Phòng, chống tham nhũng: “Lò đang nóng thì không ai có thể ngoài cuộc”

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng rất cần sự quyết tâm, đồng lòng của quần chúng
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng rất cần sự quyết tâm, đồng lòng của quần chúng
(PLO) - Mỗi cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội nói chung và của Tổng Bí thư nói riêng, phòng, chống tham nhũng (PCTN) luôn được cử tri đề cập đến vì là một vấn đề “bức xúc mà chưa thể giải quyết dứt điểm”.
 

Mới đây,  tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV tại đơn vị bầu cử số 1 (quận Ba Đình, Tây Hồ, TP Hà Nội), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, các cơ quan chức năng đã thực hiện bài bản nhiều khâu, nhiều bước, tuy nhiên so với yêu cầu vẫn còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là giám định và thu hồi tài sản vẫn là khâu còn nhiều vướng mắc.

Cán bộ tha hóa “đẻ ra” tham nhũng

“Trên nóng dưới lạnh” là cụm từ được cử tri quận Tây Hồ dùng để miêu tả về việc thực hiện công tác PCTN vì theo nhận định của cử tri, công tác PCTN đang “thực hiện không nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương”. Điều khiến cử tri bức xúc nhất là khi các cơ quan chức năng thực hiện công tác PCTN vẫn chưa thể khắc phục được điểm yếu nhất trong công tác này là “không thu được tài sản nên tạo tâm lý cho nhiều kẻ sẵn sàng tham nhũng để “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. 

Ngay trong báo cáo trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 về công tác PCTN, Chính phủ cũng thừa nhận, “công tác PCTN tuy tạo được sự thay đổi tích cực nhưng vẫn chưa thực sự mang tính đột phá. Tham nhũng nhìn chung vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công. Công tác PCTN tại các bộ, ngành, địa phương còn yếu, chưa đồng đều, vẫn còn những hạn chế, yếu kém”. 

Trong đó, hạn chế đầu tiên là ý thức, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp vẫn còn xảy ra. Một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động vô cảm hoặc gây tai tiếng cho bộ máy nhà nước do tham nhũng, lợi ích nhóm. Một số trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi hoặc chiếm đoạt tài sản của người dân, doanh nghiệp, trong đó có trường hợp là thanh tra giao thông, hải quan, cảnh sát, tòa án, phóng viên báo chí…

Một số văn bản, đề án quan trọng phục vụ cho công tác PCTN nhưng chậm được ban hành. Việc rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung khắc phục những sơ hở, bất cập của chính sách, pháp luật vẫn còn chậm, nhất là trong lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, minh bạch để phòng ngừa tham nhũng. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai thiếu đồng bộ, kiểm tra đánh giá không thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa còn hạn chế. 

Vẫn còn hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Một số cuộc thanh tra triển khai chậm so với kế hoạch; còn để kéo dài, nhất là thời gian xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra. Công tác đôn đốc, xử lý về thanh tra có nhiều tiến bộ, tích cực cả về phương pháp cách thức xử lý nhưng tỷ lệ thu hồi, xử lý khác về tiền, tài sản, đất đai còn thấp. Hiệu quả hoạt động của một số cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN chưa đáp ứng yêu cầu (lực lượng còn thiếu, tính chuyên nghiệp không cao, cơ cấu tổ chức chưa hợp lý). Công tác giám định tư pháp còn nhiều bất cập, thời gian giám định dài, kinh phí chi trả giám định lớn, kết luận giám định không thực sự rõ ràng, phải trưng cầu giám định nhiều lần, năng lực chuyên môn của giám định viên hạn chế...

Công tác phát hiện, điều tra tuy có tiến bộ nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, việc xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế còn chưa đạt được tiến độ đề ra; thu hồi tài sản tham nhũng đã được chú ý và có kết quả tích cực hơn nhưng tỷ lệ thu hồi còn thấp; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở nhiều địa phương chưa có chuyển biến mạnh mẽ và quyết liệt.

Theo Chính phủ, những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng đó là do việc tổ chức thực hiện pháp luật còn yếu kém, một số nơi còn buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm, tham nhũng; việc đánh giá trách nhiệm của của cán bộ, công chức trong quản lý còn hạn chế; chế độ trách nhiệm, chế độ công vụ chưa rõ ràng, cụ thể nhất là ở những khâu, quy trình thủ tục liên quan tới công việc của người dân, doanh nghiệp.

Thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực còn bất cập, sơ hở, nhất là trong quản lý tài nguyên, khoáng sản, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quản lý thị trường tài chính, ngân hàng...  Kỷ cương, kỷ luật trên nhiều ngành, lĩnh vực còn buông lỏng; cơ chế kiểm soát thực thi quyền lực qua công tác thanh tra, điều tra, kiểm tra, giám sát hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.

Đội ngũ cán bộ làm công tác PCTN tuy trình độ chuyên môn đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu do đối tượng phạm tội là những người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ chuyên môn cao, kiến thức xã hội rộng, có nhiều mối quan hệ, có nhiều thủ đoạn để che đậy hành vi phạm tội. Các cuộc thanh tra có thời gian ngắn; kiến thức, kỹ năng của cán bộ thanh tra trong việc phát hiện tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng không chuyên sâu, do đó gặp khó khăn, hạn chế trong việc làm rõ dấu hiệu tội phạm để chuyển cơ quan điều tra.

