Hàng chục cảnh sát Công an Tp Hồ Chí Minh từng lâm vào cảnh liêu xiêu khi bao nhiêu tiền lương của họ bị một người bạn vay mượn rồi ôm đi “mất hút”. Những ngày giữa tháng 6 vừa qua, cặp vợ chồng lừa đảo này phải ra đầu thú vì không chịu nổi sức ép “đòn tâm lý” của những chiến sĩ thuộc Phòng cảnh sát truy nã tội phạm (PC 52).
Tập hồ sơ bám bụi
Năm 1996, vụ án vợ chồng Phạm Phú Lực và Lê Kim Định (cùng SN 1955) lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản rồi bỏ trốn đã ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều cán bộ chiến sĩ công an Tp.HCM. Thời điểm đó số tiền 3 tỷ là một con số khổng lồ, nếu so với giá nhà đất vài ba chục triệu một nền, quy đổi ra đất số tiền đó tương ứng với cả ha đất, so với giá vàng thì cũng quy đổi thành cả mấy kg vàng.
Số tiền lớn là một yếu tố, quan trọng hơn khi đối tượng gây án lại là một cán bộ trong ngành sa ngã biến chất. Trước khi gây án, Lực là cán bộ có vị trí của PX15 (Phòng phong trào), từng được đánh giá là có uy tín với đồng nghiệp. Vợ Lực lại làm kinh doanh nên khi vợ chồng nhà này tỉ tê với anh em cần huy động vốn để kinh doanh bên ngoài thì người ít người nhiều đều chung tay giúp bạn.
Trong suốt một thời gian dài với chiêu bài “vay nóng để kinh doanh”, vợ chồng Lực đã năn nỉ đồng đội mượn tiền, đợi “một ngày đẹp trời” đột nhiên… biến mất, mang theo mồ hôi công sức của mấy chục anh em, mang cả một số quỹ của xí nghiệp.
Sự ra đi “đột ngột” của Lực khiến nhiều gia đình công an thời bấy giờ liêu xiêu. Số tiền tích góp mấy chục năm dưỡng già của những đồng nghiệp lớn tuổi bỗng nhiên vuột khỏi tay. Có đồng nghiệp ở nhà tập thể, chuẩn bị được hơn trăm triệu để dành định mua nhà, trong lúc chưa tìm được căn ưng ý thì cho đồng nghiệp vay tạm, nay giấc mơ “an cư” tan tành theo mây khói.
Có trinh sát trẻ tích cóp được hơn 10 triệu đồng định để cưới vợ, nay lâm vào cảnh phải “cưới chay”. Sự việc nghiêm trọng đến nỗi có gia đình suy sụp kiệt quệ, vợ chồng cự nự nhau khi nhà phải bán đi để trả nợ thay cho số tiền đã bị vợ chồng Lực cuỗm đi.
Sau khi vợ chồng Lực bỏ trốn, lệnh truy nã đặc biệt hai đối tượng được phát đi trên toàn quốc. Trước vụ việc nghiêm trọng, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự xã hội (PC14, nay là PC45) đã lập chuyên án truy bắt. Nhưng đã có sự chuẩn bị từ trước, Lực và vợ đã tẩu tán không dấu vết, con cái của họ cũng đã được gửi sang nhà em trai.
Nhiều trinh sát đã được phái đi khắp nơi, lên Tây Nguyên, về miền Tây thậm chí khi nghe tin đối tượng đang trốn ở cực Bắc Hà Giang, một tổ trinh sát cũng ngược ra nhưng cuối cùng đối tượng vẫn “biệt vô âm tín”. Suốt nhiều năm trời lực lượng truy tìm lao tâm khổ tứ, áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, xác minh, rà soát… nhưng cặp vợ chồng này tựa như đã “biến khỏi mặt đất”.
Quá thời hạn điều tra, việc truy tìm hai đối tượng này tạm thời bị gác lại, hồ sơ vụ án được xếp vào tủ, từ năm này qua năm khác, mỗi năm lại ghi chuyển vào sổ sau ở mục: Những đối tượng truy nã còn đang tìm kiếm.
Đối tượng Lê Kim Định |
Đòn tâm lý tuyệt vời
Tháng 6/2011, công an thành phố quyết định thành lập Phòng PC52, hồ sơ vụ án được chuyển về đội 2 của phòng. Sau khi rà soát lại những thông tin, tài liệu ít ỏi về đối tượng, Trưởng phòng - Thượng tá Trần Văn Tém chỉ đạo tổ trinh sát đội 2 thận trọng, tỉ mỉ xác minh, đánh giá lại toàn bộ sự việc, đồng thời cử các trinh sát có mặt tại những nơi nghi vấn đối tượng có thể ẩn náu.
Chắp nối các dữ liệu thu thập, tổ công tác đã lần theo các mối quan hệ nhân thân của hai đối tượng, về quê của Lực ở Quảng Nam – Đà Nẵng hay về quê của vợ Lực ở tận Cần Thơ nhưng suốt mấy tháng đều không phát hiện tin tức nào.
