Thuốc rởm tràn lan ở phòng khám Đông y |
Cả ngôi nhà lạnh băng từ trong ra ngoài. Khi thấy tôi đến, cả nhân viên bảo vệ và nhân viên trực bệnh nhân bật dậy, gương mặt niềm nở, tươi rói. Hóa ra, phòng khám Đông y vắng khách, giờ có khách vào, coi như... có tiền.
Sợ quá Đông y!
Tôi và một người bạn đến “viếng thăm” một vài phòng khám Đông y có bác sĩ Tàu ở đường Giải Phóng, trong vai người bệnh. Bệnh nhân đến phải nộp tiền khám ở mức 30 ngàn, được đưa lên bác sĩ người Tàu.
Người đưa lên cũng là người thông ngôn, giúp giao tiếp giữa bệnh nhân và bác sĩ. Ông bác sĩ trẻ măng, chưng hơn 30 nói câu gì đó. Rồi người thông ngôn hỏi: “Anh kể hết những triệu trứng của mình ra”.
Tôi từ từ kể hết, được một câu thì người thông ngôn lại làm nhiệm vụ dịch. Ông bác sĩ gật gù rồi đưa tay bắt mạch, hết tay trái đến tay phải.
Với những gì tôi kể, được bác sĩ kết luận là viêm đại tràng, có thuốc đặc trị (điều này, chỉ cần kể ra thì người bình thường cũng biết, chứ không cần bác sĩ). Tôi hỏi: “Vậy thì có dễ chữa không ạ?”. Người thông ngôn nói: “Cơ sở ở đây có thuốc đặc trị luôn cho người bệnh, chúng tôi đã cô lại, chế biến, bệnh nhân không cần phải sắc. Không phiền hà gì đâu”.
Tôi vờ vĩnh, nói rằng bố mình không muốn bốc thuốc ở Hà Nội, chỉ cần xin đơn thuốc về quê. Người thông ngôn tỏ ra hơi khó chịu, vì biết là... khó kiếm tiền: “Đơn thuốc ở đây có kê thì ở nơi khác cũng không có. Với lại, đây là thuốc Đông y gia truyền, không có chuyện đưa đơn ra ngoài”.
Hỏi về giá cả cho từng thang, tôi được biết, chi phí của nó là 120 đến 140 ngàn một liều cho mỗi ngày. Bệnh đại tràng của tôi phải điều trị lâu dài, kiên trì tầm 3 tháng. Vậy thì số tiền thuốc nhân lên, con số khủng khiếp quá. Tôi và người bạn rút lui, nói mình không đủ tiền bốc thuốc.
Lúc ra ngoài, tôi gặp một người đàn bà mặt đỏ bừng bừng. Thấy tôi và người bạn đi từ phòng khám ra, bà túm lấy: “Trời, hai anh chị sao lại chui vào đây. Đông y với Đông ang gì. Chúng nó lừa đấy. Có chữa đến giời cũng chẳng khỏi đâu. Bọn người này chẳng biết gì cả. Viết lách như gà bới, và cứ bốc bậy bạ. Thuốc Đông y gì mà cứ như Tây y. Chồng tôi bị dạ dày, tôi bị thấp khớp, họ cho 4 loại thuốc thì có đến 3 loại giống nhau. Sao chữa đường ruột và thấp khớp lại giống nhau thế!...”
Thấy lạ, tôi đẩy bà ta ra phía lề đường để hỏi chuyện. Hoá ra, bà là nạn nhân của những phòng khám Đông y Tàu kiểu này. Hôm nay, bà đến đây chửi, rồi đòi lại tiền. Chẳng ai giải quyết cho bà, đuổi bà ra ngoài. Mệt, bà đứng ở ngoài, nếu thấy ai đến thì bảo họ đừng vào.
Hỏi, người đàn bà nóng nảy kể: “Bà cô nhà tôi bị phù nề hết cả người cũng vì bốc thuốc ở cơ sở này. Hôm nay, tôi đến bốc, mang về thấy thuốc giống của chồng tôi. Đến hỏi thì họ bảo, đây là biệt dược, chữa được nhiều bệnh. Biết mình bị lừa, đòi lại tiền họ không trả...”
