(HPĐT)- Hôm qua 16-11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thủ đô và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Quy định thu phí cao là không công bằng
Đa số đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật với những cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng là trái tim của cả nước. Nhưng với quy định như dự thảo Luật còn quá chung chung, chưa thể hiện được tính đặc thù của Thủ đô nghìn năm tuổi.
Các đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Ngô Quang Minh (Quảng Nam) băn khoăn, quy định thu 2 loại phí lưu thông cao hơn và áp dụng mức xử phạt tiền cao hơn đối với một số hành vi vi phạm hành chính ở nội thành là không khả thi, không công bằng và chưa phù hợp thực tiễn. Đại biểu Nguyễn Thị Khá đặt vấn đề: Nếu địa phương khác cũng xin được áp dụng như thế có được không. Và tại sao chỉ đặt ra ở 6 lĩnh vực mà không mở rộng ra các lĩnh vực khác?
Liên quan đến vấn đề cư trú, đại biểu Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) cho rằng, cần quan tâm đến công tác quy hoạch. Theo đại biểu, không có ai quản lý bằng cách cấm dân cư đến Hà Nội cả. “Đất lành chim đậu”, đó là quy luật tự nhiên. Nếu dân di cư về Hà Nội nhiều - đó là cơ may cho Hà Nội phát triển. Nếu chúng ta ngăn chặn dòng chảy lao động này sẽ không thể phát triển được kinh tế của Hà Nội. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ thêm quy định tại điều 24 của dự thảo Luật.
Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) đề nghị, Ban soạn thảo nên rà soát lại toàn bộ dự thảo Luật, nên gom lại từng cụm vấn đề, không để dàn trải như hiện nay.
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, điều bất cập nhất hiện nay trong quản lý những đô thị lớn là chưa có mô hình quản lý đô thị. Do đó nên ban hành Luật Đô thị làm cơ sở cho việc ban hành Luật Thủ đô. Theo đại biểu Dương Trung Quốc, nếu chưa ban hành Luật Đô thị, thì việc ban hành Luật Thủ đô chỉ thể hiện tình cảm, ý chí mong muốn Thủ đô phát triển, nhưng không đi vào đời sống. Đôi khi những yếu tố đặc thù có thể bị biến thành những đặc quyền, đặc lợi.
Nhiều đại biểu cũng nhất trí với ý kiến của Uỷ ban Pháp luật cho rằng, việc đặt ra các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô phải bảo đảm không trái với Hiến pháp, không tạo ra một thiết chế độc lập, thiếu sự gắn kết về nghĩa vụ, trách nhiệm của Thủ đô với Trung ương và với các địa phương khác. Vì thế, không thể quy định giao “Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xây dựng, trình HĐND thành phố Hà Nội ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn liên quan đến các cơ chế, chính sách đặc thù...
Viện kiểm sát tham gia tòa sơ thẩm
Một số đại biểu như Phạm Văn Hà (Nghệ An), Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng nên để Viện Kiểm sát tham gia ngay từ phiên tòa sơ thẩm và được phát biểu quan điểm của mình, vì quan điểm này không ảnh hưởng đến quyết định của tòa án mà chỉ có tính chất phản biện để thẩm phán xem xét, nghiên cứu. Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) dẫn báo cáo của TAND tối cao năm 2010 có 8.000 đơn khiếu nại giải quyết giám đốc thẩm, tái thẩm nhưng mới chỉ xem xét 3.696 đơn, trong đó 737 vụ việc phải kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Điều đó nói lên việc xét xử các vụ án dân sự có vấn đề.
Đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Bà Rịa- Vũng Tàu) cho rằng, sự tham gia của Viện Kiểm sát tại các phiên tòa xét xử dân sự góp phần phát hiện nhiều sai sót trong việc xét xử của tòa án. Do đó, cần xem xét vai trò của Viện Kiểm sát trong phiên tòa dân sự.
Thảo luận về biện pháp bảo đảm áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, đa số đại biểu nhất trí với quan điểm của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, nên giữ nguyên như Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, vì quy định biện pháp bảo lãnh của ngân hàng, tổ chức tín dụng khác hoặc của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác đối với bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là không phù hợp với điều 361 của Bộ luật Dân sự.
Ngày 17-11, Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật hợp tác xã (sửa đổi); thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Khoáng sản (sửa đổi) và Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011./.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng
Dự án Luật Thủ đô quy định 20 chính sách, cơ chế đặc thù, trong đó có 2 vấn đề đáng quan tâm là việc đặt thêm các điều kiện hạn chế cư trú ở khu vực nội thành và có thể áp dụng mức xử phạt hành chính trong khu vực nội thành cao hơn mức xử phạt chung của cả nước. Tôi băn khoăn về quy định tăng mức xử phạt, có phải là giải pháp hiệu quả giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội và của Hà Nội hay không? Cần làm rõ cơ sở về quy định mức xử phạt vi phạm hành chính gấp không quá 5 lần so với mức quy định chung của cả nước. Tại sao quy định xử phạt không quá 5 lần, nhưng mức thu phí chỉ quy định cao hơn không quá 3 lần mức chung của cả nước?
Về quản lý dân cư, Luật Cư trú quy định cụ thể. Trước khi có Luật cư trú, chúng ta dùng biện pháp hành chính nhằm hạn chế di dân tự do vào các thành phố lớn, trong đó có Thủ đô Hà Nội, nhưng trên thực tế, các biện pháp này không hiệu quả. Vì vậy, cần quản lý dân cư theo quy hoạch như dùng giải pháp về kinh tế-xã hội, di chuyển các trường đại học, bệnh viện, cơ sở sản xuất ra khỏi khu vực nội thành, xây dựng những vùng nội thành, các đô thị vệ tinh, hệ thống giao thông công cộng thuận lợi để kết nối nội thành với ngoại thành. Đề nghị ban soạn thảo tính toán thận trọng những điều cần quy định trong luật, tránh lợi dụng cơ chế đặc thù, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân.
Từ điều 1 đến điều 5 của dự thảo Luật, nội dung mang nặng tính nghị quyết, khẩu hiệu, không mang tính quy định cụ thể của pháp luật.
Tôi thấy dự án còn nhiều bất cập. Một là, nhiều cơ chế chính sách chưa phù hợp với Hiến pháp, không tạo ra thiết chế độc lập, thiếu sự gắn kết với các tỉnh, thành phố khác, điều này được thể hiện và phân tích rất rõ của Ủy ban Pháp luật. Hai là, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật ở nước ta, nhiều điều trong dự án luật còn vênh và chưa thống nhất với các luật ban hành như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Giao thông, Luật Ngân sách, Luật Môi trường và một số luật khác. Ba là, tính khả thi của Luật không cao, bởi nhiều điều quy định trong luật không phù hợp với cuộc sống hiện nay của người dân Thủ đô, một số cơ chế đặc thù chưa thể áp dụng được khi một số chính sách chưa đồng bộ. Hơn nữa, việc mở rộng Thủ đô vừa qua từ năm 2008 đến nay chưa tổng kết một cách đầy đủ, những mặt tích cực và những hạn chế, nhất là tình hình kinh tế - xã hội. Do đó, tôi đề nghị Quốc hội và Ban soạn thảo cần nghiên cứu, quy định những cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội có tính khả thi cao.