Con người, thủ phạm của thiên tai
Trong hai tháng qua, khúc ruột miền Trung lũ chồng lên lũ. Lũ ở Bắc Trung bộ vừa dứt, thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng chưa khắc phục được thì Nam Trung bộ lại chìm trong lũ. Mưa lũ ngày một khốc liệt, người dân bó tay với các thảm họa thiên tai. Chiều 9/11, lũ lụt ở Phú Yên đỡ căng thẳng khi lượng mưa giảm dần và các hồ thủy điện giảm xả lũ, thế nhưng chiều tối ngày 8 và sáng ngày 9/11, tại xóm Cát(xã An Hải, huyện Tuy An, Phú Yên), lũ cát đã tràn qua những con đường liên thôn, lấp nhiều tài sản của dân.
Ảnh minh họa |
Ngày 9/11/2010, UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Quỹ Hỗ trợ thiên tai miền Trung và Cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão tổ chức buổi toạ đàm “Chủ động phòng, tránh bão, lũ để giảm bớt thiệt hại cho nhân dân”. Một câu hỏi lớn được đặt ra: Tại sao hai năm gần đây mưa lũ thường kéo dài và diễn ra trên diện rộng? Chỉ tính riêng Hà Tĩnh, hai đợt lũ vào đầu và giữa tháng 10/2010 đã làm chết 51 người, hàng trăm ngôi nhà của người dân bị sập đổ, cuốn trôi, 23.000 ha sản xuất nông nghiệp bị ngập lụt, hàng vạn gia súc, gia cầm bị trôi, chết; cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề. Ước tính, thiệt hại lên đến 6.374 tỷ đồng.
Theo các nhà khoa học, nguyên nhân chính gây ra lũ lớn là mưa trên diện rộng và có cường độ lớn; ảnh hưởng của mặt đệm (do nhu cầu phát triển kinh tế cộng với nạn phá rừng, nhiều diện tích rừng bị mất đi làm tăng quá trình tập trung dòng chảy); công tác quản lý, vận hành đảm bảo an toàn các hồ chứa bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý, chưa linh hoạt; các công trình tiêu thoát lũ ở hạ du không đồng bộ, thiếu an toàn…
Và như vậy, chính con người là tác nhân chính gây ra các thảm họa thiên tai, gây ra BĐKH.
Biến đổi khí hậu - Cảnh báo sớm 100 năm vẫn muộn
Ông Hoàng Mạnh Hòa-Trưởng phòng Biến đổi khí hậu (BĐKH), Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết: BĐKH là một thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. Các kịch bản BĐKH đã được xây dựng và dự báo trước 100 năm. Thế nhưng BĐKH đã và đang tác động đến nước biển dâng, đến khí hậu và thời tiết, gây ra những thảm họa thiên tai khó lường.
Các tính toán khoa học cho thấy trong100 năm qua, nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng khoảng 0,6oC và mực nước biển dâng khoảng 10-20 cm. Theo các nghiên cứu khoa học gần đây, nhiệt độ và mực nước biển dâng trung bình toàn cầu sẽ tiếp tục tăng nhanh hơn trong thế kỷ 21, cụ thể nhiệt độ tăng khoảng 1,4-5,8oC và mực nước biển có thể dâng cao đến 100 cm vào năm 2100(chưa kể trường hợp vùng Greenland và Nam Cực tăng đột biến).
Còn Việt Nam thì sao? Trong vòng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,5-0,7oC, mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm. Hiện tượng El Nino và La Nina ngày càng tác động mạnh đến Việt Nam. Số đợt không khí lạnh giảm rõ rệt. Qũy đạo bão dịch chuyển về phía Nam và mùa bão kết thúc muộn. Số ngày mưa phùn giảm dần.
Ảnh minh họa |
Theo kịch bản BĐKH cho Việt Nam đến năm 2100, nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam có thể tăng khoảng 2,3oC, mức tăng nhiệt độ dao động từ 1,6-2,8oC ở các vùng khí hậu khác nhau; nhiệt độ ở các vùng khí hậu phía Bắc và Bắc Trung bộ tăng nhanh hơn so với nhiệt độ ở các vùng khí hậu phía Nam; tại mỗi vùng thì nhiệt độ mùa đông tăng nhanh hơn nhiệt độ mùa hè.
Tổng lượng mưa năm và lượng mưa mùa mưa ở tất cả các vùng khí hậu nước ta đều tăng, trong khi đó, lượng mưa mùa khô có xu hướng giảm, đặc biệt ở phía Nam; tính chung cho cả nước, lượng mưa năm vào cuối thế kỷ 21 tăng khoảng 5% so với trung bình thời kỳ 1980-1999, ở các vùng khí hậu phía Bắc, mức tăng lượng mưa nhiều hơn so với các vùng khí hậu phía Nam.
Vào giữa thế kỷ 21, mực nước biển có thể dâng thêm khoảng 30 cm và đến cuối thế kỷ 21, mực nước biển có thể dâng thêm 75-100 cm so với trung bình thời kỳ 1980-1999.
BĐKH làm thiên tai và các hiện tượng khí tượng cực đoan khác, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng gia tăng về cường độ, tần suất, quy mô và xảy ra ngày càng ác liệt hơn. Hậu quả của chúng đối với sản xuất, hoạt động kinh tế-xã hội, đời sống, sinh kế sẽ ngày một nặng nề hơn, khó lường trước và đe dọa sự phát triển bền vững, thành quả của công cuộc xóa đói giảm nghèo và công tác an ninh, quốc phòng của đất nước.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới(WB), Việt Nam là một trong số ít nước đang phát triển bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của BĐKH và đặc biệt là của nước biển dâng, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long sẽ bị ngập chìm nặng nhất. Việt Nam có nhiều thành phố, tỉnh với các khu công nghiệp lớn nằm sát ven biển.
Nếu mực nước biển dâng 1 mét sẽ có khoảng 10% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất GDP khoảng 10% và nhiều khu vực, công trình dân sự và cả quân sự ở các hải đảo và vùng ven biển sẽ bị ngập. Nếu mực nước biển dâng 3 mét, rất nhiều khu công nghiệp, khu dân cư và các công trình ở các hải đảo, vùng thấp ven biển bị ngập chìm, khoảng 25% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất GDP khoảng 25% và hàng chục nghìn km2 vùng ven biển và hải đảo sẽ bị ngập hàng năm nếu không có biện pháp bảo vệ.
Đồng bằng sông Cửu Long là một trong hai vựa lúa lớn của Việt Nam, không chỉ cung cấp lương thực, thực phẩm cho 86 triệu dân Việt Nam hiện nay mà còn cho hàng trăm triệu người trên thế giới. Diện tích rộng lớn của đồng bằng sông Cửu Long bị ngập chìm do nước biển dâng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực của Việt Nam và của thế giới.
Lam Hạnh