Việc thu hồi tài sản thấp do thời gian giải quyết các vụ án tham nhũng kéo dài (do mất nhiều thời gian giám định thiệt hại) dẫn đến các tài sản là tang vật của vụ án bị hư hỏng, xuống cấp, giảm giá trị khi bán đấu giá. Trong những vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, hành vi phạm tội thường rất tinh vi, nhiều bị can, quá trình điều tra thường phải trưng cầu giám định để xác định hậu quả thiệt hại. Trong khi đó công tác giám định thiệt hại về kinh tế, đất đai… mất khá nhiều thời gian, thiếu sự đồng thuận giữa các cơ quan liên quan.

Trước một loạt những nguyên nhân này, cử tri cho rằng, nguyên nhân “sâu xa” khiến những nỗ lực PCTN vẫn chỉ như “muối bỏ bể” là nạn mua quan bán chức, sự tha hóa biến chất của cán bộ.

Không để “chìm xuồng” án tham nhũng

Bức xúc của cử tri về thực trạng tham nhũng cũng là vấn đề được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ tập trung với rất nhiều giải pháp, đảm bảo “không để chìm xuồng” khi xử lý tham nhũng. Trước Quốc hội, Chính phủ đã đề ra những giải pháp toàn diện để thực hiện PCTN trong thời gian tới. Đó là, tăng cường, tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như: đất đai, tài nguyên khoáng sản; các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, đầu tư nước ngoài, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ…; kịp thời thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là những vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh gây thất thoát, thua lỗ lớn và bức xúc trong xã hội.

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp nhất là những vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo; xác định rõ ràng trách nhiệm phối hợp của các cơ quan liên quan. Kiên quyết xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có sai phạm liên quan đến các dự án lớn thua lỗ, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm.

Tích cực phát huy vai trò của báo chí trong phát hiện tham nhũng, gắn với trách nhiệm của cơ quan báo chí trong việc phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan chức năng để phục vụ việc xem xét, xử lý vụ việc tham nhũng mà báo chí đã phát hiện, đăng tải, đồng thời bảo đảm cơ chế bảo vệ nguồn tin, bảo vệ người tố cáo theo quy định của pháp luật…

Tuy nhiên, như  Tổng Bí thư nói và chia sẻ đánh giá của cử tri Hà Nội về khâu yếu là điều tra và thu hồi tài sản tham nhũng, “PCTN phải làm bài bản, chắc chắn, các đối tượng “tâm phục, khẩu phục” nhưng không vì thế mà trì hoãn, cho “chìm xuồng”. Với niềm tin “người dân đồng thuận, TƯ có thế để làm. Chúng ta phải đi từng bước vững chắc, đồng lòng”, Tổng Bí thư khẳng định: “Lò đang nóng thì không ai có thể ngoài cuộc”. Một giải pháp được Tổng Bí thư hy vọng để tăng hiệu quả cho công cuộc PCTN là sửa Luật PCTN sẽ tập trung để “nhốt quyền lực vào “lồng” lập pháp”. Giao quyền nhưng cũng “cho “roi”, có “đòn” để anh không dám làm, không muốn làm người sai phạm” chứ “không phải kỷ luật nhiều là thành công”.

08 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân vì tham nhũng

Kết quả công tác phát hiện và xử lý tham nhũng từ ngày 01/10/2016 đến ngày 30/9/2017 cụ thể như sau: 

Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngành Thanh tra đã phát hiện 136 vụ, 207 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng (tăng 177% số vụ, 117% số đối tượng so với năm 2016), trong đó: Qua tự kiểm tra nội bộ phát hiện 44 vụ, 56 đối tượng; qua công tác thanh tra 68 vụ, 107 đối tượng; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) 24 vụ 44 đối tượng.

TAND các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 345 vụ với 799 bị cáo (giảm 4,4% số vụ); đã xét xử sơ thẩm 205 vụ, 433 bị cáo về các tội danh tham nhũng (tăng 5,7% số vụ), số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 15,7% (tăng 3,7% so với cùng kỳ). Có 08 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân (tăng 60% so với cùng kỳ năm 2016). 

Các vụ án, vụ việc tham nhũng gây thiệt hại trên 1.521 tỷ đồng và 77.057m2 đất; đã thu hồi 329 tỷ 691 triệu đồng, 314.000USD và 3.700 m2 đất; kê biên 05 bất động sản, 01 xe ô tô Lexus; 01 xe ô tô Audi; 01 xe ô tô Porche và dây chuyền trị giá 1,6 triệu USD (năm 2016 tỷ lệ thu hồi đạt 38,3%). Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) đã thụ lý 415 việc thuộc nhóm tội tham nhũng, tương ứng với số tiền là 6.051,4 tỷ (thụ lý mới 171 vụ việc (tăng 163%), với số tiền 5.110,9 tỷ đồng), đã giải quyết xong 117 vụ việc (tăng 5% so với vụ việc được giải quyết), tương ứng với số tiền 1.154,5 tỷ đồng (tăng 12.2% so với cùng kỳ năm 2016).

Đọc thêm

Bảo vệ và giáo dục quyền con người được thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc
(PLVN) - "Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Sáng 11/12, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...