Theo báo cáo của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), những bất ổn của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng gia tăng ở Trung Đông và sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc là những yếu tố quan trọng tác động đến thị trường cao su thiên nhiên thế giới.
Đối với tình hình trong nước, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong 8 năm (từ năm 2011 đến năm 2018), diện tích cao su cả nước tăng nhanh từ 801.600 ha năm 2011, lên 965.000 ha năm 2018. Theo định hướng quy hoạch cao su cả nước đã được Thủ tướng phê duyệt thì diện tích cao su đã vượt quy hoạch khoảng 165.000 ha.
Việt Nam có sản lượng cao su đứng thứ 3 thế giới, tuy nhiên, có đến trên 80% cao su thiên nhiên được xuất khẩu dưới dạng chế biến thô. Công nghệ chế biến còn hạn chế so với các nước trong khu vực, chưa đáp ứng được nguyên liệu cho ngành công nghiệp cao su trong nước.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cao su thiên nhiên lớn nhất của Việt Nam, tiêu thụ trên 65% tổng lượng cao su thiên nhiên của Việt Nam và đang trong xu hướng tăng lên.
Là một trong các tỉnh trọng điểm phát triển cao su vùng Tây Bắc, một lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La cho biết tỉnh được cho phép áp dụng cơ chế người dân góp vốn dưới dạng quyền sử dụng đất cùng với Công ty Cổ phần Cao su Sơn La và được hưởng cổ tức.
Tuy nhiên, trong giai đoạn từ năm 2015 tới nay, giá mủ cao su xuống thấp, tỉnh cũng chưa có nhà máy chế biến mủ để tăng giá trị sản phẩm nên thu nhập của người lao động và người góp đất trồng cao su rất thấp.
“Hiện Công ty Cổ phần Cao su Sơn La trả 1,2 triệu đồng/năm cho mỗi ha người dân góp để trồng cao su, đây là mức rất thấp. Phát triển cây cao su cũng chưa giải quyết được mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững như Nghị quyết của Đảng. Số hộ nghèo, cận nghèo vẫn chiếm tới 23,3% tổng số hộ góp đất”, ông cho biết.
Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội cao su Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cho biết, Việt Nam có sản lượng cao su cao, năng suất hàng đầu thế giới nhưng vấn đề thị trường, chiến lược sản phẩm thì hoàn toàn bị động nên dễ bị tác động bởi các biến động trên thị trường thế giới.
Mặt khác, khi tình hình khó khăn, nếu một số nước có sản lượng cao su thiên nhiên lớn như Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khá nhịp nhàng, linh hoạt thì chúng ta mới chỉ có chính sách chung, chưa cụ thể, kịp thời. Bên cạnh đó, thách thức từ biến đổi khí hậu đặt ra những khó khăn không nhỏ cho ngành cao su.
“Với thực trạng hiện nay, ngành cao su cần phải tái cơ cấu, trong đó ngoài củng cố nội lực của các doanh nghiệp, của ngành, còn cần có chủ trương, chính sách và cả chiến lược phát triển từ Chính phủ, các cấp, bộ, ngành sát sao hơn với sự phát triển của ngành cao su Việt Nam”, ông Thuận nhấn mạnh.