Chạy đua với thời gian
Những ngày cuối tháng 4, nắng nóng bao phủ lên những bản làng xa xôi biên giới ở Tân Xuân (Vân Hồ). Từ trung tâm xã, chúng tôi đến nhà văn hóa bản Tây Tà Lào đã hơn 18 giờ chiều, sau hành trình vượt quãng đường dài, với nhiều đoạn cua, đèo dốc. Mặt trời đã bắt đầu lặn sau đỉnh Pha Luông hùng vĩ nhưng cảm giác về cái nóng nơi đây vẫn không giảm. Cái oi bức nơi vùng biên dễ làm nhụt lòng người nhưng những cán bộ, chiến sỹ công an trong Tổ cấp căn cước công dân lưu động số 1 (Công an huyện Vân Hồ) vẫn đang miệt mài tập trung làm nhiệm vụ.
Trong nhà văn hóa, dưới những chiếc quạt đang chạy hết công suất để giảm nhiệt, nhiều người dân đang ngồi chờ đến lượt làm căn cước công dân. Tại đây, có 8 cán bộ công an đang túc trực làm nhiệm vụ. Từ sáng đến giờ, mỗi người một việc - người tiếp nhận hồ sơ, xử lý hồ sơ, kiểm tra thông tin, người lăn tay, nhập dữ liệu, chụp ảnh... liên tục không nghỉ.
Trò chuyện với chúng tôi, Trung úy Trần Anh Dũng, Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Vân Hồ chia sẻ: Hôm nay là ngày thứ 3 anh em trong Tổ về làm căn cước lưu động tại xã Tân Xuân. Với phương châm “không để ai phải ra về mà chưa làm được thủ tục”, các anh em trong Tổ luôn cố gắng làm việc suốt từ sáng đến tối, có hôm tăng ca đến đêm, tận dụng tối đa thời gian, cố gắng làm sao không để người dân phải chờ đợi lâu.
Trung úy Trần Anh Dũng cũng như các anh em khác của đơn vị đang tích cực, nỗ lực hết mình vì thực hiện nhiệm vụ cho kịp thời gian, tiến độ cấp trên giao. Giờ nghỉ, anh em tranh thủ vài phút ăn rồi lại bắt tay ngay vào công việc. Sau khi làm thủ tục cho từ 300 – 400 người/ngày, khi người dân đã về hết, cán bộ, chiến sỹ trong Tổ lại tiếp tục tập trung xử lý hồ sơ, điều chỉnh các phiếu thông tin, sắp xếp hồ sơ, tài liệu để chuyển các phiếu thay đổi thông tin đã điều chỉnh cho công an các xã và bộ phận lưu trữ. Sau đó mới sắp xếp lại máy móc, tài liệu để chuẩn bị cho ngày làm việc hôm sau.
Do địa bàn biên giới, đường sá đi lại khó khăn nên cán bộ, chiến sỹ công an đã nghỉ lại nhà dân trong bản để hôm sau tiếp tục công việc sớm.
Sẻ chia vất vả
Tây Tà Lào là bản đặc biệt khó khăn của xã Tân Xuân, hầu hết người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn thấp nên việc giao tiếp bằng tiếng phổ thông còn khó khăn. Hơn nữa, trong bản có một số người bị mắc chứng bệnh về thần kinh, tàn tật, chứng bệnh sợ đám đông… khiến cho quá trình thu thập dữ liệu thông tin mất nhiều thời gian. Dù vậy, tất cả cán bộ, chiến sỹ trong Tổ vẫn cố gắng hết mình để hoàn thành nhiệm vụ.
Đang ngồi chờ đến lượt, bà Đinh Thị Nhọi (SN 1966, bản Tây Tà Lào) tâm sự: “Hôm nay, tôi và chồng đến để làm thủ tục cấp căn cước công dân. Chúng tôi đã chờ ở đây gần một giờ đồng hồ do rất đông người đến làm. Dù phải chờ đợi nhưng thấy cán bộ hết sức nhiệt tình phục vụ nên bà con rất thông cảm và vui vẻ ngồi chờ để làm cho đúng hạn.
Cũng như rất nhiều người khác, dù trời đã bắt đầu sẩm tối nhưng vợ chồng bà Đinh Thị Dáy (SN 1973) cũng ngồi đợi vui vẻ và thoải mái trò chuyện cùng bà con trong bản. “Buổi sáng vợ chồng tôi tranh thủ lên nương rẫy nên vừa đến đây được một lúc. Thấy cán bộ làm việc vất vả nên bà con rất thông cảm. Chồng tôi vừa được cán bộ hướng dân làm xong thủ tục. Còn tôi đợi một lúc nữa là xong và hai vợ chồng sẽ cùng về nhà luôn”.
Ông Nguyễn Văn Khảm, Chủ tịch UBND xã Tân Xuân cho biết: Tân Xuân có đường biên dài hơn 2,5km giáp với tỉnh Hủa Phăn (Lào). Toàn xã có hơn 1.100 hộ, trên 5.000 nhân khẩu gồm 3 dân tộc Thái, Mông, Mường, trong đó có khoảng 2.000 công dân trong diện làm căn cước công dân.
Từ khi triển khai Đề án cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp trên địa bàn, xã đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền đến từng hộ dân về ý nghĩa, tác dụng của việc cấp thẻ căn cước và thông báo ngày, địa điểm để bà con được biết và chủ động đến làm thủ tục. Đến nay, việc làm thẻ căn cước công dân tại xã Tân Xuân đã cơ bản thực hiện xong. Bà con ai cũng vui mừng và cảm động trước sự tận tâm, nhiệt tình của lực lượng công an.