Khi đồng tiền không song hành cùng hạnh phúc
Cầm tờ đơn ly hôn trên tay, chị Lê Thị Ng., ngụ quận Tân Bình, hoang mang không hiểu mình đã sai từ bước nào để gia đình đến mức như ngày hôm nay. Trong cuộc sống, chị tự thấy mình luôn nỗ lực để gia đình được sung túc, chịu cực chịu khổ gấp nhiều lần người khác. Thế nên khi cầm đơn ly hôn do chồng chị đưa, chị thấy mọi thứ như sụp đổ trước mắt.
Chị Ng. trước kia là nhân viên một công ty sản xuất cafe tại Biên Hòa. Sau một thời gian công việc đi về khá vất vả, dù có xe đưa đón, chị quyết định thay đổi công việc. Là người có chí tiến thủ, chị tập trung vào học tiếng Anh để lấy chứng chỉ hạng cao cùng với nhiều chứng chỉ chuyên môn khác.
Sau đó chị Ng. xin vào một công ty dược có tiếng ở TP HCM với chức vụ trưởng phòng kinh doanh. Công việc bận hơn nhiều, nhưng thu nhập giờ đây đã gấp đôi trước kia. Việc nhà hầu hết do chồng và mẹ ruột chị đảm trách, vì ngoài việc ở công ty, chị còn những dự án lớn, tiếp khách hay những chuyến công tác.
Trong khi đó, chồng chị khá thong thả với công việc quản lý một quán cafe do người bạn mở, lương bằng 1/5 lương chị, chỉ đủ cho anh chi dùng cá nhân. Chị vẫn nghĩ rằng, thôi thì chồng chị thong thả như thế cũng tốt, có thời gian lo cho hai đứa con. Còn một mình chị chấp nhận "cày ngày cày đêm" để kiếm tiền cho gia đình sung túc.
Nào là sửa sang căn nhà, rồi cho hai đứa con đi học ngôi trường tốt, các khóa học thêm từ ngoại ngữ đến năng khiếu tốn bao nhiêu là tiền, rồi tiền chi dùng, dành dụm... Đôi lúc chị nghĩ cũng tủi, cũng cực thân nhưng cố nuốt nước mắt mà nỗ lực, tất cả vì gia đình nhỏ của mình.
Nhưng giờ đây, kết quả chị nhận được là gia đình bên bờ tan rã, với nguyên nhân anh đưa ra là hai vợ chồng không hợp nhau, mỗi người một thế giới, rằng chị chỉ biết có công việc, không ngó ngàng gì đến chồng con...
Sau những giờ phút bị sốc, chị nhìn nhận lại thì thấy, có lẽ sự rạn nứt này đã bắt nguồn từ lâu mà chị chủ quan không để ý. Bắt đầu từ chuyện chị giao phó hết công việc nhà cho chồng, mẹ chồng. Từ chuyện chị biền biệt vắng nhà, cha con lúc nào cũng lủi thủi cùng nhau. Hay chị quyết định gì liên quan đến gia đình, chuyện lớn, chuyện nhỏ như đổi trường cho con, mua xe mới, sửa lại nhà... cũng không mấy khi hỏi ý kiến anh, mà chỉ là thông báo.
Còn anh, muốn con học thêm cái này cái nọ, cũng chỉ báo với chị một tiếng, chị đưa tiền cho đóng. Thi thoảng, chị hỏi anh bâng quơ chuyện này, chuyện nọ, anh chỉ thờ ơ trả lời: "Em cứ quyết đi, tiền em làm ra, em muốn gì cũng được". Chị biết đâu, trong câu nói ấy hàm chứa cả ý tứ tự ti, trách móc.
Còn khi anh hỏi những vấn đề liên quan đến con, chị nói: "Anh cứ tự quyết định, nói em đưa tiền cho đóng, em bận lắm". Giờ đây, chị tự hỏi, do mình thờ ơ, vắng bóng, do chồng bất lực về kinh tế, hay do cả hai đã mất kết nối từ lâu, để càng ngày càng đi xa nhau. Vốn chị tưởng gắng sức kiếm tiền để xây đắp gia đình hạnh phúc, hóa ra càng kiếm tiền, càng khiến gia đình rạn nứt, đổ vỡ.
Câu chuyện của chị Ng. đâu phải là điều gì đó cá biệt, khó hiểu trong đời sống này. Có những phụ nữ nhạy bén với thời cuộc, hết sức năng động và linh hoạt trong kiếm tiền, đạt vị trí cao trong xã hội. Họ dường như muốn gì có nấy, nắm được bao thứ trong tay, nhưng chỉ không thể nắm được trái tim người chồng. Chồng họ, vì tự ti thua kém trước vợ, đi tìm những bóng hồng yếu đuối, dựa dẫm vào mình như một cách tiêu cực nhằm khẳng định "bản lĩnh nam nhi".
Có biết bao phụ nữ thành đạt rực rỡ, nhưng sự nghiệp càng phát triển, càng tỉ lệ nghịch với mức độ hạnh phúc của gia đình. Có người phụ nữ là doanh nhân thành đạt, giải thưởng này nọ không thiếu, nhưng không giữ được mái ấm không chỉ một lần. Họ đi qua vài cuộc hôn nhân, rút cục vẫn là một người đàn bà rất đỗi cô đơn.
Phải chăng, kiếm tiền giỏi là một "lời nguyền" của người vợ và đồng tiền từ sự mạnh mẽ của người phụ nữ trong nhà, phải chăng luôn là nguồn gốc của rạn nứt?
