Cảnh báo IS “bắt tay” al-Qaeda

An ninh toàn cầu sẽ như thế nào khi al- Qaeda và IS hợp nhất?
An ninh toàn cầu sẽ như thế nào khi al- Qaeda và IS hợp nhất?
(PLO) - Theo trang tin National Interest (Mỹ), “liên kết quái vật” giữa IS và al-Qaeda dường như đang hình thành. Trong bối cảnh đó, mối liên hệ giữa khủng bố và tội phạm quy mô nhỏ lại chưa được đánh giá đúng mức và ngăn ngừa hiệu quả…

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), nổi lên như tổ chức lãnh đạo của cuộc thánh chiến toàn cầu năm 2014, đã qua thời kỳ vinh quang. Hiện tại, tổ chức này đang trong giai đoạn phòng thủ, đấu tranh cho sự sống còn của mình, không giống như những cuộc tấn công năm 2014 khi IS đang mở rộng lãnh thổ, gây sốc cho cộng đồng quốc tế bằng những đoạn video tàn bạo và dùng tiền để thu hút những người theo chủ nghĩa khủng bố nước ngoài lên tới con số hàng nghìn người. 

“Bắt tay” tìm lối thoát?

Theo Adbul Basit, chuyên gia nghiên cứu thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam (RSIS) của Singapore, IS đã vấp phải những tổn thất đáng kể về lãnh thổ ở Iraq và Syria, những hạn chế về vấn đề nhập cảnh đã giúp làm giảm số lượng các máy bay chiến đấu nước ngoài, giảm tài chính và tăng tỷ lệ thương vong cho chiến binh thánh chiến. Hoạt động tuyên truyền truyền thông xã hội của nhóm khủng bố Al-Hayat thậm chí hoạt động còn không bằng một nửa năm ngoái. 

Trong khi đó, không thể phủ nhận rằng mạng lưới khủng bố al-Qaeda là nhà lãnh đạo và “nhà vô địch” của các cuộc thánh chiến toàn cầu cho đến năm 2014, nhưng nhóm này cũng đang ở trong tình trạng khó khăn tại Afghanistan và Pakistan. Kể từ cái chết của Osama bin Laden, al-Qaeda đã mất đi thủ lĩnh và “như rắn mất đầu”.

Tại khu vực Af-Pak, Afghanistan, chỉ còn 50-60 thành viên và các chiến binh của al-Qaeda còn hoạt động. Số còn lại hoặc là đã bị giết, hoặc bị bắt hay di dời đến Trung Đông. Al-Qaeda đã không thực hiện bất kỳ cuộc tấn công khủng bố quy mô lớn nào trong 7 năm qua. Nguy cơ từ nhóm khủng bố này đã được đánh giá là suy giảm trong các đánh giá nguy cơ hàng năm. Hiện tại, nhóm này phụ thuộc vào chi nhánh ở Yemen và al-Qaeda ở Bán đảo Arập (AQAP) để có được nguồn tài trợ và nhờ các đồng minh Taliban tìm chỗ trú ẩn, bảo vệ và di chuyển. 

Những sự kiện gần đây đã gây ra tranh cãi gay gắt về những tác động từ sự bùng nổ của IS và sự suy giảm của al-Qaeda, đặt ra câu hỏi IS sẽ phân quyền hoạt động và trở thành một phong trào hệ tư tưởng tương tự chiến lược hậu 9/11 của al-Qaeda, hay tìm kiếm sự sáp nhập với al-Qaeda? Trong cuộc họp ngày 18/4, Phó Tổng thống Iraq Ayad Allawi đã tiết lộ “các cuộc thảo luận và đối thoại” đã diễn ra giữa Thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi và Thủ lĩnh al-Qaeda Ayman al-Zawahiri.

Tương tự, trong một cuộc họp an ninh tại thủ đô Moskva, người đứng đầu Cơ quan An ninh LB Nga Aleksandr Bortnikov đã chỉ ra rằng khi phải đối mặt với thất bại tại Iraq và Syria, IS và các nhóm thánh chiến khác đang đàm phán để phát triển một chiến lược mới trên quy mô toàn cầu. Ông Bortnikov khẳng định rằng cả hai nhóm đang phát triển các thành trì mới trải từ Afghanistan đến Yemen và đến châu Phi. 

