Không một câu từ nào đề cập đến đối tượng DN khởi nghiệp trong dự thảo Luật. Theo ông Nguyễn Diễn, Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng, với quy định điều kiện như Dự thảo thì chỉ những cá nhân đã có phương án SX KD mới là đối tượng của Chương trình.
“Nếu vậy sẽ khó đạt được mục tiêu thúc đẩy tinh thần kinh doanh được nêu ra tại khoản 1 điều này và khó có thể đạt được con số 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020 như mong muốn của Chính phủ trong Nghị quyết 35/2016/NQ-CP, ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020…”- ông Diễn khẳng định.
Lý do đơn giản, những người đã có phương án SX KD đã có sẵn tinh thần kinh doanh rồi và số lượng này không nhiều trong khi rất nhiều thanh niên, sinh viên sau khi tốt nghiệp chỉ nghĩ đến việc đi xin việc làm mà không hề nghĩ đến con đường khởi nghiệp “Họ cần được tham dự các khóa đào tạo khích lệ tinh thần kinh doanh, tìm kiếm ý tưởng kinh doanh, các bước để khởi nghiệp…”- Đại diện VCCI Đà Nẵng phân tích. Ông Diễn đề nghị xem lại điều khoản này theo hướng mở rộng đối tượng và điều kiện được hỗ trợ khởi nghiệp.
Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc VCCI Cần Thơ, ông Võ Hùng Dũng cũng đề nghị cần đưa nội dung hỗ trợ tiền khởi nghiệp vào khoản 1 Điều 18 cả Dự luật.
“Theo khảo sát và đánh giá của VCCI Cần Thơ về tình hình khởi nghiệp, DN khởi nghiệp sáng tạo tại ĐBSCL thì vấn đề tiền khởi nghiệp, khơi dậy tinh thần DN, sáng tạo khởi nghiệp là khó khăn và nhiều trở ngại nhất, cụ thể là có nhiều chương trình khởi nghiệp như vườn ươm được triển khai nhưng không có đối tượng khởi nghiệp, không có hạt giống để ươm, ngoài ra, ở ĐBSCL hiện có khoảng 190.000 sinh viên, đây là lực lượng trẻ và tiềm năng cho khởi nghiệp, cần phải có chương trình hỗ trợ tiền khởi nghiệp để thúc đẩy đối tượng này.
Chính vì vậy, tôi đề nghị cần bổ sung thêm chương trình hỗ trợ tiền khởi nghiệp nhằm tạo đầu vào tốt cho các chương trình khởi nghiệp...”- Đại diện VCCI Cần Thơ đề nghị.
Được biết, hiện cả nước có khoảng 515.000 DN, 5 triệu hộ kinh doanh; theo Nghị quyết 35/2016/NQ-CP, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 1 triệu DN hoạt động; trong đó, khu vực tư nhân sẽ đóng góp khoảng 50% GDP, năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm và hơn 30% DN Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.
Nghị quyết 35/2016/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 được xem là quyết sách đầu tiên của Chính phủ và có tầm nhìn dài hạn (5 năm) về phát triển DN.