Đây là một trong những khuyến nghị chính của Báo cáo “Đánh giá quy định pháp luật về PCTN trong khu vực ngoài nhà nước và đề xuất hướng dẫn đối với DN, tổ chức khu vực ngoài nhà nước” được đưa ra thảo luận tại hội thảo do Thanh tra Chính phủ (TTCP), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội tổ chức ngày 28/7.
Yêu cầu tất yếu
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng công tác PCTN với việc ban hành nhiều văn bản cũng như tiến hành nhiều biện pháp PCTN cụ thể. Nỗ lực PCTN của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được điều tra, xử lý nghiêm minh, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong PCTN.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đứng trước nguy cơ, thách thức lớn về tham nhũng; tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng ở nhiều nơi, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là hoạt động sản xuất kinh doanh và tác động xấu đến môi trường đầu tư.
Thực tiễn hiện nay, tham nhũng là một vấn nạn và thách thức đối với DN hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. “Trong bối cảnh tham nhũng trong khu vực tư đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ gây ra hệ lụy đối với sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, một yêu cầu tất yếu đặt ra đó là PCTN trong khu vực tư”, ông Liêm nói.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, xuất phát từ đòi hỏi của cuộc đấu tranh PCTN, để hoàn thiện thể chế, chính sách trong đấu tranh PCTN, năm 2018, Quốc hội đã ban hành Luật PCTN năm 2018 và Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 quy định chi tiết một số điều của Luật PCTN năm 2018. Một trong những nội dung mới của Luật và Nghị định trên là đã mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Sitara Syed hoan nghênh Việt Nam mở rộng phạm vi của Luật PCTN sang khu vực ngoài Nhà nước. “Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam PCTN trên tất cả các lĩnh vực nhằm thực hiện các yêu cầu của Công ước Liên Hợp quốc về PCTN mà Việt Nam phê chuẩn năm 2009”- bà Sitara Syed nói. Song, đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho rằng, việc thực thi Luật đòi hỏi những nỗ lực mạnh mẽ không chỉ của Chính phủ mà cả của các DN.
Bà Nguyễn Vân Trang - Trưởng bộ phận các chương trình phát triển, Quỹ thịnh vượng, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội - cũng cho rằng đấu tranh với tham nhũng và tăng cường minh bạch rất quan trọng đối với Việt Nam trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. Theo đại diện Đại sứ quán Anh, điều này quan trọng hơn bao giờ hết vì Việt Nam đang có một vị trí thuận lợi có thể tận dụng lợi thế của việc di chuyển chuỗi cung ứng.
Còn ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI - nhấn mạnh PCTN là nỗ lực tập thể của tất cả các bên bao gồm Chính phủ, cộng đồng DN, các tổ chức xã hội, các nhà tài trợ quốc tế, báo chí và toàn xã hội.
“Với nỗ lực này chúng ta có thể tin tưởng rằng tham nhũng sẽ được đẩy lùi, các thực hành kinh doanh có trách nhiệm, minh bạch và liêm chính sẽ được thúc đẩy và hướng tới đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) cũng như thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới”, ông Vinh nói.
Vẫn còn “chi phí không chính thức”
Tại Hội thảo, các ý kiến cho rằng, tham nhũng luôn được coi là một trong những trở ngại lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh trong khu vực vì nó làm tăng chi phí kinh doanh, làm biến dạng môi trường cạnh tranh, hạn chế cơ hội đầu tư và gia tăng bất bình đẳng xã hội.
Theo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tại Việt Nam trong những năm gần đây, hơn một nửa số công ty được khảo sát đã báo cáo về việc chi trả các chi phí không chính thức. Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, VCCI – nhận định, các biểu hiện của tình hình tham nhũng trong khu vực tư được thể hiện qua đánh giá của DN về chi phí không chính thức trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trình bày Báo cáo đánh giá Quy định pháp luật về PCTN trong khu vực ngoài Nhà nước và đề xuất hướng dẫn đối với DN, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước tại Hội thảo, ThS. Đỗ Thanh Thủy cho biết, quy định về trách nhiệm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong DN, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước khi để xảy ra tham nhũng trong DN, tổ chức do mình quản lý, Luật PCTN và Nghị định 59 chỉ quy định mang tính nguyên tắc và giao cho DN, tổ chức quy định phù hợp với đặc thù của DN, tổ chức.
Đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng ngoài việc chịu sự điều chỉnh của Luật PCTN và Nghị định số 59 còn phải chịu sự điều chỉnh của rất nhiều văn bản pháp luật khác như Luật DN, Luật Chứng khoán, Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Do vậy, cần phải có hướng dẫn cụ thể để DN, tổ chức thực hiện đảm bảo tính thống nhất và đạt mục tiêu phòng ngừa tham nhũng.
Mặt khác, Luật quy định thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN của các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và một số tổ chức xã hội nhưng Luật và Nghị định số 59 lại quy định mang tính nguyên tắc về trách nhiệm thực hiện các quy định pháp luật về PCTN của các DN, tổ chức này mà không quy phạm hóa các trách nhiệm áp dụng biện pháp phòng ngừa tham nhũng này, có thể dẫn đến có xung đột giữa cơ quan có thẩm quyền khi tiến hành thanh tra và DN, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Cơ quan nhà nước cần có hướng dẫn để tránh những chi phí phát sinh do người thực hiện đặt ra và bắt ép DN.
Đề xuất xây dựng quy tắc ứng xử kinh doanh
Từ đó, nhóm nghiên cứu đề xuất cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hướng dẫn cho DN, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước trong thực hiện quy định pháp luật về PCTN. Nhằm ngăn chặn hành vi tham nhũng và xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất DN, tổ chức khu vực ngoài nhà nước cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh và tuân thủ nó trên thực tế.
Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, việc sử dụng tiêu chuẩn, đạo đức nghề nghiệp đi kèm với việc áp dụng thực thi thông qua các thiết chế như hiệp hội ngành nghề, hiệp hội DN là một hình thức phát triển tương đối cao của các công cụ PCTN trong nội bộ DN, tổ chức.
Ví dụ, hiệp hội các DN xây dựng có thể ban hành bộ quy tắc ứng xử trong việc tham gia đấu thầu, theo đó các DN không được phép chi hoa hồng quá 1% khi tham gia các gói thầu, DN nào vi phạm sẽ bị khai trừ khỏi hiệp hội. Khi DN đã khai trừ khỏi hiệp hội đồng nghĩa với việc uy tín DN sẽ bị giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất, kinh doanh.
Do vậy, gìn giữ uy tín sẽ tỉ lệ thuận với việc duy trì sự phát triển của DN và lãnh đạo DN buộc phải chấp hành nghiêm những quy định mang tính nguyên tắc khi tham gia hiệp hội – trong đó có những nguyên tắc phòng ngừa xung đột lợi ích có tác dụng PCTN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Còn ông Đậu Anh Tuấn nhận định, các quy định cần phải được thực thi một cách rõ ràng với những quy tắc ứng xử và đạo đức... được đề ra ngay từ đầu. Tính minh bạch phải được đề cao và rõ ràng ngay trong việc đóng thuế của các hộ kinh doanh hay trong việc giao đất cho DN. Cùng với đó, cần phải có cơ chế tiếp nhận thông tin phản hồi tốt để đảm bảo hiệu quả phòng, ngừa tham nhũng, tránh việc đi lòng vòng, không đến đúng người, xử lý không đúng việc.
Ngoài ra, cũng cần phải có nhiều bên giám sát như các cổ đông, của người tiêu dùng, của báo chí hay các tổ chức độc lập cùng tham gia vào quá trình PCTN trong hoạt động của các DN, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.
Về phía Nhà nước, ông Tuấn kiến nghị cần hoàn thiện chính sách và quy trình, “đừng để DN kinh doanh tử tế, minh bạch chịu thiệt thòi”; Nhà nước cần có những chuẩn mực đạo đức, đưa ra những thông điệp về yêu cầu chất lượng DN.
Với cộng đồng DN, Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho rằng các doanh nghiệp cần tích cực tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật; đặc biệt liên quan tới hoạt động PCTN; cùng với các cơ quan nhà nước tham gia vào việc giám sát, đánh giá việc thực thi pháp luật và đối thoại để hướng tới mục tiêu hoàn thiện pháp luật về PCTN.