Băm nát đất rừng làm trang trại, xây nhà sàn!
Ngày 1/7, tại khu vực đầm Sòi (tổ 2, phường Thịnh Đán), người dân vẫn cặm cụi gặt lúa. Theo chỉ dẫn của người bản địa, phóng viên tìm vào khu vực đầm Sòi để mục sở thị trang trại tại đây.
Người dân nói, trang trại này được xây dựng từ trước, riêng căn nhà sàn đồ sộ mới được xây dựng gần đây. Theo quan sát, trên phần đất bờ đầm Sòi, một ngôi nhà sàn kiên cố, mái ngói đỏ với diện tích rất lớn được gấp rút hoàn thiện. Chủ trang trại và căn nhà sàn này được xác định là của ông Nguyễn Thành Trung, em trai Chủ tịch UBND phường Thịnh Đán Nguyễn Hữu Quang.
Trả lời phóng viên, ông Nguyễn Hữu Quang, thừa nhận, đó là trang trại và là nhà sàn của ông Trung. Ngoài việc “sở hữu” phần diện tích nói trên, ông Trung còn là người đứng tên trong hợp đồng thuê hơn 21 nghìn m2 đất đầm Sòi. Thực tế, diện tích đất 21.000m2 này, trước đây do ông Quang đứng tên, nhưng khi đảm nhiệm vị trí chức trách ở phường Thịnh Đán, ông Quang đã “sang tay” số đất trên cho em trai mình.
Cán bộ địa chính phường Thịnh Đán, ông Trương Đăng Hải, nói rằng trang trại và nhà sàn của em trai Chủ tịch phường Thịnh Đán được “xây dựng vị trí tổ 1, thửa 218, diện tích 2.261m2”. Mở tờ bản đồ địa chính do phường đang quản lý, ông Hải khẳng định đây là loại đất “rừng trồng”.
“Trang trại của cậu ấy nằm ở tổ 2. Cậu ấy là xã viên HTX nông nghiệp Thịnh Đán, nguồn gốc đất mà Trung xây trang trại thì tôi chưa kiểm tra!” – ông Quang nói – “Việc xây trang trại và nhà sàn ở đó có vi phạm hay không thì … cái này phải đợi kiểm tra”. Cũng theo ông Quang, phần đất trang trại và xây nhà sàn của ông Trung đã chuyển đổi mục đích sử dụng hay chưa thì “tôi không nắm được. Cái này cứ hỏi cơ quan chuyên môn, địa chính, phòng tài nguyên môi trường thành phố”.
Ông Quang cho rằng, ông Trung xây nhà sàn chỉ để trông coi trang trại.
Chưa có nhà ở!
Chủ tịch phường Thịnh Đán khẳng định, “Trung bây giờ có nhà ở tổ 22, có trang trại ở tổ 2. Trang trại làm từ 2002, còn nhà mà Trung đang ở là đất bố mẹ tôi để lại cho Trung toàn bộ. Đất rộng lắm, 4.000 – 5.000m2”.
Tuy nhiên, nhu cầu về đất ở không dừng lại ở đó. Tài liệu điều tra của phóng viên cho thấy, năm 2010, ông Trung đã làm đơn gửi phường Thịnh Đán xin chuyển đổi mục đích sử dụng (thành đất ở và đất vườn) hơn 558m2 đất ruộng tại tổ 22. Đây là phần đất mà ông Trung đã mua lại của người dân bản địa. Lý do chuyển đổi mục đích sử dụng đất, theo đơn của ông Trung là do “chưa có nhà ở”. Đơn này, lập tức được ông Quang ký và đóng dấu xác nhận “nhất trí và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết cho gia đình ông Trung” để chuyển lên TP. Thái Nguyên để xử lý theo quy trình.
Có nhà ở và trang trại, nhưng chủ tịch phường Thịnh Đán vẫn xác nhận vào đơn của em trai là "chưa có nhà ở". |
“Nhu cầu của con người là vô cùng, người ta có nhà chỗ này nhưng việc làm ăn kinh tế lại ở chỗ khác. Đó là việc bình thường”, ông Quang, nói.
Ông Quang cũng không bình luận trước thông tin nói rằng tại phường Thịnh Đán, hiện nay có gần 300 hồ sơ xin làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa được giải quyết, bởi “từ khi tôi làm chủ tịch phường thì tôi đã giao cho một đồng chí phó chủ tịch chịu trách nhiệm. Cái này thì để tôi kiểm tra”.
Việt Hưng