Hai người con của Lực cũng được xác minh. Năm 1996 sau khi cha mẹ bỏ trốn lúc đó cậu con trai mới 15 tuổi, cô con gái mới 17 tuổi. Từ lúc đó hai chị em này ở với một người chú ở quận Tân Bình. Gần 20 năm cha mẹ bỏ trốn, hai chị em đã được người chú nuôi ăn học, cô con gái đã lấy chồng và có con.
Quá trình điều tra, cả hai đứa con đều khẳng định là suốt những năm qua họ không gặp cha mẹ mình. Không bỏ cuộc, các trinh sát lần theo mối quan hệ anh chị em, họ hàng, thậm chí là bạn bè người quen của hai đối tượng song đều không có kết quả. Mọi hướng điều tra đều đi vào ngõ cụt? Có lẽ do cũng là cán bộ trong ngành nên Lực nắm rất rõ nghiệp vụ cảnh sát, đặc biệt là những nghiệp vụ để truy tìm đối tượng nên Lực đã không sa vào cái bẫy “nhân thân”.
Trong lúc đó, một trinh sát chợt vỗ đầu “À” khi nhớ tới chi tiết sau khi vợ chồng Lực bỏ đi, họ vẫn còn một căn nhà trên đường Hồ Ngọc Cẩn (Phường 12, quận Tân Bình) và năm 2004 một chủ nợ của hai người này đã “xiết nợ” căn nhà nhưng bị con trai của vợ chồng “siêu lừa” phản đối quyết liệt.
Sau một thời gian dài tranh chấp, nhiều lần hòa giải, cuối cùng hai bên đã chấp thuận phương án phân chia như sau: Chủ nợ ở dưới nhà và con trai con nợ sẽ ở trên lầu. Suốt từ năm 2004 đến nay con trai của “siêu lừa: ngày ở nhà chú, tối về nhà mình ở giữ nhà. Từ thực tế này, trinh sát xác định đã có động lực để kêu gọi Lực ra đầu thú.
Các trinh sát đã có những cuộc nói chuyện với hai con của Lực, đi đến nhận định chắc chắn những năm qua vợ chồng Lực có tìm cách liên lạc với các con, những người con này cũng có cách nào đó để “truyền tin” đến bố mẹ khi cần. Khó khăn với các trinh sát là làm thế nào để hai người con của đối tượng chịu đồng ý phối hợp với cơ quan điều tra.
Trong các cuộc nói chuyện, chia sẻ, khi nói đến ngôi nhà, các trinh sát hỏi với thời điểm bây giờ nó trị giá bao nhiêu thì được biết giá khoảng 3 - 4 tỷ. Từ thông tin này, thông qua các con của đối tượng, trinh sát vận động vợ chồng Lực ra đầu thú với lý lẽ và lời hứa nếu ra đầu thú, công an dành cho họ một khoảng thời gian thu xếp nhà cửa, gia đình… trong thời gian này có thể bán nhà trả nợ thu xếp, khắc phục một phần hậu quả.
Sự kiên trì và chân tình của các chiến sĩ trinh sát đã nhằm đúng tâm lý của của đối tượng. Các đối tượng nguyên là cán bộ nhà nước, có hiểu biết, có danh dự, họ hàng thành đạt và con cái đã phương trưởng. Có lẽ mấy chục năm trốn chui trốn lủi, tha phương cầu thực, chỉ cần mở cho họ con đường nhất định thì họ sẽ theo “lối sáng” mà về làm lại cuộc đời. Đúng như phán đoán, giữa tháng 11/2011 Lực ra đầu thú. Nhờ sự động viên của người chồng, giữa tháng 6/2012 vừa qua vợ Lực cũng chịu về quy án.
Tại cơ quan điều tra, đôi vợ chồng này khai sau khi bỏ trốn thì về Năm Căn, huyện tận cùng đất nước thuộc tỉnh Cà Mau sống mai danh ẩn tích, trốn chui trốn lủi trong rừng, chấp nhận cuộc sống vô cùng thiếu thốn cực khổ. Những sai lầm của mình đã gây ra với bạn bè đồng nghiệp, con cái, họ hàng làm họ ngày đêm day dứt. Bỏ đi từ năm 40 tuổi, nay gần 60 tuổi, họ càng tuyệt vọng hơn khi có thể sẽ thành hai ông bà lão chết cô độc trong rừng. Khi nhận được tin cảnh sát kêu gọi đầu thú và cho một cơ hội để chuộc tội, họ đã tự nguyện trở về.
Thượng tá Tém tâm sự: “Là cảnh sát truy nã tội phạm, ngoài việc không ngại khó khăn truy bắt tội phạm, nhiệm vụ còn khó khăn hơn là vận động các đối tượng đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật, để họ có một cơ hội hoàn lương”.
Kỷ niệm một năm ngày thành lập Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an Thành phố Hồ Chí Minh (22/6/2011 – 22/6/2012), Pháp luật & Thời Đại xin chúc mừng những chiến công mà cán bộ chiến sĩ của phòng đã, đang và sẽ đạt được, mang lại sự bình yên cho xã hội, niềm tin yêu của nhân dân. |
Hoàng Giang