Ngư dân rất khó để có nguồn kinh phí hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng để đầu tư, đóng mới phương tiện vươn khơi. Chưa nói đến việc ngư dân quen đánh bắt ven lộng sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi vươn khi như thông tin ngư trường, kinh nghiệm đánh bắt, kỹ thuật xử lý tình huống khi gặp sự cố và cả khả năng thích ứng với điều kiện thời tiết, tranh chấp ngư trường, tiêu thụ sản phẩm…
Đó vẫn là nỗi niềm của ngư dân Cát Hải khi bước vào vụ cá Nam và họ lo lắng hơn khi nguồn thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt.
Khó vươn khơi, đành bám ven lộng
Thời điểm này, bà con ngư dân huyện Cát Hải tranh thủ câu mực, khai thác sứa và thủy sản ven lộng với hi vọng khởi đầu một năm mới nhiều thuận lợi. Vẫn như mọi năm, gia đình ông Nguyễn Văn Dũng ở thôn Dưới, xã Trân Châu phải dành một phần kinh phí thu nhập từ đánh bắt thủy sản để sửa chữa tàu, chuẩn bị mùa khai thác cá Nam. Ông Dũng cho biết: “Cứ đà này, đánh bắt ven bờ cũng khó. Bởi, cần có vốn quay vòng, trong khi vay ngân hàng không dễ. Khoản hỗ trợ của Chính phủ theo Quyết định 289 sử dụng hết từ năm trước”. Ngư dân không chỉ không đủ vốn mua sắm phương tiện lớn, mà còn gặp khó khi giá nhiên liệu lên xuống thất thường. Thông tin về ngư trường không đầy đủ cũng như thiếu kinh nghiệm đánh bắt xa bờ khiến họ chỉ quanh quẩn đánh bắt ven lộng. Điều này cản trở ước mơ vươn khơi của đa số ngư dân Cát Hải từ năm này qua năm khác. Trong khi, trên ngư trường rộng lớn của vùng biển Cát Bà cũng như ngư trường Long Châu, Bạch Long Vỹ đầy tiềm năng có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tàu thuyền của các địa phương khác từ miền Trung, Nam Trung Bộ đến khai thác, song có rất ít ngư dân bản địa.
Ngư dân huyện đảo Cát Bà chuẩn bị ngư cụ ra khơi khai thác thủy sản. Ảnh: Duy Lân |
Thực tế ở Cát Hải, có hộ vay tiền ngân hàng mua sắm phương tiện khai thác ven lộng nhiều năm vẫn chưa trả hết nợ. Có gia đình, cuộc sống của 5-6 nhân khẩu trông chờ vào phương tiện đánh bắt ven bờ, với biết bao tốn kém lo ăn học cho 2- 3 con, cộng với rất nhiều khoản chi phí khác. Điều đó vô hình trung tạo thành vòng luẩn quẩn, không thể dứt “chuyện cơm áo” hằng ngày thì làm sao có vốn để đầu tư mua sắm phương tiện. Đã có người không thể bám trụ được với nghề, đành chuyển sang làm công việc khác với hy vọng ổn định cuộc sống. Điều này càng dễ hiểu khi Cát Bà đang là điểm du lịch thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước, tạo ra nhiều việc làm từ dịch vụ du lịch.
Trong số 3.175 tấn thuỷ sản đánh bắt năm 2009 của ngư dân huyện đảo, chỉ có khoảng 15% từ hoạt động đánh bắt xa bờ. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nguyễn Đức Khượng, nhiều hộ dân trong huyện vẫn giữ thói quen khai thác ven bờ xưa cũ, hiệu quả thấp. Việc sử dụng các phương tiện đánh bắt triệt để như săm, đáy, lồng bát quái Trung Quốc gây hại lâu dài. Do vậy, nguồn lợi thuỷ sản ở khu vực này ngày càng cạn kiệt, khiến cuộc sống của ngư dân Cát Hải nói riêng và Hải Phòng nói chung đã khó càng khó hơn.
Ưu tiên giúp dân bám biển
Trong điều kiện nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiêt, ngư dân gặp khó khăn trong khai thác ven lộng và chưa có đủ điều kiện vươn khơi, huyện Cát Hải đặt ra chỉ tiêu 3.100 tấn thuỷ sản khai thác trong năm 2010 là thấp hơn so với sản lượng đạt được năm 2009. Tuy nhiên, để đạt được chỉ tiêu đó cũng không dễ và một trong những nhiệm vụ mà huyện Cát Hải đặt ra là khuyến khích ngư dân đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, đóng mới tàu thuyền phục vụ đánh bắt xa bờ. Nhiều ngư dân mong muốn được doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đứng ra thế chấp, cho vay trả góp hoặc đầu tư phương tiện đủ điều kiện vươn khơi. Các ngành chức năng hỗ trợ bà con thông qua việc tập huấn, trang bị kỹ năng, kinh nghiệm đánh bắt xa bờ và tổ chức liên kết, trao đổi thông tin giữa các chủ phương tiện đánh bắt trên ngư trường. Theo Phó chủ tịch UBND huyện Cát Hải Bùi Trung Nghĩa, ưu tiên hàng đầu của huyện là giúp ngư dân bám biển, ổn định cuộc sống trước khi triển khai các giải pháp giúp bà con vươn khơi. Tuy nhiên, do tập trung khai thác ven lộng nên ngành nông nghiệp -PTNT và các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, để bà con ý thức việc giữ gìn và góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ngư dân không được đánh bắt theo hướng tận thu, hủy diệt, mà sử dụng ngư cụ đúng tiêu chuẩn, đánh bắt theo cách truyền thống, không gây hại đến môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên thuỷ sản.
Huyện Cát Hải hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm thuỷ sản của thành phố và vùng duyên hải Bắc Bộ. Trong đó, chú trọng xây dựng và hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết phát triển thuỷ sản, bảo đảm đồng bộ cả trong khai thác, chế biến, nuôi trồng, dịch vụ và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản. Để đạt được mục tiêu đó, khi chưa thể triển khai các biện pháp giúp ngư dân vươn khơi, đánh bắt xa bờ, huyện Cát Hải hướng đến việc quản lý hiệu quả hơn hoạt động khai thác thuỷ sản ven lộng, phát huy cách thức khai thác truyền thống, không xâm hại đến môi trường, theo hướng bền vững, vừa khai thác, vừa tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, góp phần cải thiện đời sống cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Văn Lượng