Mỗi năm một lần, Toyota Việt Nam tổ chức một đêm nhạc cố điển giành tặng công chúng Thủ đô yêu nghệ thuật. Góp mặt trong những đêm nhạc Toyota Classis là những “thương hiệu” trong làng nhạc cổ điển thế giới. Năm nay, cùng với 43 nghệ sỹ đến từ dàn nhạc nổi tiếng của thành Rome, Lưu Hồng Quang là một gương mặt được Toyota lựa chọn.
Cậu bé “không có tuổi thơ”
Không quá lời khi khẳng định Lưu Hồng Quang chính là “chú rồng con” được “nở” ra từ “một quả trứng rồng”. Khi được hỏi Quang đã tiếp xúc với âm nhạc từ khi nào, Quang vui vẻ: Từ khi trong bụng mẹ. Có lẽ, sự hài hước của Quang cũng không ngoa, bởi bố cậu vốn là một nhạc sỹ nổi tiếng: nghệ sĩ ưu tú Lưu Quang Minh - Phó giám đốc Học viện âm nhạc quốc gia VN - chuyên giảng dạy đàn accordeon và là Trưởng khoa nhạc jazz.
Nuôi dưỡng trong một môi trường thẫm đẫm âm nhạc, những nốt nhạc, những buổi tập đàn của bố đã có tác động lớn đối với sự trưởng thành của lưu Hồng Quang. 5 tuổi, khi những đứa trẻ cùng lứa còn mải mê với những thứ đồ chơi không tên, thì thứ đồ chơi hấp dẫn nhất đối với Lưu Hồng Quang chính là cây đàn piano. Và cũng từ đây, niềm say mê của Quang được định hướng.
Pianis trẻ Lưu Hồng Quang |
Có lúc nhìn lại, Quang đã nghĩ, hình như mình “không có tuổi thơ”. Cả một thời thơ ấu dài dằng dặc, Quang đã đánh đổi những trò chơi thú vị, những buổi đùa nghịch cùng bạn bè bằng việc miệt mài ngồi tập đàn. Quang đã miêu tả về cuộc sống của gian đó, gói gọn bằng một câu ngắn ngủi: Ở nhà và đến trường tập nhạc. Có người cho rằng đó là một sự thiệt thòi, đặc biệt, họ lấy sự nhút nhát của cậu bé Quang hồi nào ra làm minh chứng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, nhìn những gì mà quang đã đạt được thì không chỉ có Quang, mà nhiều người khác nếu được hỏi, cũng sẵn sàng đánh đổi.
Chàng trai của những giải thưởng quốc tế
16 tuổi, ngày ở cuộc thi đầu tiên của cuộc đời một Pianis - cuộc thi âm nhạc châu Á mang tên Chopin tại Nhật Bản - Quang đã giành giải thưởng lớn. Quang nhớ lại: Khi cô Thu Hà - nguyên Giám đốc nhạc viện và đồng thời cũng là cô giáo của Quang - nói với tôi cuộc thi này, quả thực, tôi rất lo lắng. Vốn tính nhút nhát, tôi rất ngại đi thi. Mục đích của tôi chỉ là đi đến tận cùng những bản nhạc, chứ không có suy nghĩ chơi nhạc để kiếm giải thưởng. Trước đó, tôi chưa từng tham dự một cuộc thi nào ở trong nước, chứ chưa nói đến các quốc thi quốc tế.
Lúc đó, Lưu Hồng Quang không biết được rằng con mắt tinh tường của người thầy đã nhận ra khả năng đặc biệt tiềm ẩn trong cậu học trò nhỏ. Giải đặc biệt là mà Quang mang về từ cuộc thi lần đó ngoài sức tưởng tượng của anh và gia đình, thậm chí cả với người thầy giạy của Lưu Hồng Quang.
Cũng trong năm 2006, Quang tiếp tục tham gia cuộc thi độc tấu piano quốc tế mang tên Val Tidone, tổ chức tại Ý và giành được giải ba (không có giải nhì) của cuộc thi này. Năm 2008 là năm bội thu giải thưởng của Quang khi liên tiếp giành ba giải thưởng tại các cuộc thi piano quốc tế. Lần thứ hai quay lại với Val Tidone Festival, Quang giành được giải nhì (không có giải nhất) của cuộc thi này vào tháng 6-2008.
