)
(PLVN) - “Khi hát bất cứ dòng nhạc nào, tôi cũng đều hát bằng cả trái tim, bằng tâm huyết và sự say mê để mang lại những cảm xúc tích cực cho khán giả. Sự chân thành, mộc mạc và sự tinh tế trong cả cách xử lý ca khúc lẫn phong cách trình diễn chính là những yếu tố để chinh phục khán giả.” - ca sĩ Thu Hường chia sẻ.

“Việt Nam - Khát vọng vươn xa” - kỷ niệm 76 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc

“Việt Nam - Khát vọng vươn xa” - kỷ niệm 76 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (ảnh tổng duyệt chương trình của Trần Huấn).
(PLVN) - Vào 20h tối nay (ngày 5/6), chương trình nghệ thuật “Việt Nam - Khát vọng vươn xa” sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Báo Văn hóa phối hợp tổ chức, nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2024).

Sôi động các chương trình đồng hành cùng UEFA EURO 2024 trên TV360

“Đường tới EURO 2024" sẽ khám phá hành trình đầy ắp cảm xúc của 24 đội bóng trên con đường chinh phục vinh quang.
(PLVN) -  Thông tin từ Tập đoàn Công nghiệp- Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa cho biết, trong thời gian diễn ra EURO 2024, TV360-  ứng dụng truyền hình do Tổng Công ty Viễn thông Viettel phát triển , sẽ sản xuất, phát sóng nhiều chương trình đồng hành, bản tin, nhật ký EURO... để phục vụ khán giả, người hâm mộ thể thao cả nước.

Lắng đọng “Tôi thương mẹ tôi”

Hình ảnh của mẹ qua bao năm tháng vất vả, hết lòng vì gia đình, các con (ảnh VH)
(PLVN) - Hướng tới chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung đã giới thiệu tới người yêu nhạc ca khúc “Tôi thương mẹ tôi”. Qua giọng đầy cảm xúc của NSƯT Hoàng Tùng.

Bảo vệ bản thân trước 'gạch đá' dư luận

Bảo vệ bản thân trước 'gạch đá' dư luận
(PLVN) - Dù đã có quy định pháp luật nhưng những hành vi vu khống, bôi nhọ người khác trên mạng xã hội ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Làm thế nào để những người bị hại mạnh dạn bảo vệ bản thân trước làn sóng tiêu cực trên không gian mạng?

Chương trình làm phim mùa hè miễn phí dành cho học sinh

Sân chơi “Qua ống kính trẻ thơ” đã trở thành hoạt động mùa hè thú vị và đầy sáng tạo, được các bạn nhỏ yêu thích nghệ thuật mong chờ
(PLVN) - Chương trình làm phim “Qua ống kính trẻ thơ 2024” (Kid Witness News), đã chính thức được khởi động, kỳ vọng mang đến cho các em học sinh một sân chơi đầy bổ ích, thú vị với bộ môn nghệ thuật thứ 7. Đặc biệt năm nay, lần đầu tiên những bộ phim do các nhà làm phim “nhí” sản xuất sẽ được phát sóng trên truyền hình.