Không nghĩ có con lại có thể dẫn đến khó khăn về tài chính như vậy
Lan là một người mẹ đơn thân không có thu nhập cũng chẳng có bảo hiểm phải chật vật tự nuôi hai đứa con và trả tiền thuê căn phòng chỉ vỏn vẹn 8m2. Ngược lại, Ngọc sống hạnh phúc cùng chồng trong căn nhà ba tầng, là món quà cưới của bố mẹ chồng và sắp quay trở lại làm công việc kế toán sau sáu tháng nghỉ thai sản.
Tuy nhiên, họ lại có điểm chung khác là cả hai bà mẹ trẻ vẫn còn đang sốc vì không nghĩ có con lại có thể khiến cuộc sống của mình có thể thay đổi nhanh đến thế và dẫn đến khó khăn về tài chính như vậy. Cả hai cô gái trẻ đều ước mong họ có được một khoản hỗ trợ tài chính thường xuyên để trang trải chi phí nuôi nấng những thiên thần nhỏ của mình.
“Khi chúng em mới cưới, thu nhập của chúng em rất thoải mái để sống vì chúng em đã có nhà được bố mẹ cho. Nhưng từ ngày sinh con gái, tài chính không còn dễ dàng như trước nữa” - Ngọc cho biết. Cô có bằng cử nhân và một công việc được đóng bảo hiểm với các khoản phúc lợi có thể giúp cả gia đình trong bối cảnh chồng cô làm nghề mộc, không có một việc làm chính thức.
Còn Lan, hai năm trước, Lan chuyển đến sống chung với người bạn trai giàu có khi đang là công nhân may không có hợp đồng chính thức. Họ sớm chào đón đứa con trai đầu lòng với niềm vui khôn xiết. Khi biết mình mang bầu đứa bé thứ hai cũng là lúc cô phát hiện bạn trai đang lừa dối mình. Thất vọng và suy sụp, Lan bỏ đi và thuê một căn phòng trọ tồi tàn trong xóm này để sống với con trai và chờ đến ngày sinh mặc dù cô đã bỏ việc may và cũng không nhận được hỗ trợ tài chính từ người bạn trai giàu có.
“Em đã hết tiền tiết kiệm để trả tiền thuê nhà và trông trẻ - khoảng 2 triệu đồng một tháng. Cơm thì hàng ngày mẹ con em được bà bác mang sang cho. Nhưng từ khi có con gái thứ hai, em còn phải mua sữa công thức rất đắt đỏ vì em không có sữa cho con bú… có lẽ là vì ăn uống thiếu chất”, cô nói.
Nếu Lan biết trước đời mình sẽ rơi vào khúc ngoặt tăm tối như vậy, có lẽ cô sẽ không bỏ việc ở xưởng may. Cô thậm chí còn ước rằng nơi làm việc đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho mình để ít nhất cô còn được hưởng trợ cấp thai sản và bảo hiểm y tế cho bản thân và con cái. Cô dự định sau vài tháng nữa sẽ cho con ở nhà với bà bác để đi làm trở lại.
Cả Lan và Ngọc đều ước mong họ có được một khoản hỗ trợ tài chính thường xuyên để trang trải chi phí nuôi nấng những thiên thần nhỏ của mình.
Xây dựng cấu trúc đa tầng để hỗ trợ cho người lao động có con nhỏ
Theo một nghiên cứu mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Lan và Ngọc nằm trong số 44% người lao động Việt Nam đang phải đối diện với thách thức chi phí phát sinh thêm khi nuôi con nhỏ. Trong số họ, trường hợp của Lan có lẽ thuộc nhóm đáng thương hơn. Và đó cũng là lý do để ILO nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống an sinh xã hội để đảm bảo những thách thức trong cuộc sống không đẩy con người vào cảnh nghèo đói.
“Trong số những người lao động có con nhỏ này, hơn một nửa – tương đương 56% thuộc diện có thể được bảo hiểm theo quy định hiện hành của BHXH Việt Nam. Vì vậy, hệ thống BHXH cần thiết phải xây dựng các công cụ để đáp ứng các nhu cầu và thách thức cụ thể của nhóm đối tượng này” - bà Betina Ramirez Lopez, chuyên gia về bảo trợ xã hội của ILO Việt Nam cho biết.
ILO Việt Nam, thông qua dự án về Bảo trợ xã hội và tăng trưởng bao trùm do IrishAid tài trợ, đã và đang hỗ trợ Việt Nam xây dựng và triển khai cải cách BHXH toàn diện, trong đó có cân nhắc tới chế độ phúc lợi trẻ em – hay trợ cấp tiền mặt hàng tháng cho người lao động có con nhỏ. Đảm bảo thu nhập cho trẻ em được coi là một trong bốn nội dung an sinh xã hội cơ bản được đặt ra trong Khuyến nghị số 202 của ILO về sàn an sinh xã hội và Công ước số 102 về an sinh xã hội.
“Đã có nhiều minh chứng trên toàn thế giới cho thấy BHXH cho gia đình và trẻ em không chỉ giảm nghèo đói mà còn giúp tăng cường dinh dưỡng và y tế, tăng tỷ lệ trẻ em đến trường và hiệu quả học hành, giảm nguy cơ trẻ bị lạm dụng, ngược đãi và lao động trẻ em, giúp các em trở thành những công dân, những người lao động hạnh phúc hơn, năng suất hơn trong tương lai” - bà Ramirez Lopez phân tích.
Với đề xuất của BHXH Việt Nam, cải cách xét đến nhiều phương án khác nhau để xây dựng cấu trúc đa tầng nhằm cung cấp hỗ trợ cho người lao động có con nhỏ trong cả hệ thống bảo hiểm bắt buộc và tự nguyện. Và theo chuyên gia của ILO thì việc mở rộng phạm vi tới mọi người lao động hiện đang phải đối mặt với những khó khăn trong việc nuôi con có thể sẽ tăng diện bao phủ của BHXH tới một nửa dân số trong độ tuổi lao động, đồng thời cũng đảm bảo cung cấp bảo trợ đầy đủ cho mọi gia đình.
Theo ILO, phúc lợi trẻ em Việt Nam, nếu được triển khai trên toàn quốc sẽ hoàn thiện hóa những chế độ hiện hành đã áp dụng cho người lao động như nghỉ thai sản và bảo hiểm y tế. Việc tận dụng thời cơ này có thể giúp Việt Nam tiến bước trên con đường xây dựng một cơ chế hỗ trợ gia đình nhất quán và ưu việt trong hệ thống an sinh xã hội còn non trẻ – một cơ chế phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của một quốc gia thu nhập trung bình, mang lại hạnh phúc cho mọi người lao động và trả lại nụ cười cho những bà mẹ trẻ như Lan và Ngọc.