Dự kiến, dự án Luật sẽ được trình Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới (tháng 5/2018). Trước đó, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đồng thời tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, các cơ quan hữu quan, các chuyên gia, nhà khoa học để chỉnh lý dự án Luật.
Người tố cáo sợ nhất là bị trù dập
Nêu thực trạng hiện nay có việc người dân không biết cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tố cáo, một số đại biểu đề nghị dự án Luật cần mở rộng phạm vi điều chỉnh, quy định rõ cơ quan tiếp nhận tố cáo.
Theo ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật (UBTƯ MTTQ Việt Nam), trở ngại chính khiến người dân ngại tố cáo chính là vì sợ bị trù dập, bị trả thù. Vì vậy dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) cần quy định rõ cơ quan nào chủ trì chính trong tiếp nhận tố cáo. Bên cạnh đó cũng cần quy định rõ cơ quan nào bảo vệ người tố cáo, hình thức bảo vệ như thế nào để người dân đến đúng địa chỉ để thực hiện quyền tố cáo.
“Người ta sợ nên mới có đơn thư “nặc danh”. Chúng ta thảo luận với nhau là có giải quyết tố cáo nặc danh không?...Vì người ta sợ, sợ nhất trù dập. Ai là người bảo vệ chính, cơ quan nào là cơ quan chủ trì chính? Ví dụ như Công an bảo vệ thì họ yên tâm. Còn chính quyền chung chung không cụ thể thì họ có tâm lý e sợ”- ông Thường phản ánh.
Cùng quan điểm này, nhưng PGS, TS Quách Sĩ Hùng, Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị phải quy định rõ trách nhiệm xử lý tố cáo để tránh sự đùn đẩy, bao che cũng như bảo vệ được bí mật cho người tố cáo. Ngoài ra, các cơ quan này phải công khai địa chỉ, số điện thoại để người dân biết trong thực hiện quyền tố cáo.
Ông Hùng cho rằng, trước kia người ta khiếu nại, tố cáo vì bị oan ức, bị xâm phạm đến quyền, lợi ích nên khiếu nại đến tổ chức làm sai. Khiếu nại và tố cáo liền nhau. “Nhưng bây giờ tách ra, riêng tố cáo là “tư tố”. Vì thế trong “tư tố” mà không có cơ chế bảo vệ tốt thì người ta tốt nhất là không tố cáo. Đó là thực tế cuộc sống. Cho nên có Luật và để có tính khả thi thì phải rõ ràng”- ông Hùng đề nghị.
Nên mở rộng các hình thức tố cáo
Cho rằng các quy định về nội dung bảo vệ người tố cáo cần cụ thể, thiết thực để có tính khả thi hơn, ông Phạm Hữu Nghị - Ủy viên Hôi đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật (UBTW MTTQ Việt Nam) kiến nghị Luật không nên thu hẹp mà cần mở rộng người được bảo vệ.
Theo ông Nghị, người được bảo vệ không chỉ là người tố cáo mà phải bao gồm cả những người thân thích của người tố cáo như vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Việc bảo vệ người tố cáo cần tập trung vào các biện pháp bảo vệ thông tin, bảo vệ vị trí công tác, việc làm, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, bảo vệ tài sản, danh dự, uy tín… để khuyến khích người dân thực hiện quyền tố cáo.
Băn khoăn về việc bỏ thời hiệu của hành vi vi phạm pháp luật để tố cáo và giải quyết tố cáo, Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhấn mạnh việc không quy định thời hiệu trong dự thảo Luật sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Do vậy, Luật sư Chiến đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu quy định này để phù hợp với thời hiệu của luật khác tương ứng có liên quan, nhằm tránh việc lợi dụng không quy định thời hiệu trong Luật để tố cáo dẫn đến việc ảnh hưởng đến uy tín người bị tố cáo khi đã hết thời hiệu, cũng như phát sinh trách nhiệm, ảnh hưởng đến thời gian, công sức của cơ quan, tổ chức giải quyết tố cáo.
Tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tập hợp các ý kiến gửi cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan chỉnh lý hoàn thiện dự án Luật nhằm đáp ứng yêu cầu thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm cụ thế hóa được quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền cơ bản của công dân, đảm bảo tính khả thi, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, khắc phục được những hạn chế, bất cập trong Luật Tố cáo hiện hành.