Ngày ngày qua các phương tiện thông tin đại chúng, có thể bắt gặp rất nhiều thông tin như doanh nghiệp này xả thải ra sông hồ gây hại môi trường, công ty kia đánh đập, hành hạ, công nhân, sa thải lao động nữ trong thời kỳ mang thai, nuôi con nhỏ… Bên cạnh góc độ vi phạm pháp luật, thì những hành vi đó còn gióng lên hồi chuông về tình trạng xem nhẹ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Hay nói cách khác để đạt được lợi ích kinh tế, doanh nghiệp đã chọn “kinh doanh quyền con người” thay vì “kinh doanh và quyền con người”.
Giới hạn lần đi vệ sinh là xâm phạm quyền con người
Năm 1930, Công ước số 29 đã đề cập tới vấn đề lao động cưỡng bức, theo đó việc dùng vũ lực, thủ đoạn… nhằm buộc người khác lao động trái ý muốn là không được phép. Tinh thần này cũng được thể hiện trong pháp luật lao động Việt Nam, khi Bộ luật Lao động năm 2012 quy định cưỡng bức lao động là một trong những hành vi bị nghiêm cấm và người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi bị cưỡng bức.
Ở Việt Nam có tình trạng cưỡng bức lao động hay không?. Câu trả lời là không theo báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Bộ luật Lao động năm 1994. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Hữu Chí – Khoa Luật Kinh tế, ĐH Luật Hà Nội, vẫn tồn tại một số trường hợp có thể xem xét dưới góc độ này như:
Hiện tượng một số DN quy định về số lần đi vệ sinh và thời gian đi vệ sinh của người lao động, buộc người lao động làm thêm giờ trái ý chí hoặc vượt quá thời giờ theo luật định…
Theo kết quả điều tra của Bộ LĐ-TB&XH, có tới 3,79% người lao động được hỏi trong 1.500 doanh nghiệp của 15 tỉnh, thành phố phải làm thêm trên 300 giờ/năm; 8,11% người lao động làm thêm từ 200-300 giờ/năm; đối tượng làm thêm giờ từ 100-200 giờ chiếm 26,07%; dưới 100 giờ là 28,98%...
Tình trạng phân biệt đối xử cũng không hiếm gặp tại các doanh nghiệp. Mới đây nhất, tháng 5/2013 tại khu công nghiệp Phú Nghĩa huyện Chương Mỹ, HN, công ty Doojung Việt Nam đã đưa ra quyết định kỳ cục khi cho tất cả các nữ công nhân mang thai đến tháng thứ 6 nghỉ việc. Quyết định này chỉ được dỡ bỏ khi toàn bộ công nhân đình công, tổ chức công đoàn phản đối.
“Kinh doanh và quyền con người” hay “kinh doanh quyền con người”?
Tuyệt đối tôn trọng quyền con người - đó là tôn chỉ trong nhiều hoạt động, nhiều lĩnh vực chứ không riêng gì kinh doanh. Đối với doanh nghiệp, quy định này được thể hiện thông qua trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (tên viết tắt tiếng Anh là CSR).
Thực hiện CSR là một trong những biện pháp quan trọng nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế, là một trong những nội dung quan trọng của việc “xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” trong thời đại mới.
Về cơ bản, hệ thống pháp luật Việt Nam đã hướng đến việc đảm bảo CSR với xã hội, với người lao động. Thế nhưng tại sao vẫn còn tình trạng ở đâu đó những dòng sông bị bức tử bởi nước xả thai ô nhiễm, người lao động bị giới hạn lần đi vệ sinh, phụ nữ mang thai bị sa thải?
Trả lời câu hỏi này, tại Hội thảo quốc tế “Kinh doanh và quyền con người” do Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và Trung tâm Nhân quyền Nauy thuộc trường ĐH Oslo tổ chức tại HN trong 2 ngày 27-28/6, PGS-TS Nguyễn Hữu Chí cho rằng nguyên nhân chính là ý thức của chủ thể, sự thúc ép của thị trường và nhu cầu cạnh tranh, sự hạn chế của vai trò quản lý nhà nước….
Về phần mình, PGS-TS Bùi Nguyên Khánh, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật lấy một ví dụ về tình trạng vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng ở Việt Nam trong lĩnh vực vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Theo PGS-TS Bùi Nguyên Khánh, ở Việt Nam có tới 4 bộ chịu trách nhiệm về chất lượng thực phẩm, nhưng trách nhiệm lại chưa rõ ràng, trong khi đó trong nước có đến 3 triệu hộ kinh doanh gia đình, 5 triệu hộ nông dân có quy mô rất nhỏ, sản phẩm không thương hiệu, không đăng ký chất lượng sản phẩm, nên tình trạng vệ sinh ATTP còn nhiều thiếu sót kéo dài.
Đưa ra khái niệm “kinh doanh và quyền con người” hay “kinh doanh quyền con người”, GS-TS Surya Deva – Trường Luật, ĐH Hong Kong cho rằng hiện nay có không ít “nhà nước không xương”, thay vì đóng vai trò quản lý nhà nước đối với các tập đoàn kinh tế để họ không vi phạm quyền con người, thì lại đã và đang trốn tránh bổn phận ngăn ngừa và tố cáo hành vi vi phạm về quyền con người của các tập đoàn này.
Theo GS-TS Surya Deva, vì những “nhà nước không xương” này mà mục đích nhân văn hóa hoạt động kinh doanh vẫn còn là đích đến xa vời.
Hồng Minh