Câu chuyện từ trái tim

PGS.TS Lân Hiếu - Câu chuyện từ trái tim đầy chân thực, rung động về người thầy thuốc tận tụy.
PGS.TS Lân Hiếu - Câu chuyện từ trái tim đầy chân thực, rung động về người thầy thuốc tận tụy.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Gần đây, khi dịch bệnh COVID-19 hoành hành, có không ít những cuốn sách do các bác sĩ viết, hoặc viết về bác sĩ, gây xúc động sâu sắc.

Những ngày tháng 6 này, PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu, một chuyên gia đầu ngành về tim mạch, một vị đại biểu Quốc hội với những góc nhìn thẳng thắn, đa chiều cũng bất ngờ cho ra mắt cuốn sách Câu chuyện từ trái tim và được GS. Ngô Bảo Châu, người bạn thân của ông, viết lời tựa…

Nhịp đập trái tim - đều cắt nghĩa được

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu là thế hệ thứ ba trong gia đình trí thức Hà Nội nổi tiếng - gia đình GS Nguyễn Lân. Ông từng say mê, yêu thích và ước mơ trở thành họa sĩ. Và rồi kỷ niệm buồn của tuổi thơ đã khiến ông có bước rẽ mới và chọn nghề y. Năm 17 tuổi, chứng kiến cảnh bà ngoại bị ung thư phổi, vật vã trong đau đớn mà mọi người đành bất lực. Chính sự ra đi của bà đã thôi thúc ông phải làm gì đó để không phải nhìn thấy những người thương yêu đau đớn vì bệnh tật. Sau đó, ông chọn nghề y, như là một sự lựa chọn của định mệnh.

“Năm 1989, tôi thi đỗ vào Đại học Y Hà Nội và bắt đầu quãng đời sinh viên vừa đói ăn, vừa đói ngủ. Học y rất áp lực vì chương trình nặng, các thầy lại vô cùng nghiêm khắc. Hồi đó, cứ hỏi trường đại học nào nhiều sinh viên đúp nhất thì 100% câu trả lời sẽ là: “Y Hà Nội”.

Thế hệ chúng tôi vào đại học khi đất nước vừa qua thời bao cấp, kinh tế khó khăn, đồng tiền mất giá, ai cũng nghèo, cả lớp cắm đầu vào học vì mục tiêu học bổng, cuối tháng xôn xao hỏi nhau: “Mày được bao nhiêu phần trăm?” Học giỏi sẽ được học bổng 100%, kém hơn chút được 75%, rồi 50%, 25%. Nghe có vẻ oai chứ thực ra học bổng 100% được có 21 nghìn, đi ăn căng-tin ba hôm là hết vì phở 5 nghìn một bát. Đến năm thứ năm, các bạn nữ được thêm một phần học bổng ưu tiên, chúng tôi gọi đó là tiền “đền bù tuổi thanh xuân” vì trong khi sinh viên các trường khác đều đã tốt nghiệp, có việc làm nuôi thân thì chúng tôi vẫn phải học và thi hết kỳ này đến kỳ khác.

Tôi chọn ngành tim mạch, bởi tim mạch là một ngành rất logic. Không có một triệu chứng nào của bệnh về tim mạch mà không giải thích được vì nó liên quan đến huyết động. Bạn hãy tưởng tượng, vòng tuần hoàn nó đẩy như cái bơm mà ở đây quả tim là cái bơm và mạch máu là các đường dẫn nước. Mọi thứ hoạt động và tuân theo nguyên lý về áp lực và động lực của vật lý. Ví dụ như là tại sao máu nó chảy từ chỗ này sang chỗ kia, hay là chảy ngược lại, tại sao có bệnh nhân lại tím có bệnh nhân lại không… tất cả đều có lý do hết, đều cắt nghĩa được.

Tôi còn nhớ lúc tôi vẫn còn là sinh viên, có lần cậu bạn thân của tôi bị ngã xe sau khi chở người yêu đi sinh nhật về. Tai nạn rất nặng, đứt dây chằng khớp gối rồi dây thần kinh. Cậu bạn nhanh chóng được đưa đi cấp cứu.

