Dù bị cấm nhưng đề tài sex trên các trang viết vẫn được không ít “nhà văn” chọn lựa. Ông Ngô Huy Toàn - Trưởng phòng thanh tra xuất bản báo chí, Bộ TT-TT, cho biết nhiều cuốn sách viết về tình dục hiện nay rất thô thiển, không có giá trị nghệ thuật, giáo dục. Từ đầu năm 2010 đến nay, có không ít đầu sách không được cấp giấy phép phát hành cũng vì liên quan đến sex. Nguy hại hơn, vấn đề sex còn lan sang cả truyện tranh thiếu nhi. Ví như cuốn Shin - cậu bé bút chì (NXB Kim Đồng) được mô tả những cảnh “nóng” khiến người lớn cũng phải đỏ mặt khi xem, hay truyện Hôn ước bí mật trong serie Nhật ký ngọt ngào của NXB Đà Nẵng có những cảnh hôn nhau của hai đứa trẻ…Mượn sex tạo scandal Nếu năm 2009, những tác giả viết về sex có chiều hướng giảm, thì năm 2010 chuyện sex trên các trang viết lại biến tướng theo một dạng khác. Không chỉ có những nhà văn viết về sex mà còn có cả những nghệ sĩ cũng lấn sân như truyện Sợi xích của Lê Kiều Như (NXB Hội Nhà văn).
Quyển sách này dù đã bị cấm nhưng vẫn được bán “chui” Ảnh: CTV. |
Theo nhà văn Chu Văn Sơn, sex cần được nhìn dưới góc độ “mở” nhưng không nên lạm dụng. “Khi đọc những truyện của nhà văn Vệ Tuệ (Trung Quốc) luôn có những pha mô tả sex rất kỹ, cảm xúc sex rất mạnh. Nhưng sex không phải mục đích của nhà văn này, cái mà cô muốn nói tới là sự khủng hoảng nào đó về giá trị, lẽ sống của giới trẻ Trung Quốc. Hoặc cuốn Rừng Nauy của Murakami Haruki (Nhật) viết về cảnh sex rất nhiều, nhưng người đọc không phải đọc để được thỏa mãn về dục cảm mà sex đối với họ như một phương tiện chống lại tình cảm cô đơn”, ông Sơn nhận xét. Trong khi đó, cũng theo ông Sơn, chuyện sex của các tác giả trong nước như quyển Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu, đọc kỹ thì thấy mục đích của nhà văn cũng muốn dùng sex như một ngôn ngữ, công cụ nào đó, nhưng trong quá trình viết có lẽ do không kiểm soát được nên cô đã phô diễn sex quá thừa thãi, thậm chí có phần hơi thô. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thì cho rằng, nếu các tác giả đã viết sex trong bối cảnh truyện cần phải có thì không nói gì. Nhưng có những câu chuyện không cần có sex mà vẫn được tác giả cố tình đề cập đến chỉ với mục đích chỉ để câu khách thì đáng bị lên án.Càng tuýt còi, bán càng chạy Thực tế cho thấy, một cuốn sách nào đó bị các nhà phê bình phê phán hoặc bị nhà quản lý lên án thì càng trở nên “hot’. Điển hình là những quyển: Sợi xích, Bòng đè… nếu bị cấm không cho bán công khai, những người bán sách lậu cũng sẽ tìm mọi cách in để bán. Thậm chí, họ bán cả những bản photo. Họ biết rằng, càng bị “dòm ngó” thì sách càng bán chạy nên có những quyển bình thường, không có vấn đề gì cũng mong “được” phạt để gây tò mò, bán nhiều hơn. “Có lần, một người bạn nhờ tôi “tuýt còi” giúp một cuốn sách đã xuất bản nhưng không bán được. Tôi từ chối, thế là ông bạn này tự viết một bài phê bình và đăng trên báo dưới một bút danh khác nhằm phê phán cuốn sách của mình. Và đúng như dự đoán, quyển sách đã bán được 1.000 cuốn”, ông Kiểm kể. Đồng tình với ông Kiểm, ông Toàn khẳng định, những cuốn sách viết về sex hiện nay phần lớn chẳng có gì nhưng tác giả hoặc nhà xuất bản lại tìm cách tạo dư luận, mục đích vừa tạo tiếng tăm vừa thu được tiền.
Theo Thanh Ngọc
Đất Việt
Đất Việt