Năm "đặc biệt" của ngành gỗ
Phát biểu hội thảo “Tăng cường kiểm soát rủi ro trong các hoạt động xuất nhập khẩu mặt hàng gỗ” do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) tổ chức ngày hôm nay - 21/12, Chủ tịch Viforest Đỗ Xuân Lập không dấu được cảm xúc khi cho rằng Hội nghị năm nay tổ chức trong bối cảnh hết sức đặc biệt đối với ngành gỗ.
Khía cạnh đặc biệt thứ nhất là về sự thăng hoa trong XK của ngành. Theo Chủ tịch Viforest, kim ngạch XK gỗ đã tăng mạnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, đặc biệt trong Quý 2 và 3 của năm nay. Tính hết 11 tháng 2020, kim ngạch XK của ngành đạt trên 11 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ 2019.
“Theo đà hiện nay, chắc chắn giá trị XK của cả năm 2020 sẽ cán mốc gần 12,5 tỷ USD…” - ông Lập quả quyết và cho biết, theo đánh giá của Chính phủ, ngành gỗ là một trong những ngành dẫn đầu trong việc kéo kim ngạch XK của các mặt hàng nông – lâm sản trong cả nước lên trong thời gian vừa qua.
Khía cạnh đặc biệt thứ 2, theo Chủ tịch Viforest có liên quan đến rủi ro từ các quốc điều tra từ các thị trường XK nhắm vào các mặt hàng XK của Việt Nam.
“Có thể nói ngành gỗ đang ở đầu chiến tuyến trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa các cường quốc đang tiếp tục diễn ra. Từ đầu năm đến nay, ngành liên tiếp phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá từ Hoa Kỳ, từ Hàn Quốc, cụ thể đối với mặt hàng gỗ dán có liên quan đến các hành vi gian lận thương mại, lẩn tránh thuế…” - Chủ tịch Đỗ Xuân Lập cho hay. Ông cũng lo ngại khi cho biết, gỗ dán không phải là mặt hàng duy nhất. Hiện còn một số mặt hàng XK của Việt Nam có nguy cơ lớn trong tương lai.
“Gần đây nhất, Cơ quan Đại diện Thương mại của Hoa Kỳ cáo buộc ngành gỗ Việt Nam sử dụng gỗ bất hợp pháp tại thị trường nội địa và trong sản phẩm XK vào Hoa Kỳ. Nguy cơ Chính phủ Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại đối với các mặt này gỗ của Việt Nam vào các thị trường này là rất lớn…” - ông Lập cho hay.
Gỗ dán không phải là mặt hàng duy nhất bị kiện. |
Khía cạnh đặc biệt thứ ba, Chủ tịch Viforest cho biết có liên quan đến thay đổi về cơ chế, chính sách của Việt Nam trong việc kiểm soát tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu (NK).
Đó là Nghị định 102 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 1/9/2020 Quy định Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp thiết lập các cơ chế kiểm soát gỗ NK. Nghị định quy định Gỗ NK được quản lý rủi ro theo các tiêu chí xác định quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực hoặc không tích cực, loại gỗ thuộc loại rủi ro hoặc không thuộc loại rủi ro.
Thực hiện tinh thần này, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định 8432 ngày 27/11/2020 vừa qua, công bố Danh sách vùng địa lý tích cực và Danh mục các loài gỗ NK vào Việt Nam.
Với những điểm đặc biệt đó, theo Chủ tịch Viforest, ngành gỗ đang đứng trước một loạt câu hỏi lớn: Làm thế nào để ngành có thể duy trì động lực tăng trưởng của ngành như hiện nay? Làm thế nào để ngành có thể giảm thiểu được các rủi ro từ các cuộc điều tra hiện tại, và trong tương lai? Làm thế nào để các DN có thể tuân thủ chặt chẽ các quy định về kiểm soát gỗ NK? Làm thế nào để các cơ quan quản lý có thể tạo sự thông thoáng cho các DN, bao gồm cả DN NK gỗ nguyên liệu, làm ăn chân chính, lành mạnh?
"Hội nghị Diên Hồng” ngành gỗ…
Có quá nhiều vấn đề đặt ra cho ngành gỗ trong một Hội thảo khi mà chỉ còn mấy ngày nữa là kết thúc năm 2020.
Ngoài nội dung trang bị kiến thức cho các DN về phòng vệ thương mại (PVTM), cung cấp thông tin chi tiết cho DN về các yêu cầu trong kiểm soát gỗ nguyên liệu NK theo tinh thần Nghị định 102, tìm hiểu các khó khăn của DN trong việc tuân thủ nghị định này, đặc biệt về khía cạnh trách nhiệm giải trình, Hội thảo dành nhiều lời gian thảo luận về các biện pháp nhằm giảm rủi ro cho các DN trong hoạt động xuất NK.
Để tránh các vụ việc bị điều tra chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, ông Phùng Gia Đức - Phó trưởng phòng Xử lý PVTM nước ngoài (Cục PVTM, Bộ Công Thương) lưu ý các DN phải tìm hiểu kỹ chính sách của nước NK đặc biệt là các chính sách liên quan đến PVTM, chống phá giá, tránh thuế đồng thời cần tìm hiểu và chuẩn bị sẵn sàng để tránh bị điều tra.
Ông Đức lưu ý, đây là cuộc chơi ta buộc phải tham gia. Do vậy DN cần chuẩn bị tốt, cần có kiến thức về PVTM, và hiểu rõ bản chất công cụ này để ứng phó.
“Tránh để hàng đã xuất đi, sau 2-3 tháng lênh đênh trên biển đến khi cập cảng nơi NK mới té ra bị đánh thuế gấp một hai trăm lần” - ông Đức nhấn mạnh.
Còn theo bà Phan Mai Quỳnh (Cục PVTM), các DN XK phải quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm bởi để giữ được thị trường, mở được thị trường thì ngoài hàng tốt, chất lượng, đáp ứng yêu cầu và thị hiếu khách hàng thì còn phải chứng minh được tính minh bạch.
Bà Quỳnh cũng khuyên DN một khi đã có hoạt động XK, DN cần sớm xây dựng đội ngũ về lĩnh vực PVTM trong nội bộ DN, không nên đến lúc bị điều tra mới lo ứng phó.
Bà Quỳnh cũng thông tin thêm 95% các vụ kiện của Mỹ sẽ thành hiện thực và áp mức thuế cao. Vì vậy DN hết sức tránh để không để bị kiện.
“Tựu chung lại là DN phải có kiến thức và phải chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống sản phẩm của Việt Nam bị điều tra. Và có thông tin bị điều tra cần thông báo ngay với các hiệp hội và Bộ Công Thương…” - đại diện Cục PVTM đưa ra lời khuyên.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu