Đua nhau tẩy lông đẹn cho trẻ
Trẻ sơ sinh thường có triệu chứng vặn mình và đỏ mặt sau khi chào đời khiến rất nhiều bà mẹ lo lắng. Nhiều mẹ đã áp dụng những phương pháp dân gian như ném dây thừng buộc trâu vào gầm giường, đốt dây thừng trong nồi than đang cháy, mua ốc gai biển tắm cho con hay truy lùng nhiều loại lá nấu nước để tắm cho bé hết “ngứa”… với hi vọng con có thể ngủ yên và không vặn mình nữa.
Thời gian gần đây trên mạng xã hội facebook lan truyền và chia sẻ rất nhiều thông tin liên quan tới trẻ sơ sinh ngủ hay vặn mình, rướn và quấy khóc do có lông tơ (lông đẹn) dài chùm hết lên thân thể khiến bé khó chịu. Những chia sẻ trên đã nhanh chóng được các mẹ truyền tai nhau phương pháp cạo lông tơ cho trẻ giúp bé ngủ ngoan như dùng lá trầu không sát lên người hay dùng lòng trắng trứng gà với nước cốt chanh, thoa khắp người để đánh lông đẹn cho bé sơ sinh.
“Các mẹ lấy lòng trắng trứng hòa với nước cốt chanh sau đó thoa khắp người bé. Sau đó dùng bột mì xoa tiếp để đánh tẩy lông đẹn cho bé sơ sinh giúp bé không bị vặn trở mình nữa”. Mặc dù không được kiểm chứng, không có căn cứ khoa học nhưng thông tin này ngay lập tức được các mẹ bỉm sữa đua nhau chia sẻ cách làm này tràn ngập facebook và trong các nhóm, hội nuôi con.
Thậm chí có người coi nó như cứu cánh trong việc nuôi con của mình. “Trời ạ giá như biết cách chữa vặn mình này cho con lúc trong cữ có phải tốt không. Lông đẹn của trẻ sơ sinh ẩn sâu dưới da nên con ngứa ngáy khó chịu, bé thì sao biết gãi nên chỉ biết vặn như sâu đo ấy. Con vặn nhiều nó trớ, nó ngủ không ngon. Tiếc là mình biết bí quyết này muộn quá, share cho các mẹ và lưu lại để áp dụng cho đứa sau vậy” - một bà mẹ trẻ viết.
Tuy nhiên, bên cạnh những lượt chia sẻ và coi đó như là một bí quyết bỏ túi cho mình, thì cũng có rất nhiều mẹ cảm thấy e ngại và nghi ngờ về độ xác thực cũng như căn cứ khoa học của phương pháp này. “Lòng trắng trứng và cả bột mỳ khác gì kiểu trộn xi măng rồi chà lên da trẻ, như vậy da trẻ sẽ bị lột hết lên chứ chẳng phải lông đẹn nữa. Hơn nữa, da trẻ mỏng manh như vậy mà dùng chanh để chà lên thì con chịu làm sao được”, một bà mẹ chia sẻ.
Nghiêm trọng hơn, một bà mẹ khác thì cảnh báo: “Các mẹ đừng trị lông đẹn theo cách mọi người chia sẻ nữa. Em không tìm hiểu kỹ đã làm luôn cho con. Mọi khi đặt lưng con xuống giường thì lông ngứa nên con giãy, em làm xong đặt con xuống không thấy con giãy nữa nên nghĩ là tốt nhưng đến giờ lưng con đau rát, con còn khóc nữa, các mẹ đừng làm nữa nhé!”.
Chỉ là cách làm phản khoa học
Bàn về tác dụng của phương pháp chữa vặn mình mà không ít người coi là “thần thánh” này, Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Thị Thu Hà - Phó Trưởng khoa hồi sức cấp cứu sơ sinh - Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định: “Việc dùng lòng trắng trứng và nước chanh như vậy có thể sẽ gây tổn thương đến trẻ. Bởi da của trẻ nhỏ khá nhạy cảm, khi tác động như vậy nó có thể gây các vết bầm tím, nhiễm trùng trên da cho trẻ”.
Hơn nữa, theo bác sĩ, “lông đẹn” là lớp lông nhỏ, mỏng, mọc trên da của trẻ, được hình thành ngay từ trong thai kỳ. Lớp lông này thực chất không gây ngứa, trừ trường hợp lỗ chân lông bị viêm. Cho nên không thể nói nhờ được tẩy hết lớp lông đẹn mà trẻ hết vặt mình.
Vặn mình là một biểu hiện không phải bất thường ở trẻ, vặn mình đối với những trẻ từ 1-2 tháng, hoặc dưới 2 tháng tuổi thì đó là một giai đoạn phát triển bình thường, thời gian có thể kéo dài từ 1- 2 tuần hoặc 2-3 tuần. Vặn mình có thể xuất hiện ở một số trẻ nhỏ, có trẻ có, có trẻ không và việc đó cũng không ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ.
“Các bà mẹ nên yên tâm, nếu trẻ vẫn ăn ngủ bình thường, vẫn tăng cân theo chu trình bình thường và trẻ vẫn tiêu hóa được thì không có vấn đề gì cả và trẻ sẽ tự hết. Trừ khi trẻ bị vặn mình nhiều dẫn đến tình trạng nôn trớ, hoặc trẻ khó ngủ, quấy khóc, hoặc kèm theo những triệu chứng khác như khó ngủ, vã mồ hôi, ngủ ít hơn, ăn ít hơn và trớ thì lúc đó mới nhận thấy những biểu hiện ở trẻ còi xương sớm, nên đưa trẻ đi khám.
Do đó, việc tẩy lông cho trẻ sơ sinh là điều không cần thiết, bên cạnh đó thói quen tắm cho trẻ hoặc đắp rốn bằng những loại lá cây, thuốc nam, thuốc đông y,… không rõ nguồn gốc có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng của các bé” - bác sĩ Hà nhấn mạnh.
Mạng xã hội ngày càng phát triển, đây cũng là diễn đàn để các mẹ chia sẻ kinh nghiệm nuôi con tiện lợi nhất và dễ dàng cập nhật những thông tin liên quan đến sức khỏe của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, không phải chia sẻ nào các mẹ cũng có thể làm theo được bởi vậy mỗi người hãy là một bà mẹ thông thái và biết lựa chọn thông tin bổ ích, khoa học để áp dụng cho con em mình.