Ngay sau đó, Quang tiếp tục giành giải ba cuộc thi piano quốc tế thế kỷ 19 (tháng 6-2008) tại Sydney, Úc và giải nhất cuộc thi piano quốc tế Recital Award (tháng 8-2008) cũng tại Sydney. 7/2009 Lưu Hồng Quang đạt Giải nhất Cuộc thi Piano Chopin tại Sydney (Australia).
Một Pianis đầy đam mê
18 tuổi, Thay đoạn đường đơn điệu chỉ là từ nhà đến trường được lặp lại trong hơn 10 năm cuộc đời, Lưu Hồng Quang đã bước một bước thật dài, hòa mình vào dòng chảy sôi động của âm nhạc thế giới. Từ khi đến Úc du học, Quang đã học được rất nhiều bài học bên ngoài những nốt nhạc, những buổi tập đàn. Cậu bé nhút nhát ngày nào đã trở thành một chàng nghệ sỹ chững chạc trên sân khấu.
Quang đã không còn sợ sân khấu rộng, không sợ những ánh đèn chói chang chiếu thẳng vào mình. Cậu sinh viên nhỏ bé đến từ Việt Nam đã có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với các ban nhạc nổi tiếng trên giới. Tuy nhiên, khi được hỏi về lần biểu diễn đáng nhớ nhất của mình, Quang đã không nói về một nhà hát sang trọng, không nói về một buổi biểu diễn ở phương trời mơ ước của nhiều nghệ sỹ, Quang xúc động nói về đêm diễn bằng cả trái tim của anh giữa những em nhỏ ở trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. Quang đã bước vào biểu diễn với sự chán nản, tự ái, khi được biết các thầy cô trong trường đã cho rằng loại hình âm nhạc “bác học” này không phù hợp với các em.
Nhưng khi những suối đàn tuôn chảy qua những ngón tay của Lưu Hồng Quang, cả hội trường lặng đi. Quang cảm thấy như giai điệu đang hòa quyện cùng nhịp thở của những khán giả đang ngồi dưới kia. Cũng từ buổi biểu diễn đáng nhớ ấy, Lưu Hồng Quang lãng mạn nghĩ tới việc mình sẽ được rong ruổi như những người nghệ sỹ du ca đến với những người khán giả chân đất, cả cuộc đời không có lấy một cơ hội được bước chân vào những khán phòng lộng lẫy để thưởng thức âm nhạc.
Tại buổi biểu diễn với dàn nhạc Florence trong đêm hòa nhạc cổ điển Toyota vào ngày 27/10 tới đây, Lưu Hồng Quang sẽ trình diễn bản Concerto của Beethoven. Nói về sự lựa chọn này, Quang tâm sự: “Beethoven bị điếc sau năm 30 tuổi. Ông đã nhiều lần tuyệt vọng trong cuộc sống. Bản Concerto mà tôi sẽ chơi ra đời năm 1800- thời kỳ Cách mạng Pháp thất bại. Tác phẩm này của Beethoven mang tiếng kêu uất hận của một trái tim quả cảm hướng đến tự do. Sau ông lạc quan trở lại và tuyên bố, phải nắm được yết hầu của số phận chứ không để số phận chi phối mình. Với tôi, nhạc Beethoven giống như một phương cách sống, một tư tưởng hướng đến cái đẹp, tự do trong nghệ thuật.”
Sinh năm 1990, trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa còn đang loay hoay lựa chọn hướng đi cho cuộc đời, Lưu Hồng Quang đã kịp ghi danh mình trong giới nghệ sỹ của dòng nhạc cổ điển. Với niềm đam mê và tài năng đó, lại đang còn quá trẻ để có những bước tiến dài, chắc chắn con đường nghệ thuật sẽ còn trải rộng với Lưu Hồng Quang. Quang đã góp phần thêm một dấu ấn Việt Nam trong làng âm nhạc Classique thế giới.
Vân Tùng