Đưa làn điệu chèo vang xa
Vừa qua, tại Liên hoan Sân khấu các trường nghệ thuật châu Á do Học viện Hý kịch Trung ương (Bắc Kinh, Trung Quốc) tổ chức từ 17 - 23/5/2024 với chủ đề “Sức quyến rũ của sân khấu truyền thống châu Á”, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đăng ký tham dự vở chèo “Như hạt mưa sa”. Đây là tác phẩm được lấy cảm hứng từ số phận của người phụ nữ Việt Nam với tứ đức “công, dung, ngôn, hạnh”. Vở diễn đã khắc họa ba nhân vật nữ kinh điển của nghệ thuật chèo cổ là nhân vật Thị Mầu, nhân vật Thị Kính trong vở chèo cổ “Quan âm Thị Kính”, nhân vật Xúy Vân trong vở chèo Kim Nham.
Bám sát chủ đề của Liên hoan, vở diễn “Như hạt mưa sa” lồng ghép chất liệu chèo truyền thống trong diễn xuất đương đại, đã tạo nên sức hút đặc biệt, gây ấn tượng sâu sắc với khán giả quốc tế.
Lần đầu tiên trong lịch sử tham dự Liên hoan Sân khấu các trường sân khấu châu Á, đoàn Việt Nam đạt thành tích dẫn đầu với 3 giải thưởng, trong đó là 1 giải “Vở diễn ưu tú” và 2 giải “Biểu diễn xuất sắc”.
Qua vở diễn, đông đảo khán giả quốc tế hiểu thêm chèo truyền thống - nét văn hóa dân gian của người Việt.
Ở một góc độ khác, nghệ thuật chèo đã truyền cảm hứng cho những bạn trẻ Gen Z. Vừa qua, nhóm sinh viên Mercury, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức chương trình talkshow và biểu diễn nghệ thuật “Phi hề bất thành chèo” tại Nhà hát Chèo Việt Nam. Khán giả thưởng thức vở diễn kinh điển “Xã trưởng - mẹ Đốp” được trích từ vở chèo “Quan Âm Thị Kính” với sự thể hiện của NSƯT Vũ Thủy và nghệ sĩ trẻ tài năng Xuân Trường.
Xuất phát từ niềm say mê với nghệ thuật dân tộc, một nhóm bạn trẻ thành lập dự án “Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương”.
“Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương” được chia làm hai mảng: chèo khám phá và chèo trải nghiệm. Sau khi tìm hiểu nguồn gốc, đặc trưng, kỹ thuật cơ bản của chèo dân gian thông qua hoạt động tương tác; thực hành kỹ thuật hát chèo, múa chèo cơ bản dưới sự hướng dẫn của các nghệ sĩ chèo; làm quen với trang phục, nhạc cụ trong chèo, các học viên được trực tiếp tham gia trích đoạn chèo, khám phá những chuyện đằng sau sân khấu chèo, ghé thăm cái nôi của chèo...
Định hình “căn cước văn hóa”
Chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian của người Việt, phát triển mạnh và phổ biến ở Đồng bằng sông Hồng cùng hai khu vực lan tỏa là Trung du miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Chèo được hình thành từ thế kỷ X, dưới thời nhà Đinh khi Vua Đinh Tiên Hoàng trị vì. Kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) là đất tổ của sân khấu chèo, người sáng lập là bà Phạm Thị Trân, một vũ ca tài ba trong hoàng cung đã được nhà vua phong chức quan Ưu Bà chuyên truyền dạy nghề múa hát.
Hiện nay ước tính có khoảng trên 200 làn điệu chèo, chủ yếu được hình thành và bắt nguồn từ các làn điệu dân ca, ca dao, thơ giàu chất văn học đằm thắm trữ tình. Chèo sử dụng nhạc cụ dây là đàn nguyệt, đàn nhị và đàn bầu, đồng thời thêm cả sáo. Ngoài ra, các nhạc công còn sử dụng thêm trống và chũm chọe. Bộ gõ nếu đầy đủ thì có trống cái, trống con, trống cơm, thanh la, mõ.
Để góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản này, Chính phủ vừa đồng ý để Bộ VH,TT&DL gửi hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật Chèo” của 14 tỉnh, thành phố để trình Tổ chức Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc UNESCO ghi danh “Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật Chèo” của Việt Nam trình UNESCO gồm 14 tỉnh, thành phố tham gia, là Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và các tỉnh: Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên. Đây được xem là những vùng đất giàu truyền thống, còn gìn giữ và bảo tồn được những tinh hoa của chèo - nghệ thuật kịch hát dân tộc đặc sắc.
Nếu được UNESCO ghi danh, người yêu di sản văn hóa thế giới sẽ thêm hiểu và biết nghệ thuật chèo nói riêng, các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam nói chung, góp phần khẳng định giá trị của nền văn hóa Việt Nam trên thế giới.