Hai thông tin trên cho thấy những thông điệp kêu gọi các nhóm thánh chiến thống nhất gần đây của Thủ lĩnh Zawahiri là có mục đích rõ ràng: “Đoàn kết và lại gần hơn với những người anh em Hồi giáo và chúng ta sẽ không chỉ lớn mạnh ở Sham (Syria) mà còn trên toàn thế giới, vì đó là một cuộc thập tự chinh duy nhất chống lại những kẻ chống lại người Hồi giáo trên toàn thế giới”.

Lời tuyên bố qua âm thanh của Zawahiri dường như là một lời nhắn gián tiếp tới IS để cùng sáp nhập chống lại kẻ thù chung. Đây không phải là lần đầu tiên Thủ lĩnh Zawahiri đưa ra tuyên bố như vậy, nhưng điều khác biệt với các tuyên bố trước đây là cuộc họp được tổ chức ở Iraq với các đại diện của hai tổ chức chiến binh. 

Nhiều tương đồng, ít dị biệt

Thật khó có thể tưởng tượng ảnh hưởng đối với hòa bình và an ninh toàn cầu sẽ như thế nào khi al- Qaeda và IS hợp nhất, và những gì hai nhóm có thể đạt được thông qua việc sáp nhập. Vào thời điểm này, sự giống nhau trong hệ tư tưởng giữa al- Qaeda và IS lớn hơn nhiều so với những khác biệt của hai nhóm. Ví dụ, cả al-Qaeda và IS đều tán thành những quan điểm cực đoan trên thế giới như họ đều là những người ủng hộ người Sunni và muốn tạo ra một Vương triều Sunni toàn cầu.

Tương tự, cả hai nhóm đều muốn chiến đấu với phương Tây (kẻ thù xa) và chế độ Hồi giáo bỏ đạo (kẻ thù gần). Cả hai đều đăng ký tham gia thánh chiến toàn cầu và bác bỏ trật tự thế giới toàn cầu hiện có; đều tin rằng một cuộc chiến đang diễn ra giữa Hồi giáo và phương Tây, và Hồi giáo đang bị đe dọa. 

Sự khác biệt lớn giữa hai liên minh thánh chiến này là lãnh đạo, chiến lược và thứ bậc ưu tiên.

Thứ nhất, hai bên không cùng quan điểm về việc ai sẽ là người kế nhiệm, Zawahiri hay Baghdadi. Cái chết tự nhiên hoặc giết chết một trong hai thủ lĩnh này sẽ làm cho khả năng hòa giải và sáp nhập thậm chí còn cao hơn. 

Thứ hai, hai tổ chức này có các chiến lược quân sự khác nhau để xây dựng nhà nước Hồi giáo tự xưng. IS ủng hộ cách tiếp cận tấn công để tạo ra một tiểu bang ngay từ đầu; trái lại, al-Qaeda theo đuổi một phương pháp tiếp cận dần dần tập trung vào việc đánh bại kẻ thù và tạo ra một môi trường thuận lợi (giành được trái tim và trí óc) để tạo ra một Vương triều Hồi giáo toàn cầu. Theo ước tính không tưởng của al-Qaeda, nhà nước Hồi giáo một khi đã đạt đến cấp độ nhà nước thì nó không thể sụp đổ. Đó là hình mẫu bất khả chiến bại trong thống trị toàn cầu của Hồi giáo cũng như hình thức đạo đức thuần túy nhất của Hồi giáo. 

Thứ ba, al-Qaeda, không giống như IS, không hề ủng hộ các chiến thuật hung bạo và tàn ác nhắm vào người Shi’ite và các nhóm tôn giáo khác. Nếu các điều kiện không đủ để IS “sinh thêm các con quái thú”, và al-Qaeda không được vực dậy thì cộng đồng quốc tế rất có thể sẽ phải chiến đấu với một quái vật mới, được sinh ra từ “cuộc hôn nhân” giữa al-Qaeda và IS. Đây là lý do tại sao một cuộc chiến chống lại ý thức hệ nhằm dập tắt xung đột ở Iraq và Afghanistan, cùng với một giải pháp chính trị khả thi đối với cuộc nội chiến ở Syria sẽ là yếu tố then chốt để đánh bại sản phẩm phụ của những kẻ theo chủ nghĩa khủng bố ở những vùng xáo trộn này.