Tôn trọng và yêu thương là nền tảng
Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga, trong quá trình tư vấn, chị gặp không ít trường hợp phụ nữ kiếm nhiều tiền nhưng gia đình lại lục đục, tan vỡ. Nhưng đó không phải đại đa số. Cạnh đó, còn rất nhiều phụ nữ giỏi cả "việc nước" lẫn việc nhà, là những tấm gương rất đẹp về phụ nữ giỏi kiếm tiền lại giỏi gìn giữ hạnh phúc gia đình. Như một nữ doanh nhân ngành thực phẩm, chị có một chuỗi nhà hàng nhượng quyền có tiếng ở TP HCM.
Thu nhập mỗi tháng kiếm ra lên đến vài trăm triệu đồng. Trong khi đó, chồng chị chỉ là một nhân viên kế toán, thu nhập bằng một phần vài chục của chị. Thế mà gia đình chả bao giờ có câu cãi vã. Vợ chồng lúc nào cũng hòa thuận, tôn trọng nhau, con cái ngoan ngoãn, đáng yêu. Thi thoảng, người ta lại thấy hai vợ chồng dắt nhau đi du lịch đây đó.
Một chị, là chủ một sạp hàng lớn ở chợ An Đông, tháng thu trăm triệu, trong khi chồng làm thợ mộc cho xưởng người ta. Nhìn chị lanh lợi, nói năng rổn rảng, buôn bán thoăn thoắt, ai cũng tưởng chị dữ, "nắm đầu" chồng. Thực tế, chị vẫn một “dạ” hai “vâng” với chồng, chưa bao giờ cãi chồng một câu, vợ chồng lúc nào cũng hòa thuận vui vẻ. Chồng chị thời gian làm việc ít hơn nên đảm trách đưa đón con đi học, rồi thi thoảng tới dịp cao điểm thì ra phụ chị bán hàng...
"Thực ra, nguyên nhân tan vỡ của nhiều gia đình có người vợ thành đạt, kiếm tiền giỏi có khi rất "lãng xẹt". Đó là sự tự ti, tự ái của người chồng. Đàn ông họ vốn là "phái mạnh" có lòng tự tôn cao, có bản năng làm chủ gia đìmh, che chở các thành viên trong gia đình.
Thế nên khi người vợ, phái yếu lên ngôi, nắm lấy cái quyền "nuôi sống gia đình" của họ thì họ chạnh lòng, họ yếu thế hơn, họ sinh ra tự ti, rồi đem tâm lý này phản ứng ngược, dằn vặt lại người vợ vốn đã vất vả kiếm tiền vun đâp gia đình. Rạn nứt cũng từ đó mà ra nếu chị em lơ là bỏ qua cái điểm mấu chốt này.
Tôi nghĩ rằng, tiền ít hay tiền nhiều, ai kiếm ra thì cũng để lo cho gia đình. Thế nên, đây chỉ nên coi là một sự phân công lao động phù hợp với mỗi gia đình. Và khi có sự phân công lao động "ngược" đó, hai vợ chồng nên có những cuộc chuyện trò rõ ràng với nhau, luôn quán triệt tinh thần trong suốt quá trình chung sống.
Nói gì thì nói, vun đắp là chuyện của hai người, nhưng người phụ nữ cũng nên có chút khéo léo, có chút nhạy cảm, dù làm ra tiền thế nào cũng không "bỏ qua" cảm nhận của người chồng, luôn tôn trọng, ghi nhận, thậm chí đôi khi đề cao vai trò của người chồng trong gia đình, thì có lẽ sẽ giúp người chồng không nảy sinh tâm lý yếu kém, tự ti, cùng nỗ lực vì gia đình và từ đó bớt đi mầm mống rạn nứt. Tôi biết có một chị, làm phó tổng giám đốc cho một tập đoàn, vị trí và mức lương đáng mơ ước.
Trong khi chồng chỉ là một thầy giáo. Thế nhưng, chị vẫn tranh thủ hôm nào rảnh về nấu cho chồng bữa tối, có hôm rảnh còn nấu đồ ăn sáng cho chồng con, thói quen chục năm nay. Chồng chị thì luôn vui vẻ hỗ trợ chị mọi việc trong nhà không nề hà. Nhiều khi chị đi công tác về, anh tháo vali soạn đồ, rồi đem đồ đắt tiền đi giặt tay cho chị. Hỏi thì chị nói, thực ra chị không có bí quyết gì, chỉ là luôn tôn trọng chồng một cách chân thành.
Anh kiếm ít tiền, nhưng là người có tư cách, sống chuẩn mực. Dù chị kiếm tiền giỏi, nhưng nếp nhà là chuyện gì cũng luôn bàn bạc với nhau, chuyện gì khác quan điểm thì nhường nhau, con cái còn nể sợ, nghe lời anh hơn cả chị. Anh vẫn là người đàn ông mạnh mẽ, "quyền lực" nhất nhà, thế thì có gì mà phải tự ti", chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga chia sẻ.
Chuyện kiếm tiền, giữ lửa có lẽ chẳng ai giống ai. Nhưng rút cục thì cũng chỉ là câu chuyện của yêu thương chân thành. Như lời đúc kết của vị chuyên gia tâm lý nói trên: "Tôi nghe không ít câu chuyện từ các chị, mà mỗi một câu chuyện đều là một bài học mới mẻ về sự cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình.
Nhiều khi tưởng rằng phải nỗ lực lớn lắm, phải có bí quyết gì ghê gớm lắm để các chị vừa kiếm tiền ào ào, vừa giữ được lửa gia đình. Thực tế trò chuyện với các chị mới thấy mọi thứ dường như quá đơn giản, chỉ là các chị đủ yêu thương và biết cách yêu thương mà thôi".