Nguồn thu tăng 180 lần, quận có vạn doanh nghiệp
Xem lại tư liệu cũ về Cầu Giấy dễ nhận ra 20 năm trước, đây chỉ là một vùng đất nông nghiệp, với phần lớn cư dân nông nghiệp và những đơn vị hành chính nông thôn. Quận Cầu Giấy được “khai sinh” với 7 xã và thị trấn tách ra từ huyện Từ Liêm, khi đó có xấp xỉ 10 vạn dân, thu ngân sách mới 2 con số (35 tỷ đồng)… Nhưng 20 năm sau, cùng với sự đô thị hoá mạnh mẽ, những chỉ số cơ bản trên đã thay đổi khó tưởng tượng - thu ngân sách tăng gấp… 180 lần so với những năm đầu thành lập - đạt 6.300 tỷ đồng/năm 2016, toàn quận có hơn 1,1 vạn doanh nghiệp so với con số 95 hồi năm 1997, quy mô dân số tăng gấp 3. Đặc biệt, bộ mặt đô thị được khoác lên mình “tấm áo” mới đa màu sắc và đầy cuốn hút trong mắt người Hà Nội.
Trao đổi với PLVN, ông Trần Việt Hà - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho rằng, từ vùng đất vốn có “gốc” nông nghiệp nhưng đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm nông nghiệp và tăng giá trị thương mại - dịch vụ - công nghiệp theo hướng chủ đạo là câu chuyện đáng nói nhất sau 20 năm.
Thực tế, thì Cầu Giấy có xuất phát điểm thấp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhỏ lẻ, manh mún; dịch vụ - thương mại quy mô không lớn; hạ tầng kinh tế kỹ thuật nghèo nàn. Nguồn tài chính lúc đầu hạn hẹp, mất cân đối, chủ yếu trông chờ vào thành phố…
“Nhưng không lâu sau, với sự đoàn kết, chung lòng của cán bộ, nhân dân toàn quận đã góp phần xây nên nhiều công trình, dự án có ý nghĩa chính trị to lớn góp phần thay đổi diện mạo địa phương, như: Khu công nghệ thông tin tập trung, Khu đô thị mới cầu Giấy, các trung tâm thương mại lớn như Big C, Indochina… Nhiều trường học, trạm y tế, đường giao thông, chợ, công trình nước sạch... được đầu tư kiên cố hoá, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng - kinh tế xã hội trên địa bàn”, ông Trần Việt Hà dẫn chứng.
Sau 20 năm thành lập, hệ thống hạ tầng giao thông của Cầu Giấy phát triển mạnh, với những tuyến đường lớn như Trần Duy Hưng, Hoàng Quốc Việt, Vành đai 2,5... |
Đấu giá đất - “chìa khoá vàng” phát triển đô thị
Một trong những “chìa khóa” để quận có thể tiếp cận nguồn lực, tạo vốn đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội trong thời gian qua là sử dụng hợp lý nguồn lực đất đai thông qua “đấu giá quyền sử dụng đất”. Bài học rút ra từ cách làm này là gì, thưa ông?
Tổng diện tích đấu giá đất mà chúng tôi tiến hành tại Khu đô thị mới Cầu Giấy là 108.924m2, gồm 11 ô . Từ năm 2004 đến nay, quận tổ chức đấu giá các thửa đất thuộc 11 ô đất, với diện tích là 104.289 m2. Đến nay, tổng tiền thu được từ đấu giá là 3.546,5 tỷ đồng.
Quận được thành phố phê duyệt cơ chế đặc thù sử dụng nguồn thu đấu giá đất để thực hiện 9 dự án đấu nối hạ tầng giao thông trên địa bàn. Trong đó, có các dự án trọng điểm như tuyến đường vành đai 2,5 từ Hoàng Quốc Việt đến Trung Kính, Trần Duy Hưng chiều dài 2km. Ngoài ra, còn hoàn thành các dự án: Tuyến Vành đai 2,5 (phần còn lại trên địa bàn quận Cầu Giấy), Công viên Dịch Vọng (giai đoạn 1); đường nối Vành đai 3 đến Trường THCS Dịch Vọng Hậu...
Đáng nói, với chủ trương này, Cầu Giấy đã xây dựng được Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, với định hướng xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cơ bản hoàn thiện từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất để từ đó phát triển các khu kinh tế, dịch vụ chất lượng cao như ngân hàng; bảo hiểm; giáo dục, ytế; thể dục thể thao… để dần tạo nguồn thu ngân sách ổn định trên địa bàn quận khi đã hết đất đấu giá.
Theo Quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050 của Thủ đô, khu vực phía Tây sẽ là đô thị hạt nhân. Cầu Giấy nằm ở phía Tây, với hạ tầng đã được đầu tư cơ bản đồng bộ và đã hình thành nhiều dự án đô thị, bất động sản, công viên cây xanh lớn… Địa phương sẽ bắt nhip phát triển đô thị theo quy hoạch chung như thế nào?
