Chuyện ở xứ người, trong lúc trà dư tửu hậu, người Đà Nẵng vẫn nói với nhau: bóng đá Đà Nẵng phục sinh bởi những người không làm bóng đá bớt nhúng tay vào. Bóng đá Đà Nẵng phục sinh theo hướng tích cực bắt đầu từ việc trao "thượng phương bảo kiếm" vào tay một người tha hương: Lê Huỳnh Đức- với phương pháp làm rất quyết liệt theo kiểu "quân pháp bất vị tha" sẵn sàng "trảm sao" và triệt hàng loạt cầu thủ nhen nhúm bệnh bè phái. Tuy nhiên, thành công nhất của Huỳnh Đức là để cho các cầu thủ nhận ra rằng, khi đã có sự công bằng, chỉ có nỗ lực, sự kiên trì tập luyện và tính chuyên nghiệp mới giúp họ chen chân vào đội hình chính. Không phải ngẫu nhiên mà cả HLV Huỳnh Đức lẫn đội Đà Nẵng thăng hoa ở hai mặt trận V-League và AFC Cup. Trong thành công của Đà Nẵng có công của người đã thầm lặng trao "bảo kiếm" để Đức làm: ông bầu Đỗ Quang Hiển, một người ngoài khác. Bóng đá Đà Nẵng phục sinh bắt đầu từ những người không sinh thành ở Đà Nẵng, nhưng hết mình với bóng đá Đà Nẵng.
Trông người lại ngẫm đến ta, dù XMHP mang tiếng “chịu chơi và chịu chi” để thu hút nhân tài nhưng cách tuyển dụng cầu thủ nội, ngoại của Hải Phòng hiếm khi đạt hiệu quả. Người hâm mộ XMHP không còn lạ với ý thức thiếu chuyên nghiệp của một số cầu thủ, cũng như cách quản lý, sự nuông chiều vô cớ của lãnh đạo CLB, khiến có ngoại binh cứ ngỡ mình là những “ông trời con”. Cái khó của bóng đá Hải Phòng, phải chăng bắt nguồn từ nội lực ? Có người cho rằng, chính sự nuông chiều thái quá khiến không ít cầu thủ nảy sinh tư tưởng “công thần”, dẫn đến nạn “kiêu binh”! Và việc ông chủ đổ đống tiền không phải để “sao” ngồi dự bị là chuyện “thường ngày ở huyện”. Có thể không sai nhưng nguyên nhân của mọi nguyên nhân lại chính là cách làm thiếu chuyên nghiệp của Hải Phòng. Thiếu chuyên nghiệp ngay cả trong sự che đậy không cần thiết những yếu kém mà ai cũng thấy. Chẳng hạn, việc các cầu thủ ẩu đả nhau trên sân Ninh Bình hay Lạch Tray, hay như lối tiêu tiền vô tội vạ qua việc tuyển những ngoại binh không đạt yêu cầu chuyên môn. Thậm chí, lối “thưởng nóng” lại có tác dụng ngược khi không giúp cho cầu thủ nhận thức được trách-nhiệm-phải-thắng của một cầu thủ chuyên nghiệp. XMHP có những cơn sóng cồn lên ở trong lòng nó, mà một người cũ và trầm như ông Dũng khó lòng quán xuyến. Ông Dũng muốn “dâng sớ trảm gian thần”, nhưng tiếng nói của ông chỉ có trọng lượng trên sân tập. Khổ nỗi, những thứ "phá" một đội bóng lại nằm chủ yếu ở sinh hoạt bên lề. Và thật ngạc nhiên khi ai đó cứ đòi hỏi ông “cháy” hết mình với bóng đá Hải Phòng.
XMHP có thể không thiếu tiền, nhưng lại chưa biết cách tiêu tiền cho hợp lý. Bất kỳ sự đầu tư nào cũng phải biết chấp nhận rủi ro, nhưng với kiểu chiêu mộ ngoại binh của bóng đá Hải Phòng thì thật muôn phần rủi ro. Cũng có người bảo rằng họ vung tiền ra chỉ cốt để mua danh. Dù sao thì ở góc độ chuyên môn, họ đang thất bại và dường như sắp có một cuộc "ném tiền" ở giai đoạn 2 của V-League...
Nokia_8800_8800@yahoo.com