Nguồn tin PLVN cho hay, đơn xin giảm thuế của Hiệp hội Cao su Việt Nam đã nhận được sự đồng tình của Bộ Tài chính. Theo một văn bản do Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn vừa ký, cơ quan này dự kiến sẽ giảm thuế xuất khẩu đối với mặt hàng cao su tự nhiên từ mức 3% và 5% xuống còn 1%.
Trước đó, sau khi “tế nhị” để cho hiệp hội lên tiếng trước, Tập đoàn Cao su Việt Nam cũng đã có văn bản “than khổ” trình lên Bộ Tài chính. Theo đó, giá cao su rớt thê thảm quá. Năm 2011, giá cao su ở mức cao trung bình 4.600 – 5.000 USD/tấn. Năm 2012, giá bình quân 3.000 USD/tấn và từ đầu năm 2013 đến nay, giá cao su tiếp tục giảm, bình quân trong quý I/2013 là 2.685 USD/tấn và hiện nay là 2.300 USD/tấn.
Thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng cao su tự nhiên (thuộc các nhóm 4001, 4002 và 4005) sẽ giảm từ mức 3% và 5% xuống 1%. |
Đại gia “vàng trắng” dự báo, từ nay đến cuối năm giá cao su cũng chỉ giao động ở mức 2.200 USD – 2.500 USD/tấn. Nguyên nhân được đề cập hoàn toàn do “khách quan”. Trực tiếp là vì các vườn cao su của các nước trồng cách đây 6-7 năm đến nay bắt đầu thu hoạch, và “cung đang vượt cầu khoảng 500.000 tấn” do lượng tồn kho của Trung Quốc và lượng cung của Thái Lan tăng mạnh.
Riêng về phần mình, Tập đoàn Cao su tự nhận lượng tồn kho khoảng 60.000 tấn, “dự kiến đến cuối năm tồn khoảng 200.000 tấn” do tỷ trọng xuất khẩu chiếm 83% trong khi tỷ trọng tiêu dùng trong nước chỉ khoảng 17%.
“Chia lửa” với tập đoàn, từ phía hiệp hội, chủ tịch Trần Ngọc Thuận cũng tiếp tục ký văn bản “trình bày hoàn cảnh”. Theo đó, với mức lợi nhuận được cho là đang thấp hơn so với lãi suất ngân hàng và thấp hơn nhiều so với lãi suất tiền vay, một số doanh nghiệp cao su đang thu hẹp hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Do vậy, lượng cao su thiên nhiên trong 6 tháng đầu năm 2013 đã giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước, làm kim ngạch xuất khẩu cao su giảm 19,5%, “một số lao động bị giảm và lương công nhân cũng giảm”.
Nguyên nhân là vì giá cao su Việt Nam xuất khẩu đã giảm “gần sát với giá thành”, lợi nhuận chỉ còn 5% bình quân và 2% đối với những chủng loại chịu thuế xuất khẩu. Trong khi đó, thuế xuất khẩu cao su được đặt ra trong thời kỳ giá cao su xuất khẩu lên đỉnh điểm 4.562 USD/tấn vào tháng 2/2011 và duy trì cho đến nay.
Tóm lại, sau khi “kêu ca” cả Tập đoàn Cao su và Hiệp hội Cao su cùng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét “cho tạm ngưng hoặc miễn thuế xuất khẩu” mặt hàng cao su thiên nhiên.
Nguyện vọng của họ đã được “lắng nghe và thấu hiểu”. Tại cuộc họp do Bộ Tài chính tổ chức mới đây, đại diện các bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều nhất trí giảm thuế xuất khẩu cao su tự nhiên để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành cao su trong tình hình giá cao su sụt giảm mạnh.
Theo thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, mục đích thu thuế xuất khẩu cao su vào thời điểm năm 2011 là nhằm hạn chế phần nào việc xuất khẩu các mặt hàng cao su ở dạng nguyên liệu nhằm giữ nguyên liệu cho sản xuất trong nước trước tình hình kim ngạch xuất khẩu cao su tăng đột biến do tại thời điểm đó giá xuất khẩu cao su ở mức rất cao. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, giá đã giảm khá sâu, “lượng cung cao su trên thế giới đang lớn hơn cầu”, nhu cầu trong nước cũng được bảo đảm.
Trong bối cảnh kinh tế chung đang khó khăn, trước các kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ Tài chính dự kiến giảm thuế xuất khẩu đối với mặt hàng cao su tự nhiên (thuộc các nhóm 4001, 4002 và 4005) từ mức 3% và 5% xuống 1% (bằng với mức thuế xuất khẩu Malaysia đang áp dụng). Tuần qua, bộ này đã chính thức đưa ra dự thảo thông tư sửa đổi mức thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng cao su thuộc nhóm 4001, 4002 và 4005 quy định tại Biểu thuế xuất khẩu ban hành kèm theo Thông tư số 193/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012. Như vậy, các doanh nghiệp cao su đã có thể “ăn mừng”.
Điều còn lại, như PLVN đã đề cập tại nhóm bài “Co kéo ngân sách” đăng tải mới đây, đó là câu chuyện về sự công tâm: Chống thất thu ngân sách đã được Bộ Tài chính đề ra như là một nhiệm vụ quan trọng nhất từ nay đến cuối năm, nhưng cũng chính cơ quan này hàng ngày đang đối mặt xử lý hàng loạt những lời đề nghị miễn, giảm, gia hạn nghĩa vụ với nhà nước, trong đó có nhiều “lời đề nghị” đến từ các “đại gia” thanh thế...
Tùng Sơn