Ngày 10/1/2011, ông Kiều Văn Biểu, Phó Tổng đội trưởng Tổng đội thanh niên xung phong Trường Sơn (Tổng đội - Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) có Công văn số 10 gửi Cơ quan CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ yêu cầu được hỗ trợ thu lại tiền đặt cọc môi giới xuất khẩu lao động, mà Tổng đội có nguy cơ mất 36.000 USD do “cò” xuất khẩu lao động người Nhật chiếm đoạt…
Nhận tiền rồi… hứa
Ngày 22/5/ 2007, Tổng đội ký với Tập đoàn Corporation International Labor Research Association of Japan (CILA) hợp đồng về chương trình tu nghiệp và thực tập kỹ năng. Theo đó, Tổng đội tổ chức đưa tu nghiệp sinh sang làm việc tại Nhật Bản thời hạn 3 năm đối với hai chương trình tu nghiệp và thực tập kỹ năng cộng lại.
Hợp đồng giữa TSG với CILA và văn bản của TSG gửi công an xin can thiệp. |
Phía tiếp nhận tu nghiệp sinh Việt Nam ở Nhật là CILA (địa chỉ: Ningyocho U-Bldg 3F, 2-16-2, Nihonbashi-Ningyocho, Chuo-Ku, Tokyo, 103-0013 Japan). Tại giấy uỷ quyền ngày 22/ 5/2007, CILA đã uỷ quyền cho ông Tatsuhara Isamu (SN 1953, quốc tịch Nhật Bản, số hộ chiếu TE896392, địa chỉ cư trú tại Việt Nam: 9/2A Sư Vạn Hạnh nối dài, P.12, Quận 10, TP.HCM) toàn quyền quyết định thay mặt CILA.
Triển khai hợp đồng, Phòng Xuất khẩu lao động của Tổng đội đã thu tiền đặt cọc môi giới mỗi tu nghiệp sinh là 1.500 USD, tổng cộng thu của 34 tu nghiệp sinh là 51.000 USD và giao cho ông Tatsuhara Isamu.
Trong quá trình học tập của tu nghiệp sinh, ông T.Isamu thường xuyên theo dõi và kiểm tra tiếng Nhật của tu nghiệp sinh và hứa từ 6 đến 9 tháng sẽ có visa nhập cảnh vào Nhật. Tuy nhiên, quá thời hạn đã lâu nhưng việc xin visa vẫn không tiến triển và ông ta đã tìm mọi cách để kéo dài thời gian.
Thấy tình hình bất thường và tu nghiệp sinh bức xúc, Tổng đội đã làm việc với ông T.Isamu vào ngày 16/3/2008. Ông T.Isamu cam kết đến ngày 31/5/2008 nếu không có visa nhập cảnh vào Nhật Bản thì ông ta sẽ hoàn trả lại tiền đặt cọc môi giới cùng với lãi suất ngân hàng và hỗ trợ cho mỗi tu nghiệp sinh là 2 triệu đồng. Một số tu nghiệp sinh xin rút lại tiền cọc, Tổng đội đã đề nghị ông T.Isamu hoàn trả nhưng ông ta cố tình dây dưa. Sau đó, bằng nhiều biện pháp cứng rắn, Tổng đội đã đòi được 15.000 USD trả cho tu nghiệp sinh. Hiện ông T.Isamu còn chiếm giữ 36.000 USD.
Bài học đắt giá
Tìm hiểu chúng tôi được biết: Qua môi giới của ông Tatsuhara Isamu, ngày 18/12/2007 Tổng đội đã ký hợp đồng với Tập đoàn Shiba Seinen Kaikan- Nhật Bản để đưa tu nghiệp sinh Việt Nam sang Nhật. Tập đoàn Shiba đã ký uỷ quyền cho ông Tatsuhara Isamu tổ chức thực hiện.
Sau khi ký hợp đồng, Tổng đội đăng ký với Cục Quản lý lao động nước ngoài (Bộ LĐ –TB&XH) và được Cục QLLĐNN cảnh báo Tập đoàn Shiba không có tên trong danh sách các cơ quan được phép tiếp nhận tu nghiệp sinh nước ngoài của Tổ chức JITCO và ông Tatsuhara Isamu là đối tượng hành nghề môi giới đã từng đưa nhiều tổ chức tại Nhật Bản không được phép tiếp nhận tu nghiệp sinh nước ngoài để giới thiệu cho các công ty Việt Nam.
Sau đó, Tổng đội đã huỷ hợp đồng với Tập đoàn Shiba. Thay vì dừng lại ở đây, Tổng đội đã “nhắm mắt” ký hợp đồng mới với CILA. Đáng nói là Tập đoàn CILA cũng do ông Tatsuhara Isamu giới thiệu và ông ta cũng được CILA uỷ quyền đại diện.
Sai lầm này của Tổng đội đã dẫn đến việc hiện nay công tác đưa tu nghiệp sinh sang Nhật không thực hiện được và khoản tiền 36.000 USD chưa biết bao giờ mới đòi được. Tổng đội đã dùng tiền từ hợp đồng khác để chi trả cho tu nghiệp sinh vì không có visa đi Nhật đã dẫn đến những rối loạn trong công tác xuất khẩu lao động của đơn vị.
Ông Kiều Văn Biểu, Phó Tổng đội trưởng bức xúc: Ông Tatsuhara Isamu luôn lẩn trốn và viện nhiều lý do để né tránh việc trả tiền cho Tổng đội. Tổng đội đã có văn bản gửi Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM đề nghị hỗ trợ thu lại tiền từ ông Tatsuhara Isamu. Do ông T.Isamu có dấu hiệu lừa đảo nên mới đây, Tổng đội gửi văn bản cho Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Văn phòng phía Nam) để xin hỗ trợ thu lại tiền đặt cọc môi giới xuất khẩu lao động.
Nhiều lao động cho rằng tại sao Tổng đội không trực tiếp làm việc và có văn bản với CILA để đòi tiền? vì ông Tatsuhara Isamu chỉ là người đại diện uỷ quyền cho CILA, còn pháp nhân chịu trách nhiệm vẫn là CILA.
Có thể thấy, quá trình đòi lại 36.000 USD vẫn còn gian nan. Trước mắt, việc xuất khẩu lao động của Tổng đội bị đình trệ. Một bài học thật đắt giá cho các cơ quan xuất khẩu lao động của Việt Nam.
Nguyễn Hạnh Nguyên