Khi được tích cực cấp cứu thì đã quá muộn!
Theo kết luận của Hội đồng chuyên môn trong việc Thiếu úy công an Nguyễn Đức Đạt (26 tuổi) công tác tại Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về Kinh tế - Ma túy, Công an huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) đã xác định 3 vấn đề chính:
Thứ nhất, nhân viên trực cấp cứu của Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long vào đêm 13/7 có sai sót về chuyên môn. Cụ thể, chưa khai thác bệnh sử và thăm khám đầy đủ nên chẩn đoán ban đầu còn chủ quan, vội vàng do hạn chế về chuyên môn và kinh nghiệm của bác sĩ trực;
Thứ hai là có sai sót về chuyên môn của bác sĩ trực. Còn trường hợp bệnh nhân uống nhầm Methamphetamine (ma tuý đá) sau 2,5 giờ có cứu chữa được hay không thì hội đồng không làm rõ, vì không thể xác định được liều lượng mà bệnh nhân đã uống;
Thứ ba, về dược động học, sau khi uống Methamphetamine, nồng độ đỉnh trong máu sẽ đạt được sau từ 2-3 giờ.
Dựa vào kết quả giám định pháp y, biểu hiện của tổn thương đa cơ quan phù hợp với ngộ độc nặng ma tuý đá. Đồng thời kết luận khẳng định, vị bác sĩ trực cấp cứu không thiếu trách nhiệm.
Sở Y tế yêu cầu giám đốc BVĐK Vĩnh Long chỉ đạo tổ chức họp kiểm điểm bác sĩ trực cấp cứu có sai sót về chuyên môn và xử lý sai phạm theo quy định hiện hành.
Gia đình thiếu úy Đạt vô cùng bức xúc với kết luận “bất ngờ” này cho rằng: Do sự thờ ơ, tắc trách và thiếu trách nhiệm của bác sĩ trực khiến thiếu úy Đạt tử vong. Bà Trần Thị Xuân Tươi (mẹ thiếu úy Đạt) nói trong nước mắt: “Lúc đưa thằng Đức Đạt vào bệnh viện, tôi có nói với bác sĩ Phong Tuấn (bác sĩ trực cấp cứu, phó khoa cấp cứu - PV) là “con tôi đang đi công tác, bắt tội phạm ma tuý, nó uống phải ca nước có ma tuý nhờ bác sĩ cứu giúp” và không ngừng năn nỉ nhưng bác sĩ vẫn một mực kêu đưa qua BV Tâm thần”.
Bà Tươi nói tiếp: “Lý trí Đức Đạt lúc đó vẫn còn vững vàng nhưng khi nói chuyện lại hơi bị cứng miệng, nói từng tiếng một. Vậy mà bác sĩ không cứu nó”. bà Tươi chua xót!
Theo bà Tươi, chính sự thờ ơ, vô trách nhiệm của bác sĩ đã khiến bà mất đi đứa con. Đồng thời, bà cũng phản đối kết luận của Hội đồng chuyên môn. Bà cho rằng: “Kết luận nêu bác sĩ Phong Tuấn có sai sót chuyên môn. Trong khi, ngay từ đầu người này (bác sĩ) không chịu tiếp nhận bệnh. Kết luận chỉ nói sai sót chuyên môn. Tuy nhiên thực tế cho thấy, là bác sĩ vô trách nhiệm dẫn đến cái chết của con bà mà chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm cho qua chuyện”... Mẹ thiếu úy Đạt bức xúc.
Bà Tươi đau đớn nói thêm, thà là con bà chết ngay khi ngộ độc thì đỡ hơn cảnh nhìn con mình chết dần trước sự vô tâm không chịu tiếp nhận bệnh của bác sĩ bệnh viện ĐK tỉnh Vĩnh Long. |
Đâu là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của thiếu úy trẻ?!
