Gia đình ly tán, sống thiếu thốn tình mẫu tử, phụ tử, đau lòng hơn, những đứa trẻ " ở phía sau hai người chia tay", ngây thơ vô tội còn bị người ta chiếm đoạt luôn tài sản mà lẽ ra chúng được hưởng...
Hình minh họa |
Từ chiêu độc của mẹ kế...
Biết bao bậc cha mẹ sau khi ly hôn mải vui với duyên mới mà đã quên tình máu mủ ruột già. Mỹ Liên (Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội) mới 16 tuổi mà trông đã héo hon, ủ dột, kể: “Lên 13, bố mẹ ly dị, cháu về sống cùng với bố. Mấy đời bánh đúc có xương... Bố đi công tác triền miên, ở nhà mẹ kế của cháu là bà Kim mặc sức hắt hủi, đánh chửi”. 13 tuổi nhưng cô bé ấy phải làm mọi việc trong nhà, nấu cơm, giặt quần áo. Liên nhiều lần bị bà Kim đánh thâm tím mặt mày, chân tay, không đi học được. Bố về, Liên muốn khóc và kể lại cho bố nghe mọi chuyện. Nhưng nghĩ đến đôi mắt sắc lạnh của bà Kim, cô bé ấy lại không dám.
Không biết bố Liên nghe mẹ kế tỉ tê thế nào, mà quay sang đánh chửi Liên là con nhà mất dạy. Buồn chán, Liên bỏ nhà gia nhập đội ngũ “gái gọi”. Đời Liên cứ thế trượt dài cho đến ngày vào trại cải tạo, phục hồi nhân phẩm. Trở về cuộc sống bình thường khi tuổi đời còn trẻ, Liên muốn làm lại từ đầu. Nhưng vừa về đến nhà, bà Kim đã đuổi Liên đi và tìm mọi cách để chồng từ con nhằm tính chuyện sau này Liên không được thừa hưởng quyền thừa kế thì bà Kim sẽ là người được hưởng tài sản của chồng.
Đến sự vô lương của cha dượng
Trường hợp bị cướp mất quyền lợi vật chất như cô bé Liên không phải là hiếm. Sau bao cuộc cãi vã, giảng hòa không kết quả, vợ chồng anh Thanh Trung và chị Hồng Nghị (Láng Hạ, Hà Nội) cùng nhau đưa đơn ra tòa. Đứa con trai 5 tuổi được toà xử cho ở với mẹ. Chị Nghị đã cùng con chuyển nhà đi nơi khác, mong quên quá khứ buồn. Để bù đắp tình cảm thiếu hụt cho con trai, chị Nghị yêu chiều nó hết mực. Chị tự nhủ sẽ ở vậy nuôi con nên người. Chị chăm chỉ làm việc tối ngày, không quản mưa nắng kiếm tiền nuôi con. Dù thiếu sự dạy bảo của người cha, Hiếu vẫn là đứa con ngoan ngoãn, biết nghe lời mẹ. Cuộc sống của mẹ con chị Nghị sẽ cứ thế yên bình trôi đi, nếu không có một ngày...
Nơi gần cơ quan chị làm có người đàn ông góa vợ luôn để mắt tới chị. Anh ta thường giúp chị sửa xe, bê đồ cho chị. Thỉnh thoảng lại đến nhà thăm mẹ con chị. Chị Nghị cố nhủ lòng không yêu ai, nhưng những cử chỉ, ánh mắt của người đàn ông tên Hoàng đó đã cuốn hút chị. Bé Hiếu lên 7 tuổi cũng là lúc chị tổ chức hôn lễ, sống chung với người đàn ông ấy.
Thời gian đầu, Hoàng tỏ ra rất yêu quý con riêng của vợ. Hoàng đưa đón bé Hiếu đi học ngày ngày và rất hay mua quần áo cho bé. Sống cùng nhau chưa đầy 2 năm, chị Nghị qua đời vì tai nạn giao thông. Sóng gió đến với đứa bé mồ côi mẹ bắt đầu từ đó. Người bố dượng trở mặt lạnh nhạt, tìm cách chạy giấy tờ để chiếm đoạt toàn bộ tài sản, nhà cửa chị Nghị để lại.
Có tiền trong tay, Hoàng đưa một người đàn bà đến ở nhà mình rồi đuổi bé Hiếu ra khỏi nhà. Bơ vơ, đói khát, Hiếu nghĩ tới bố mình ở Láng Hạ (Hà Nội). Lần từng bước tìm về nhà cũ hy vọng được bố chở che. Nhưng niềm hy vọng của Hiếu vụt tắt khi biết bố đã chuyển nhà. Bơ vơ, chán chường, Hiếu lao vào cuộc sống lang thang đầu đường, xó chợ, nay đói mai no và nhập vào nhóm bụi đời lúc nào chẳng hay.
Đằng sau bản án ly hôn, những đứa trẻ tội nghiệp phải gánh đủ thiệt thòi cả tình cảm lẫn vật chất. Khi quyền lợi bị xâm hại nghiêm trọng, rất ít đứa trẻ biết cách tìm đến những nơi trợ giúp pháp lý. Bởi vậy, chúng vẫn từng ngày từng giờ chịu mọi thiệt thòi, chịu để người ta giành những gì đáng ra phải thuộc về chúng.
Ly hôn là điều chẳng ai muốn. Vì những lý do riêng, các cặp vợ chồng phải đưa nhau ra tòa. Nhưng xin đừng quên việc chăm sóc con cái mình và quan tâm đến tương lai lâu dài của trẻ nhỏ. Đừng để những đứa trẻ vô tội chịu bất hạnh thêm một lần nữa.
Thùy Dương