Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật là những nhân vật cốt yếu quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Tuy nhiên, việc phát triển đội ngũ này đáp ứng yêu cầu cũng không ít "trắc trở" do cả qui định pháp luật và tác động của thực tiễn cuộc sống.
Tăng nhanh nhưng chưa "chất"
Thông tư số 18/2010/TT-BTP của Bộ Tư pháp đã góp phần phát triển của đội ngũ báo cáo viên pháp luật (BCVPL) suốt thời gian trước khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) có hiệu lực. Tuy nhiên, thông tư này không có qui định đối với đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, người được mời tham gia PBGDPL, cũng như chưa có qui định về miễn nhiệm BCVPL, thiếu qui định cụ thể để lựa chọn, rà soát BCVPL. Bà Nguyễn Thị Tố Nga, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp nhận định, đây là một trong những nguyên nhân khiến số lượng BCVPL tăng nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu.
Đánh giá chung của nhiều Bộ, ngành, địa phương, với những qui định còn chung chung về tiêu chuẩn của Thông tư 18, số lượng BCVPL đã không ngừng tăng lên hàng năm. Thậm chí, nhiều cơ quan, tổ chức gửi danh sách đề nghị cấp thẻ BCVPL cho nhiều người đến nỗi Bộ Tư pháp phải đề nghị "tự cắt giảm 50%". Và cũng không theo một tiêu chí cụ thể nào, cơ quan, tổ chức đó đành "bỏ lại" một số trường hợp không đề nghị cấp thẻ BCVPL.
Thêm nữa, do việc đề nghị cấp thẻ BCVPL không thực sự bám sát nhu cầu, điều kiện PBGDPL của Bộ, ngành, địa phương nên tình trạng số BCVPL trên danh sách lên đến con số hàng chục nghìn, nhưng số BCVPL thực sự hoạt động PBGDPL lại chỉ vài nghìn không còn chuyện lạ của Bộ, ngành hay địa phương nào. Đại diện nhiều tổ chức pháp chế Bộ, ngành không ít lần phản ánh có những BCVPL chưa bao giờ thực hiện một hoạt động PBGDPL nào trong suốt thời gian được công nhận là BCVPL.
Ngoài ra, qui định "am hiểu pháp luật về lĩnh vực cần phổ biến" trong Thông tư 18 đối với những trường hợp không có bằng cử nhân Luật mà chỉ có bằng cử nhân khác là quá rộng khiến việc xác định ai đủ tiêu chuẩn này cũng rất tùy nghi.
Vì thế, có những BCVPL khi PBGDPL chỉ đơn thuần đọc lại các qui định pháp luật hay giải đáp các thắc mắc theo đúng từng câu chữ trong văn bản, mà không có sự đầu tư, tìm tòi làm "mềm hóa" những nội dung cần phổ biến khiến người dân quá nản khi phải đi nghe lại những qui định pháp luật khô cứng mà họ có thể tự đọc và tìm hiểu qua nhiều phương tiện khác. Dẫu không phải BCVPL nào cũng làm như vậy, song đã khiến cho PBGDPL khó phát huy được tính thực chất, hiệu quả.
Còn phải kể đến những tác động của xã hội đến chất lượng của đội ngũ BCVPL. Trong khi các BCVPL chủ yếu làm kiêm nhiệm nhưng các qui định hiện hành chỉ dành cho BCVPL khoản bồi dưỡng tương đối phù hợp nên so với nhu cầu và đòi hỏi đầu tư cho công việc PBGDPL thì không thấm tháp gì. Đó là nguyên nhân khiến nhiều BCVPL không thể chuyên tâm cho công tác PBGDPL. Hơn nữa, chính thái độ không nhiệt tình của những đối tượng được PBGDPL cũng khiến nhiều BCVPL "nhụt chí”, đành làm cho xong nhiệm vụ.
Sàng lọc để BCVPL " lượng” đi đôi với “chất"
Vì thế, như nhiều chức danh khác, BCVPL cũng cần phải được thu hút để có được các BCVPL thực sự am hiểu pháp luật, chuyên tâm và có kỹ năng để chuyển tải được các qui định pháp luật "thấm" thành nhận thức của các đối tượng được PBGDPL. Muốn vậy, theo nhiều người làm công tác PBGDPL và pháp chế ở các Bộ, ngành, địa phương, phải có một cơ chế, qui định sàng lọc BCVPL để đội ngũ BCVPL phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền cho rằng, xây dựng và củng cố đội ngũ BCVPL, tuyên truyền viên pháp luật là trách nhiệm của các cơ quan tư pháp, tổ chức pháp chế và lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương. Cần có qui định cụ thể về các giải pháp xây dựng đội ngũ BCVPL, TTVPL bằng cách qui định những nhiệm vụ cụ thể, làm rõ vai trò tham mưu của các cơ quan Tư pháp, tổ chức pháp chế đối với tổ chức và hoạt động của BCVPL, có lưu ý đến các lực lượng BVCPL đặc thù là cần thiết trong điều kiện đã có Luật PBGDPL.
Một thông tư qui định về trình tự, thủ tục công nhận, miễn nhiệm BCVPL, tuyên truyền viên pháp luật và những người được mời tham gia PBGDPL ở cơ sở đang được Bộ Tư pháp dự thảo. Theo đó, BCVPL trực tiếp PBGDPL tại cơ quan, tổ chức nơi mình công tác và tham gia PBGDPL cho các đối tượng khác khi có yêu cầu.
TTVPL chịu trách nhiệm PBGDPL ở xã, phường, thị trấn nơi mình sinh sống. Trong trường hợp cần thiết có thể tham gia hỗ trợ PBGDPL ở xã, phường, thị trấn khác. BCVPL, TTVPL đã được công nhận nhưng không đủ tiêu chuẩn theo qui định tại Điều 35 Luật PBGDPL phải kiện toàn trong thời hạn chậm nhất ba tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
Hải Nhật