Có thể nói, sau khi có kết luận của Hội đồng chuyên môn, dư luận đặt câu hỏi: Nếu theo lời bác sĩ Phong Tuấn, đây là trường hợp rối loạn hành vi nên từ chối nhận cấp cứu và yêu cầu chuyển sang Bệnh viện tâm thần thì tại sao lần thứ 2 khi người nhà chở thiếu úy Đạt quay lại, có sự hiện diện của Đại tá Huỳnh Thanh Mộng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Long thì thiếu úy Đạt lại được bác sĩ tích cực cấp cứu?
Trước đó, trả lời báo chí, ông Trần Văn Út, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long cho biết: “Một bệnh nhân có tình trạng cấp cứu thì tất cả các bệnh viện phải tiến hành cấp cứu, không phải riêng bệnh viện nào xử lý. Khi cấp cứu xong rồi, nếu bệnh nhân tạm ổn mới chuyển qua chuyên khoa”.
Dư luận cũng không khỏi nghi vấn khi kết luận của Hội đồng chuyên môn chỉ nói chung chung, chưa làm rõ vấn đề của sự vụ. Việc thành lập Hội đồng chuyên môn gồm 25 người, trong đó đã có 21 thành viên của Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long, 4 chuyên gia tuyến trên của BV Chợ Rẫy, Viện Pháp y Tâm thần Trung ương (phía Nam) có khách quan không khi sự việc này xảy ra ở BVĐK tỉnh Vĩnh Long mà Giám đốc Bệnh viện này lại là đương kiêm Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh chuyên trách về công tác chữa trị?
Theo kết luận của Hội đồng chuyên môn là bác sĩ trực “không thiếu trách nhiệm”. Vậy trách nhiệm của bác sĩ trực là gì? Nhiệm vụ của bác sĩ trực cấp cứu là phải chẩn đoán, nhận định ban đầu và lắng nghe ý kiến từ người nhà xem bệnh nhân trước đó đã bị cái gì để kịp thời cấp cứu. Đằng này bác sĩ “chưa khai thác bệnh sử, thăm khám đầy đủ” đã “đẩy” sang bệnh viện tâm thần. Vậy bác sĩ trực cấp cứu có làm tròn trách nhiệm của mình?
Dư luận đang rất bức xúc trước hành động vô tâm, xem thường tính mạng người bệnh của một vị bác sĩ chuyên khoa I, phó khoa cấp cứu, một khoa rất quan trọng trong việc cứu chữa người. Không ít ý kiến cho rằng, hành vi của bác sĩ Tuấn đã “vi phạm đạo đức nghề nghiệp; có hay không hành vi dẫn đến cái chết của thiếu úy Đạt?!”…
Như báo PLVN đã thông tin, tối 13/7, Thiếu úy Nguyễn Đức Đạt cùng đồng đội bắt quả tang Nguyễn Hữu Đang (21 tuổi, ngụ xã Thanh Đức, Long Hồ) đang tàng trữ trái phép các chất ma túy tại ấp Phước Trinh (xã Long Phước). Trong lúc lực lượng lập biên bản, thiếu úy Đạt nói khát nước nên lấy ca nước trong nhà uống. Khi về đến trụ sở công an xã, Thiếu úy Đạt nói nhức đầu, chóng mặt và có biểu hiện bất thường. Sau đó, thiếu úy Đạt được đưa đến BV Đa khoa tỉnh Vĩnh Long cấp cứu. Tuy nhiên, bác sĩ trực nhận định rối loạn hành vi, biểu hiện của bệnh lý tâm thần cấp tính nên đề nghị đưa bệnh nhân đến BV Tâm thần. Gia đình đưa Đạt đến Bệnh viện Tâm thần của Tỉnh nhưng bác sĩ tại đây cho biết đã quá muộn. Chưa bỏ cuộc, người nhà tiếp tục đưa thiếu úy Đạt trở lại Bệnh viện Đa khoa Tỉnh. Lần này, đội ngũ y bác sĩ đã tiến hành cấp cứu tích cực nhưng thiếu úy Đạt đã tử vong.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về sự vụ này./.