Tối hôm ấy tôi trực thì thấy cậu ấy khó thở, nhịp tim đập mạnh lên đến khoảng 150-160 lần một phút. Bác sĩ trực hôm ấy là một bác sĩ có nhiều kinh nghiệm, nhưng lại là bác sĩ mổ tiêu hóa chứ không phải mổ tim. Bác sĩ đến xem và cho cậu ấy uống digoxin. Về nguyên lý, digoxin đúng là thuốc trợ tim, tăng bóp cơ tim và làm chậm nhịp tim lại, nghe thì rất tốt nhưng nó lại chống chỉ định là: Nếu quả tim đấy nó bị suy hoặc quả tim bị “bọc” trong nước (ép tim), khi tim “bơi” trong nước như vậy mà càng cho digoxin vào thì càng nguy hiểm hơn, vì tim lúc đó không giãn ra được mà lại cứ bắt nó bóp lại.

Tôi nghe được tiếng tim của cậu ấy rất mờ, không đập cạnh lồng ngực nữa. Tôi liền bảo với bác sĩ là cẩn thận, có khi cậu ấy bị ép tim. Vị bác sĩ ấy không nghe, vì ai lại đi nghe một ông sinh viên Y6. Lúc đấy tầm 1, 2 giờ sáng, chẳng biết làm thế nào nữa, tôi chạy vội đến nhà Giáo sư Tôn Thất Bách để gọi ông. Thầy Bách đến viện, dẫn lưu ra được một lít máu trong tim cậu ấy.

Sau chuyện này, tôi lại hiểu mình hơn một chút, tôi nhận ra mình giỏi về tim mạch. Chú ruột tôi, đồng thời cũng là thầy giáo của tôi không khuyến khích tôi theo chuyên ngành tim mạch, chú bảo đây là một ngành rất nguy hiểm, chỉ cần sai sót một chút thôi là sẽ gây ra rất nhiều hậu quả khôn lường. Nhưng sau tất cả, tôi vẫn quyết định chọn tim mạch khi thi bác sĩ nội trú, năm 1995…”.

Đến buồn vui, được mất

Bệnh viện vẫn luôn là nơi chứng kiến sinh, lão, bệnh, tử của con người, nơi hiển hiện cả những điều tử tế nhất, đau đớn nhất, chân thực nhất. Chính vì vậy, các bác sĩ cũng là những người luôn đối diện với sự thật. Câu chuyện từ trái tim là một tập ghi chép giàu tính thời sự nhưng thấu đáo và chân thành, chứa đựng những câu chuyện về bác sĩ cùng những bài phân tích về y tế, giáo dục, môi trường và nhiều vấn đề xã hội dưới lăng kính của một bác sĩ tim mạch đầu ngành kiêm đại biểu Quốc hội.

“Có rất nhiều người đã hỏi tôi về những được và mất khi trở thành bác sĩ. Tôi trả lời rằng: sự được - mất biến đổi rất nhiều theo thời gian.

Những năm chập chững bước vào nghề, những cái mất đã làm tôi suýt bỏ sang làm trình dược viên. Với một bác sĩ trẻ mới ra trường, áp lực công việc khủng khiếp và đồng lương còm cõi so với bạn đồng lứa sẽ làm nản lòng bất cứ ai. Rồi khó khăn nhất trong giai đoạn này là quan hệ với đồng nghiệp và bệnh nhân - những bài học xương máu không một trường lớp nào dạy dỗ. “Ma cũ bắt nạt ma mới”, “chủ nghĩa kinh nghiệm” luôn là một phần của nghề. Những cái xấu trong xã hội sẽ va vào bạn ở mọi góc cạnh, làm bạn nghiêng ngả. Tôi mất nhiều và không bỏ nghề bác sĩ chỉ vì tiếc gần mười năm đèn sách và “sợ bố mẹ buồn”.

Sau hơn hai mươi năm hành nghề với bao thăng trầm, bạn sẽ không còn phân biệt cái được hay mất khi làm bác sĩ nữa. Những niềm vui nho nhỏ khi thành công một ca mổ khó hay chẩn đoán được một bệnh thật hiếm cũng chỉ còn là món gia vị ngon trong cuộc sống bộn bề. Ngành Y lúc này sẽ trở thành máu thịt của bạn như cơm ăn, nước uống hàng ngày, không phút nào dù trong câu chuyện bên bàn nhậu hay trong rạp chiếu phim những lời nói hay suy nghĩ của bạn đều liên quan đến y học. Chính vì vậy không phải ngẫu nhiên mà nhiều gia đình đều làm trong ngành y kể cả dâu lẫn rể vì nếu không trong ngành chắc chẳng nuốt nổi những “máu lẫn me” trong câu chuyện của mỗi bữa ăn chiều.

Vậy nên khi có ai hỏi ngành Y cho tôi được nhiều hay mất nhiều, tôi nghĩ cái mất, cái hy sinh nhiều hơn nhưng có cho tôi làm lại tôi vẫn chọn làm nghề bác sĩ mà chẳng cắt nghĩa được vì sao”.

