Ngày 25/7, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo đã chủ trì phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn
Sau khi lắng nghe các ý kiến, phát biểu kết luận, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Chuẩn bị cho Đại hội Đảng, phiên họp này thảo luận bước đầu, cần phải thảo luận nữa để xây dựng chương trình hành động của Ban Chỉ đạo khóa tới. Bởi công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn phải làm lâu dài, còn nhiều việc phải làm.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định: Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng vừa rồi không chững lại, không chùng xuống, ngược lại ngày càng quyết liệt, hiệu quả, có sức răn đe lớn và cho chúng ta thêm nhiều kinh nghiệm hay. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đến nay gần như đã trở thành phong trào, quần chúng cùng làm, thế mới thành công.
"Nhưng trong khi làm, chúng ta vẫn có ý thức bảo vệ cán bộ và mang tính nhân văn. Công tác điều tra, truy tố, xét xử được chỉ đạo quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.
Trung ương không cho phép “chùng xuống”
Nêu một số kinh nghiệm hay cần phát huy của Ban Chỉ đạo trong khóa tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu: “Từng đồng chí trước hết phải đặt mình với cương vị là một cán bộ của Đảng được phân công làm nhiệm vụ này, không được “cua cậy càng, cá cậy vây”, tuyệt đối không được dính líu cá nhân, dẫn đến làm méo mó, lệch lạc… Chọn người vào đây cũng phải gương mẫu, xứng đáng, phải trong sáng, với tinh thần rất kiên quyết, rất quyết liệt, đã nói là làm, không nói một đằng, làm một nẻo".
Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: "Dân hiện nay đang lo là chùng xuống, không biết sắp tới có làm được không… chúng ta quyết tâm không để chuyện đó xảy ra, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng này không thể thế được, Trung ương không cho phép như thế, phải với tinh thần quyết tâm rất cao".
Tuy sắp tới còn làm mạnh hơn nữa, đúng pháp luật, đúng lương tâm, để giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn là chính, nhưng theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, không phải cốt xử nhiều mới là tốt, làm sao để không phải xử, không xảy ra mới là tốt, là nhân văn.