Việc áp dụng chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép được coi là một trong những “rào cản hành chính” hữu hiệu để bảo vệ ngành thép trong nước sẽ chính thức hết hiệu lực vào ngày 31-12-2010. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nếu không tiếp tục có rào cản hành chính và đủ mạnh, thép ngoại sẽ tiếp tục tràn vào, gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước và làm lũng đoạn thị trường.
Tổng Thư ký VSA Đinh Huy Tam cho biết, mặc dù, các nhà máy cán thép xây dựng trong nước hiện mới chỉ sử dụng khoảng 70% công suất thiết kế, nhưng năng lực sản xuất thép (chưa kể các dự án đang xây dựng) đã vượt xa nhu cầu gần gấp hai lần. Chỉ tính riêng năm 2010, sản xuất thép cả nước đạt trên 8 triệu tấn/năm, nhưng nhu cầu sử dụng thép chỉ ở mức 5,6 triệu tấn/năm. Điều đáng nói, do được giảm thuế (ít nhất 1% với mỗi mặt hàng) theo lộ trình cam kết gia nhập WTO, lượng thép từ các nước ASEAN, Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng nhiều. Trong khi đó, nhiều năm nay, sản xuất thép trong nước cung vượt xa cầu, tiêu thụ đã khó khăn, mỗi khi thép ngoại tràn vào, chất lượng không đảm bảo, giá bán rẻ hơn từ 500.000 đồng đến 700.000 đồng/tấn, đã đẩy các doanh nghiệp thép trong nước rơi vào tình cảnh khó khăn hơn.
Bốc dỡ phôi thép nhập khẩu. |
Trong khi, Việt Nam vẫn đang loay hoay chưa biết “đối xử” với thép ngoại như thế nào, thì các nước trong khu vực đã thực hiện rất chặt chẽ trong việc kiểm soát nhập khẩu đối với mặt hàng thép. Điển hình là gần hai năm qua, Inđônêxia đã ban hành thủ tục áp dụng giấy phép nhập khẩu đối với một số sản phẩm thép. Mỗi khi doanh nghiệp nước ngoài muốn xuất khẩu thép vào thị trường này phải tuân thủ đầy đủ thủ tục đăng ký, xin giấy phép; doanh nghiệp trong nước phải có báo cáo định kỳ về tình hình nhập khẩu thực tế. Tương tự, tại Malaixia, bên cạnh việc đánh thuế cao (25%) đối với thép nhập khẩu, nước này còn áp dụng giấy phép nhập khẩu cho các loại sản phẩm thép dẹt (cán nguội, cán nóng, tôn mạ kẽm, mạ màu) như HRC (thép cuộn cán nóng), CRC (thép cuộn, tấm lá cán nguội), EGI (thép mạ điện) cho đến nay còn hiệu quả... VSA không ít lần có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương cần sớm có những biện pháp bảo vệ các nhà sản xuất trong nước. Ngày 20-5-2010 Bộ Công Thương ban hành Thông tư 22/2010/TT-BCT về việc áp dụng giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép như thép xây dựng, thép cuộn cán nguội là những sản phẩm trong nước đã thừa công suất so với nhu cầu. Thông qua hình thức cấp giấy phép nhập khẩu tự động sẽ giúp các bộ, ngành thống kê chính xác về số lượng, chủng loại, trị giá hàng hoá nhập khẩu về.
Việc áp dụng thông tư trên vẫn chưa thực sự là “rào cản”. Các doanh nghiệp thép cũng như VSA lại có văn bản kiến nghị thêm một số mặt hàng thép sản xuất trong nước cung vượt cầu quá xa để Bộ Công Thương xem xét bổ sung như: ống thép, thép mạ kim loại và sơn phủ màu, đồng thời điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với sản phẩm sơn phủ màu từ 5% lên 15%. Ngày 27-7-2010, Bộ Công Thương tiếp tục ban hành Thông tư 31/2010/TT-BCT nhằm bổ sung mặt hàng áp dụng giấy phép nhập khẩu tự động được quy định tại Thông tư 22 đối với một số sản phẩm thép. Thế nhưng, theo đánh giá của Tổng Thư ký VSA Đinh Huy Tam, kể từ sau khi hai Thông tư trên được áp dụng, lượng thép nhập khẩu không những không giảm mà ngày càng tăng hơn so với trước.
Nhận thấy, việc áp dụng giấy phép nhập khẩu tự động không mang lại kết quả như mong đợi, Bộ Công Thương cho biết, thời gian gần đây đã có một số ý kiến cho rằng, cần dừng việc áp dụng cấp phép nhập khẩu tự động đối với mặt hàng thép dây cán nóng không hợp kim dạng cuốn cuộn không đều có mã HS 7213 theo Thông tư 22 nhằm bình ổn thị trường hàng hóa cuối năm 2010 và đầu năm 2011. Trước ý kiến trên, ngày 14-12-2010 Bộ Công Thương có văn bản gửi VSA cho ý kiến về sự cần thiết có nên tiếp tục thực hiện các Thông tư 22 và 31 của Bộ Công Thương trong năm 2011 nhằm kiểm soát nhập khẩu cũng như bảo hộ một số mặt hàng thép đang sản xuất trong nước?
Theo Tổng Thư ký VSA Đinh Huy Tam, ngày 17/12/2010, VSA có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương, đồng thời nhấn mạnh “không những tiếp tục duy trì áp dụng chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép mà cần tăng cường, kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này chặt chẽ hơn kể cả mặt hàng thép dây, cán nóng không hợp kim dạng cuộn cuốn không đều có mã HS 7213 (sắt hoặc thép không hợp kim, dạng thanh và que, dạng cuộn cuốn không đều, được cán nóng) theo Thông tư 22 và Thông tư 31”. Tổng Thư ký VSA Đinh Huy Tam cũng nhấn mạnh, việc làm này không chỉ gỡ khó cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước trong việc tiêu thụ sản phẩm mà còn giảm nhập siêu theo mục tiêu đề ra của Chính phủ.
Cả năm 2009, lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam chỉ là 496.000 tấn, nhưng từ sau khi áp dụng chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động, trong 11 tháng của năm 2010, con số này lên tới 475.000 tấn (trung bình hơn 43.000 tấn/tháng), với kim ngạch nhập khẩu gần 250 triệu USD. Dự tính cả năm 2010, các sản phẩm thép nhập khẩu về Việt Nam sẽ vượt trên 500.000 tấn. Điều này không những ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu thụ của các doanh nghiệp trong nước mà còn làm thâm hụt cán cân thương mại. |
Trung Sâm