Nhưng, những nỗi buồn lại ngày càng hiện hữu. Chúng ta sẽ ít lo hơn về cơm áo, gạo tiền, vậy mà những chuyện tưởng chừng rất nhỏ lại làm trái tim già nua rung động. Nghe tin đồng nghiệp bị đánh hay bác sĩ “nhập kho”, ta cũng có thể mất ngủ suốt cả tuần. Sai sót nếu có, dù rất nhỏ cũng không thể được chấp nhận. Bạn chính thức trở thành một ông già khó tính, tóc bạc trắng hai mai.

Ông chia sẻ, bác sĩ cũng chỉ là một con người bình thường, có lúc vui, lúc buồn, lúc nóng giận, có lúc mắc sai lầm, ấu trĩ, cũng có những lúc không thể hoàn thành công việc... Mỹ từ “cứu người” cao cả có lẽ không nên dành cho các nhân viên y tế, mà nó là dành cho tất cả mọi người - những người có trái tim nhân hậu, sẵn sàng dang tay cứu giúp những ai đang gặp khó khăn, gặp tình huống nguy hiểm đến tính mạng con người. Đối với các y bác sĩ, từ “chữa bệnh” chắc chắn sẽ nhẹ nhàng và chính xác hơn từ “cứu người”.

Ông không giấu nổi sự xót xa khi nhắc đến những nỗi buồn của ngành Y như nạn bạo hành nhân viên y tế, tình trạng đào tạo sinh viên y tràn lan, đồng thời anh cũng thẳng thắn phê phán thực trạng “dễ dãi và đắt tiền”, lạm dụng chỉ định… của nền y tế nước nhà. Triết lý giáo dục “Không nói dối” của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đề xuất trong giai đoạn bản lề hiện nay được ông rút ra từ thực tiễn công tác là một giảng viên của Đại học Y Hà Nội và cũng là trải nghiệm của ông trong cuộc sống, công việc.

Và một ông nghị quen thuộc với nhiều cử tri cả nước

Trên mạng xã hội, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Đại học Y Hà Nội được rất nhiều người quan tâm, theo dõi. Là một bác sĩ giỏi trong lĩnh vực can thiệp tim mạch, ông có nhiều cống hiến trong lĩnh vực tim mạch ở Việt Nam. BS Hiếu là Đại biểu Quốc hội khóa XIV và không ít lần ông đã góp tiếng nói của mình về lĩnh vực y tế lên diễn đàn khóa XV, là 1 trong 14 đại biểu của ngành Y tham gia Nghị trường nhiệm kỳ mới…

Với việc phát triển hệ thống khám chữa bệnh từ xa, ông đã đưa bệnh viện trở thành một trong những cơ sở y tế tiên phong trong phát triển Telehealth ở Việt Nam. Trong thời gian học tập tại Pháp, lại đúng là lúc công nghệ về can thiệp tim bẩm sinh đang phát triển nhất. Quá trình du học đã giúp ông rất nhiều trong việc nâng cao trình độ chuyên môn. Về nước, ông đem kiến thức của thành tựu y học hiện đại này áp dụng ngay vào thực tiễn nước nhà và ông cũng là một trong những người đầu tiên thực hiện can thiệp tim bẩm sinh ở Việt Nam. Đánh giá về trình độ chuyên môn ấy của nước ta hiện nay, ông cho biết: “Có thể nói mình không bị chậm so với thế giới. Số lượng bệnh nhân được can thiệp hiện đang đứng đầu trong số các nước Đông Nam Á”.

Mặc dù bận rộn với lịch làm việc, công tác, giảng dạy, nghiên cứu nhưng ông vẫn luôn dành thời gian cùng đội tình nguyện của Trường và Bệnh viện tổ chức nhiều chuyến từ thiện, khám bệnh miễn phí cho hàng nghìn người có hoàn cảnh khó khăn.

“Chia sẻ tình thương” là chương trình thiện nguyện do ông và một người bạn thân lập ra và thực hiện suốt 17 năm qua, với hơn 200 chuyến đi. Chia sẻ tình thương (Chiasetinhthuong.org) đến các địa phương làm từ thiện, khám bệnh miễn phí và điều trị sau phẫu thuật đối với trẻ em nghèo bị bệnh tim. Ông đi không chỉ để chữa bệnh, mà còn để xây nên những căn nhà, mái trường, cây cầu… và coi việc chữa bệnh cho người nghèo cũng là một cách để góp phần cống hiến.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.