Luật sư Đào Thị Liên |
Thưa Luật sư, với các dạng tờ rơi quảng cáo về cho vay không thế chấp với mức lãi suất từ 3.000đ/triệu/ngày đang tồn tại rất nhiều hiện nay, liệu có phải các cá nhân tổ chức này đang kinh doanh (KD) tài chính, tiền tệ không? Vì sao?
- KD tài chính được hiểu là một dạng “buôn vốn”, cung cấp dịch vụ hỗ trợ nguồn vốn - là một phần trong hoạt động cung cấp dịch vụ tài chính. Việc cho vay thường xuyên, có tính lãi và coi đó là nguồn thu trong hoạt động KD của mình chính là một hoạt động KD tài chính, tiền tệ.
Vậy việc quảng cáo cho vay tràn lan, công khai như thế này có dấu hiệu vi phạm pháp luật như thế nào?
- Việc cho vay vốn (tiền) sẽ không vi phạm pháp luật nếu được đăng ký với cơ quan chức năng, chịu sự giám sát của cơ quan chức năng và đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật về điều kiện KD và nộp thuế. Nhưng nếu mức lãi suất cho vay lên đến 3.000đ/triệu/ngày thì đây là mức lãi không phù hợp với quy định của pháp luật.
Chiểu theo quy định của Bộ luật Dân sự và Ngân hàng Nhà nước thì lãi suất do các bên thỏa thuận không được quá 13.5 %/năm. Do đó, với mức lãi suất cho vay là 3.000đ/triệu/ngày tương ứng với 109,5%/năm, những tổ chức này đã cho vay với lãi suất gấp hơn 8 lần lãi suất cho phép.Vì vậy, căn cứ khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự, Điều 1 Quyết định 2868/QĐ-NHNN quyết định về mức lãi suất cơ bản bằng tiền đồng Việt Nam, khẳng định hành vi cho vay với mức lãi suất như trên là có vi phạm pháp luật.
Hiện nay hầu hết các cửa hiệu cầm đồ cũng tiến hành cho vay, hỗ trợ tài chính. Theo quy định, các cửa hiệu này có vi phạm pháp luật không thưa Luật sư?
- Cho vay vốn (còn gọi là tín dụng), là việc một bên (bên cho vay) cung cấp nguồn tài chính cho đối tượng khác (bên đi vay), trong đó bên đi vay sẽ hoàn trả tài chính cho bên cho vay trong một thời hạn thỏa thuận và thường kèm theo lãi suất. Trong khi đó Luật Các tổ chức tín dụng năm 2012 tại Điều 4 quy định tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân. Như vậy, cửa hiệu cầm đồ không phải là tổ chức tín dụng nên không có chức năng cho vay, hỗ trợ tài chính.
Hành vi cho vay tiền của cửa hàng cầm đồ đã vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hành chính theo Điều 25 Nghị định 155/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư như sau: Vi phạm về việc kinh doanh ngành, nghề không có trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ bị “Phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng đối với hành vi KD ngành, nghề không có trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”.
Nhưng pháp luật hiện hành quy định, các doanh nghiệp không cần phải đăng ký ngành nghề KD trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nữa. Liệu quy định về xử phạt hành chính như trên có còn hiệu lực áp dụng?
- Đây là một câu hỏi rất hay, cũng là vấn đề cần phải làm rõ. Nghị định 155 hiện nay vẫn đang có hiệu lực, việc đăng ký ngành nghề khi tiến hành thủ tục đăng ký KD vẫn là bước phải thực hiện tại cơ quan chức năng, cho dù trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không còn ghi ngành nghề phải đăng ký KD nhưng Nhà nước vẫn phải quản lý, giám sát chặt chẽ. Hiện một số ngành nghề đặc thù vẫn phải thỏa mãn những điều kiện nghiêm ngặt mới được phép KD, đơn cử như KD nhà nghỉ, nhà hàng, khách sạn, KD cầm đồ, đòi nợ thuê.v.v. Trong đó, cho vay, cho thuê tài chính cũng là một trong những ngành nghề KD có điều kiện.
Theo Luật sư, các đơn vị quản lý, cơ quan chức năng phải có những hành động gì và trách nhiệm của họ đến đâu trong việc để “tín dụng đen” đang hoạt động rất công khai dưới hình thức cho vay, hỗ trợ tài chính?
- Để xảy ra những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực KD thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước về kế hoạch đầu tư và hệ thống cơ quan thanh tra.
Để kiểm soát và ngăn chặn tình trạng này, cần xây dựng hành lang pháp lý để quản lý hoạt động tín dụng không chính thống này. Hiện nay, chế tài xử lý hành vi này rất ít, Bộ luật Hình sự hiện hành chỉ có 1 điều duy nhất là Điều 163 quy định tội “Cho vay lãi nặng” nhưng phải thỏa mãn cả hai yếu tố: Lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên và có tính chất chuyên bóc lột. Điều này không dễ dàng để chứng minh và xác định được.
Bên cạnh đó, các biện pháp chế tài về hành chính cũng không có. Vì thế, chủ thể tham gia “tín dụng đen” vẫn ngang nhiên hoành hành và ngày càng phát triển mạnh. Ngoài ra, chúng ta cần tuyên truyền rộng rãi đến người dân về tính chất nguy hiểm của hành vi này, đặc biệt là học sinh, sinh viên, giới trẻ. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp xúc với các quỹ tín dụng chính thống.