Với tổng nguồn vốn này, Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu cấp điện cho khoảng hơn 870.000 hộ dân của 6.811 thôn bản của 2.197 xã; Cấp điện cho 2.638 trạm bơm quy mô vừa và nhỏ 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long kết hợp cấp điện cho nhân dân; Cấp điện lưới quốc gia hoặc nguồn điện năng lượng tái tạo cho các đảo còn lại, bao gồm: đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị); Thổ Chu, An Sơn, Nam Du (Kiên Giang); Ninh Tân, Ninh Đảo, Điệp Sơn, Bích Đầm (Khánh Hòa).
Bên cạnh đó, Bộ đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án cấp điện cho Côn Đảo. Nếu được cho phép, dự kiến nguồn vốn giai đoạn này sẽ tăng thêm 4.800 tỷ đồng.
Dự kiến, ngân sách nhà nước sẽ cấp tối đa 85% tổng vốn đầu tư các dự án, số vốn còn lại sẽ do các địa phương và Tập đoàn điện lực Việt Nam tự thu xếp.
Trong đó, được ưu tiên sử dụng các nguồn vốn ODA và vốn ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, huy động vốn xã hội hóa bằng các cơ chế chính sách đầu tư nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ. Ngoài ra, Bộ Công Thương đang đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) để thực hiện Chương trình chuyển đổi năng lượng bền vững, dự kiến bổ sung thêm khoảng 71 triệu EUR.
Được biết, giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn vốn giao để thực hiện Chương trình này là 4.743 tỷ đồng (trong đó ngân sách cấp 2.218 tỷ đồng) cấp điện cho hơn 200.000 hộ ở 17 xã; 89 trạm bơm và 3 đảo (Bạch Long Vỹ, Nhơn Châu và đảo Trần).