“Trong giai đoạn cách mạng mới, công tác xây dựng Đảng là hết sức quan trọng, để đảm bảo thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, TS. Nguyễn Thái Sơn, Tỉnh uỷ viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Hải Dương khẳng định.
Thời gian qua, trong công tác xây dựng Đảng, Đảng ta đã bổ sung, phát triển và từng bước làm sáng tỏ lý luận về vai trò lãnh đạo của Đảng trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, xây dựng Nhà nước pháp quyền, mở cửa hội nhập quốc tế; làm rõ trách nhiệm của đảng cầm quyền trong việc nghiên cứu, tìm tòi mô hình và con đường, bước đi xây dựng chủ nghĩa xã hội phù hợp với quy luật khách quan.
Đảng đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng, coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, sống còn của toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Từ đó, đặt ra yêu cầu Đảng phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn; tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức; vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không ngừng hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng; tăng cường công tác tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, đấu tranh chống sự suy thoái, biến chất, tham nhũng trong cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, đề phòng nguy cơ sai lầm về đường lối và thoái hóa, quan liêu, xa rời quần chúng.
Để làm tốt công tác xây dựng Đảng, thứ nhất, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng. Các cấp uỷ Đảng cần phải thực hiện tốt việc tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, cổ vũ động viên các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt trên mọi lĩnh vực bằng nhiều hình thức.
Cần quan tâm nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị; quan tâm xây dựng trường Chính trị, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện cả về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chế độ chính sách để đáp ứng được yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Cán bộ chủ chốt cấp uỷ Đảng cần thường xuyên tiếp tục, đối thoại trực tiếp với nhân dân, chủ động nắm bắt, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và có biện pháp giải quyết kịp thời.
Thứ hai, phải tiếp tục mở rộng sinh hoạt dân chủ, tăng cường lãnh đạo tập thể trong Đảng. Phải tăng cường chất lượng sinh hoạt của các cấp uỷ Đảng với những thông tin đầy đủ, có tính thời sự làm cơ sở để thảo luận dân chủ, kết luận rõ ràng. Cần đổi mới việc tổ chức hội nghị và hình thức sinh hoạt Đảng, đổi mới nâng cao hiệu quả, quy trình ra nghị quyết.
Thứ ba, phải coi trọng tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng; đồng thời, phải có giải pháp tích cực để thực hiện trẻ hóa, tiêu chuẩn hóa, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ theo chức danh cho cán bộ cơ sở…
TS. Nguyễn Thái Sơn - Tỉnh uỷ viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Hải Dương