Tội phạm - “Nguồn nhân lực” bổ sung

Mối liên hệ giữa khủng bố và tội phạm quy mô nhỏ đã không được đánh giá đúng mức, và dạng tội phạm này cũng góp phần làm tăng ngân sách cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. 

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu An ninh Liên minh châu Âu (EUISS), tội phạm có tổ chức và cả tội phạm quy mô nhỏ đều góp phần làm tăng ngân sách cho IS. Bản thân khủng bố là một dạng tội phạm thường được tài trợ bởi các hoạt động tội phạm có tổ chức, tuy nhiên, trong trường hợp của IS, mối liên kết này thậm chí còn tiến xa hơn. Tổ chức khủng bố IS có số lượng các tay súng thánh chiến đến từ châu Âu đặc biệt cao, và phần lớn trong số đó từng được biết đến là những tội phạm có trong hồ sơ của cảnh sát.

Nghiên cứu của EUISS cho thấy có khoảng 50-80% trong số các tay súng này đã từng có tiền án tiền sự, trong khi tỉ lệ này trong đội ngũ các tay súng thánh chiến của tổ chức al-Qaeda chỉ là 25%. Các tay súng thánh chiến người Bỉ phần lớn đã từng bị kết tội ăn cắp, đánh nhau hoặc có các hành động gây rối và hầu hết đều khởi đầu bằng hình thức ăn cắp vặt.

Kết quả này cũng đúng với tình hình tại các nước khác của châu Âu. Cảnh sát Đức thừa nhận, 2/3 số tay súng gia nhập IS đến từ Đức từng là tội phạm, trong đó phần lớn đều tái phạm, cụ thể là có tới 98% các tay súng thánh chiến từng phạm tội ít nhất một lần. Khi tuyển mộ, IS đặc biệt quan tâm đến khả năng của các tay súng cùng các “thành tích” và “kinh nghiệm” của những đối tượng này về lĩnh vực tội phạm. Chúng thường là những đối tượng hiểu biết rất rõ những giới hạn trong quyền hạn của cảnh sát, có thể hành động trong hoàn cảnh áp lực cao, có khả năng tự kiểm soát và che giấu được tình cảm của mình. Từ hành động tay không đến sử dụng súng, các tên tội phạm đường phố dần tìm thấy “thú vui” và ngày càng trở nên sùng bái bạo lực do việc tham gia hoạt động khủng bố mang lại, thậm chí chúng coi đây là cơ hội quý báu để từ vô danh trở thành những ”anh hùng” theo cách mà IS vẫn tuyên truyền. 

Đặc biệt, chỉ với những vụ trộm cắp nhỏ thực hiện tại nhà thờ, trường học và cửa hàng, các đối tượng cực đoan tham gia IS tại Đức đã mang lại cho tổ chức khủng bố này khoản tiền ít nhất là 19.000 euro, nhiều hơn số tiền cần thiết tối thiểu để chuẩn bị và thực hiện một cuộc tấn công khủng bố tại châu Âu. 

Việc kiểm soát các khoản vay cũng là một cách để hạn chế hành động tài trợ cho khủng bố. Nếu tại Iraq, các khoản tiền thường được thu về thông qua các vụ bắt cóc, trộm ô tô, buôn bán ma túy và buôn lậu hàng hóa các loại thì tại châu Âu, các hoạt động trái phép thường tập trung vào những hành động như ăn cắp, buôn bán hàng giả, vay tiêu dùng trá hình, gian lận thương mại hay đập phá cửa hàng để trộm cắp tài sản. IS còn có các nguồn tài chính khác, ví dụ như hoạt động buôn bán ma túy đóng góp tới 7% ngân sách của tổ chức này. IS cũng lợi dụng việc hợp pháp hóa sử dụng cần sa để thực hiện hành vi buôn bán tăng lợi nhuận. 

Âm mưu “bắt tay” giữa IS và al-Qeada cũng như chiến thuật lôi kéo tội phạm đã và đang tiếp tục đặt ra những đề bài khó cho công cuộc chống khủng bố, bạo lực của cộng đồng quốc tế...

Đọc thêm

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.