Đô thị Quận Cầu Giấy đã, đang hình thành theo định hướng phát triển Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt và Quy hoạch chi tiết quận Cầu Giấy tỷ lệ 1/2000 được UBND TP.Hà Nội phê duyệt với các trung tâm thương mại tài chính, dịch vụ, văn hoá mới và các viện nghiên cứu khoa học; các khu xây dựng mới và các làng xóm xen kẽ được bảo tồn, cải tạo; đồng thời chú ý nâng tỷ lệ trung bình tầng cao, khai thác không gian ngầm và trên không để tiết kiệm đất.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phân khu đô thị H2-1 và H2-2 đã được UBND TP.Hà Nội phê duyệt, thì Cầu Giấy sẽ nằm trong khu vực nội đô mở rộng (từ Vành đai 2 đến Vành đai xanh sông Nhuệ), là khu vực phát triển đô thị mới trọng yếu của đô thị trung tâm Thủ đô Hà Nội.
Đến thời điểm này, công tác quản lý đất đai, phát triển đô thị đã từng bước đi vào nề nếp. Nhiều công trình tầm cỡ quốc gia, nhiều khu đô thị mới (11 khu đô thị với tổng diện tích 291,9 ha như KĐT Trung Hòa - Nhân Chính, KĐT Yên Hòa, KĐT Nam Trung Yên...), khu công nghệ cao, nhiều khu công viên cây xanh đã được xây dựng (với tổng diện tích 42,28 ha như các Công viên Cầu Giấy, Nghĩa Đô). Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường được mở rộng như ven sông Tô Lịch, Trần Duy Hưng, Hoàng Quốc Việt, Trần Thái Tông, Nguyễn Khánh Toàn, Vành đai 2,5... đã làm thay đổi cơ bản diện mạo của đô thị.
Công viên Cầu Giấy - công trình phúc lợi, "lá phổi xanh" giữa lòng đô thị Cầu Giấy với nhiều cao ốc chọc trời |
Người dân được gì khi “làng lên phố”?
Nhu cầu đầu tư, phát triển đô thị của Cầu Giấy trong thời gian tới dự kiến như thế nào, thưa ông?
Tốc độ đô thị hoá quá nhanh kèm gia sự tăng dân số cơ học đã phát sinh các vấn đề cần giải quyết như: cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, quản lý đô thị, giải phóng mặt bằng, bố trí trường học, giải quyết việc làm, vệ sinh môi trường, cấp điện, nước...
Trong khi trong thời gian tới, quận Cầu Giấy sẽ phải là một trong những trung tâm thương mại - dịch vụ - hành chính của Thủ đô Hà Nội, với một số chỉ tiêu cụ thể về chất lượng đô thị như: Diện tích sàn nhà ở bình quân đạt 26,6 m2/người, tỷ lệ đất giao thông so với diện tích đất xây dựng đô thị từ 20 - 25% trở lên, tỷ lệ bao phủ của hệ thống thoát nước đạt 100% diện tích lưu vực thoát nước trong đô thị, chiếu sáng đường phố chính và ngõ xóm tại đô thị đạt 100%.
Để đầu tư được các lĩnh vực trên, giai đoạn 2016 - 2020 cần khoảng 4.273 tỷ đồng. Trong đó, hạ tầng - giao thông đô thị 1.470 tỷ, văn hoá - xã hội cần 2.083 tỷ…
Đời sống của nhân dân và phúc lợi mà họ đang thụ hưởng có tỷ lệ thuận với sự thay đổi bộ mặt đô thị Cầu Giấy sau 20 năm từ huyện thành quận, thưa ông?
Quận ra mắt và đi vào hoạt động từ ngày 1/9/1997, với 7 phường. Qua quá trình điều chỉnh địa giới hành chính đã lập thêm 1 phường mới, đến nay quận có 8 phường. Cùng đà tăng trưởng của Thủ đô, 20 năm qua kinh tế quận từng bước phát triển và khá toàn diện; bộ mặt đô thị thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, xanh - sạch - đẹp - nhân ái.
Đã có nhiều công trình lớn, khu đô thị mới... liên tiếp ra đời, cùng nhiều tuyến đường quy mô, khang trang được đầu tư mở rộng và với những “lá phổi xanh” giữa lòng đô thị như Công viên Cầu Giấy, Công viên Nghĩa Đô với rất nhiều cây xanh và diện tích mặt nước nằm sát các công trình trường học và khu dân cư. Và hiện các phường trong quận đều đã có Nhà văn hóa; quân cũng xây nhiều sân vận động, điểm vui chơi, các di tích lịch sử - văn hoá được đầu tư tôn tạo,.. qua đó góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân.
Đặc biệt, thời gian gần đây, hệ thống đường ngõ ngách, dây thông tin, điện chiếu sáng, điện sinh hoạt, cấp, thoát nước trên địa bàn đã được quan tâm chỉnh trang, nâng cấp, góp phần đảm bảo môi trường, mỹ quan đô thị và giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Bên cạnh đó, địa phương đã thực hiện tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa; đảm bảo chính sách với người có công. Đến hôm nay - trước thềm lễ kỷ niệm 20 năm thành lập quận, chúng tôi tự hào thông báo quận Cầu Giấy đã không còn hộ nghèo.
Cảm ơn ông!