Tôi đưa bạn vào một phòng khám khác. Mọi chuyện cũng diễn ra như phòng khám trước. Bác sĩ và bệnh nhân không hề hiểu nhau nói gì mà phải qua người thông ngôn.
Mà người đó, dù biết chút ngoại ngữ, nhưng chưa chắc phải là người hiểu Đông y. Nên có thể chữ tác đánh ra chữ tộ, khi kê đơn, bác sĩ nhầm là thường.
Nhập nhèm hết mức
Theo điều tra, tôi được biết một số người dân ở Hà Nội đã cẩn trọng hơn với Đông y. Đặc biệt, nhiều người đã rút được kinh nghiệm vì từng bị lừa.
Nhưng người bệnh ngoại tỉnh, những người sống ở thành phố không được tiếp xúc với các thông tin cảnh báo thuốc Đông y vẫn đến khám, bốc thuốc. Họ vẫn nhầm tưởng, cho rằng thuốc Đông y không có tác dụng phụ. Nên uống vào không “bổ thượng” thì cũng “bổ hạ”.
Các bác sĩ Việt Nam chứng minh, tác dụng phụ là có. Và thuốc Đông y cũng có chỉ định, chống chỉ định đối với người dùng. Việc lạm dụng thuốc Đông y là điều hết sức nguy hại.
Về khoáng chất có một số vị thuốc Đông y rất độc. Đó là thần sa, chu sa (chứa thủy ngân), thạch tín, khinh phấn... Chưa kể người ta có thể dùng nhầm thực vật rất độc để làm thuốc, như dùng nhầm cây lá ngón và nhiều người đã tử vong rất thương tâm.
Thực tế cho thấy, y học cổ truyền Trung Quốc rất phát triển, nhưng thầy thuốc giỏi có sang Việt Nam hay không thì không ai biết. Bộ Y tế đã thống kê, cả nước hiện có 62 bác sĩ Trung Quốc tham gia hành nghề khám, chữa bệnh tại 54 cơ sở.
Hà Nội là nơi có nhiều phòng khám nhất, 21 cơ sở với 23 bác sĩ. Trình độ thực sự của các bác sĩ này thì có giời mới biết. Thế nhưng, vì lợi nhuận, các phòng khám Đông y, Y học cổ truyền vẫn đua nhau nở rộ. Chất lượng thì kém, sai phạm thì nhiều. Riêng năm 2009, cả nước có đến 700 phòng khám Y học cổ truyền bị xử phạt.
Bao giờ người bệnh an tâm?
Rất nhiều phòng khám Đông y có bác sĩ Trung Quốc được thành lập, với các chiêu quảng cáo là có thể chữa được nhiều loại bệnh nan y, gây hiểu lầm trong dân chúng.
Lựa thời cơ đó, các cơ sở này ra sức chặt, chém bệnh nhân. Các lương y Việt Nam khuyến cáo: việc dùng thuốc Đông dược không an toàn như nhiều người lầm tưởng. Công tác quản lý sản xuất, kinh doanh thuốc Đông dược, dược liệu Y học cổ truyền hiện nay còn nhiều bất cập.
Nguồn dược liệu từ các tỉnh về Hà Nội và nhập lậu qua đường tiểu ngạch được tiêu thụ tại các khu chợ tập trung như phố Lãn Ông, Ninh Hiệp không thể kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng, nên có rất nhiều loại dược liệu không thể biết chắc là có an toàn cho người sử dụng hay không.
Thêm nữa, các dược liệu nhập qua đường tiểu ngạch thường được xử lý chống mốc, chống ẩm bằng hóa chất không rõ nguồn gốc nên đã có trường hợp dùng thuốc Đông y bị dị ứng nặng dẫn đến tử vong.
Nhưng không có cơ quan nào có thể kiểm nghiệm hết các loại thuốc Đông được đang lưu hành trên thị trường. Vì vậy, nguy cơ gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh của thuốc Đông y vẫn còn nhức nhối. Bao giờ người bệnh mới an tâm?
Nguyễn Văn Học