Bỏ vợ con theo gánh lô tô
Từng một thời, cái tên “Trang Kim Sa” nổi danh khắp các sân khấu lô tô. Ông bầu nào mời được “bà hoàng lô tô” thì đêm đó “cháy” vé, đoàn làm ra ăn nên. Phiêu bạt nay đây mai đó hơn 30 năm, “bà hoàng lô tô” dù ở tuổi 62 vẫn chưa chịu giải nghệ, lửa nghề vẫn hừng hực trong tim. Chỉ khi, một cơn tai biến bất ngờ kéo đến khiến liệt cả người, không còn sức khỏe, “bà hoàng” mới chịu rút lui…
Một chiều mưa, tìm đến căn nhà trọ ọp ẹp, ẩm thấp và ngập nước mỗi khi trời mưa của đôi vợ chồng mà người ta vẫn hay gọi “hai người phụ nữ”. Đôi vợ chồng đó là “Trang Kim Sa” tức ông Ngô Văn Sang (SN 1950) là chồng và bà Hai tức Lê Thị Kim Ngân (SN 1951) là vợ. Bà Hai tươi cười đón khách lạ.
Không trà, không nước, căn phòng nhỏ thuê 800 nghìn đồng mỗi tháng bề bộn, chật hẹp, khách và chủ ngồi trên chiếc giường mà ông Sang dành riêng cho mình. Phần bà Hai ngủ ở chiếc võng hoặc ghế salon của một người dân thương tình cho.
Dù khách hỏi về đời tư, về những câu chuyện buồn nhưng cả bà Hai và ông Sang đều vui vẻ chuyện trò. Bà Hai kể: “Nhà tôi ở chợ Cầu Muối, còn ông ấy ở Chợ Lớn. Tôi có một người dì, nhà sát bên nhà ông Sang. Nhà nghèo, cha mẹ tôi mới gửi sang nhà dì để phụ việc”. Hồi ấy, bà Hai mới chừng 14 tuổi, nhà kế bên – một chủ vựa trái cây có đứa con trai út cùng trang lứa. Hai bên nhìn qua, nhìn lại rồi quen biết. Nhưng bà Hai không dám mơ cao sang, nhà bà nghèo, còn “cậu út” kế bên giàu có, chỉ “ăn no với đi học”.
Một năm sau ngày bà Hai sang ở kế bên, mẹ ông Sang chết vì bệnh. Người cha chạy giặc ở Campuchia vừa về tới. Ít năm sau, cha ông Sang không may bệnh nặng qua đời. “Lúc đó, tôi 17 tuổi, cha mẹ chết, tiền đâu mà thi lên đại học. Tôi quyết định đi lính. Tôi chọn lính không quân. Đi lính được ít năm thì giải phóng” ông Sang kể.
Không hiểu từ lúc nào, bà Hai thương ông Sang. Thương nhau, rồi về ở chung chứ không cưới xin, không đăng ký kết hôn. “Đó là năm 1977. Ở với nhau chừng 2 năm, có một đứa con gái. Lúc con gái mới 1 tháng tuổi, ổng bỏ theo đoàn hát lô tô phiêu bạt khắp nơi. Thời gian đầu thì còn về nhà nhưng sau đó biệt tăm”, bà Hai kể.
Nghe bà Hai bảo mình bỏ nhà đi, ông Sang phân trần: “Lúc đó, bà Hai thương tôi kiểu khác, không hiểu tôi. Tôi thương không phải tình cảm nam nữ. Tôi lại mê ca hát nên thấy không thể ở lại với vợ con được nữa. Tôi và bà Hai không có mâu thuẫn hoặc buồn gì mà tôi phải bỏ đi. Vì bà ấy không hiểu tôi”. Ông Sang ám chỉ ông là “phụ nữ”, ông muốn sống thực với chính giới tính.
Ở địa phương, ông Sang mê hát, giọng ông trầm ấm hát được cả cổ nhạc, tân nhạc, belero… Ông hay đi hát đám cưới, đám ma. Một lần, ông đi hát đám cưới ở Củ Chi, gặp một đoàn ca nhạc từ Tây Ninh đang lưu diễn. Ông hát xong, một người trong đoàn đến bắt chuyện làm quen. “Người này nói tôi hát hay nên muốn giới thiệu cho ông bầu. Thế là cơ duyên, nghiệp diễn của tôi đến. Tôi hát thử 2 đêm và vào đoàn luôn”.
Ánh đèn sân khấu, cái máu nghệ sĩ chất chứa trong người, ông Sang bỏ vợ con theo đoàn. Ban đầu, năm 1979, ông Sang lấy nghệ danh là Nhật Huy. Tiếng hát của Nhật Huy được nhiều người yêu mến. Thấy ông hát hay, được nhiều người mến mộ, những người trong đoàn thường gọi ông là “Trang Kim Sa”. Thấy tên hay, lại phù hợp với “giới tính thật”, ông Sang lấy làm nghệ danh.
Gánh lô tô lang bạt khắp mọi miền, lúc thì ở miền Tây, lúc miền Trung rồi ra tận miền Bắc. Nhưng ông Sang không than vãn, không buồn. Bởi lẽ, ở những gánh lô tô, ông mới được sống thật, sống đúng là một “pê đê” mà không bị người đời chê cười, kỳ thị.
“Tôi bắt đầu nuôi tóc dài, chăm chút cho cơ thể. Càng có tuổi, da bắt đầu xuất hiện nếp nhăn. Tiền bạc không có, mấy chị em trong đoàn bày nhau tự xử. Tôi bơm môi, bơm silicon vào mặt cho căng mọng, tự sửa mũi cho cao, thẳng hơn, bơm cả ngực cho giống phụ nữ. Hồi ấy, không cần bác sĩ, tự làm hết. Có mấy đứa chết vì tự phẫu thuật, tự nâng mũi, gọt cằm…”.
Hơn 30 năm không về nhà, ông Sang sống đúng với “giới tính” dù cái nghiệp hát lô tô không hề khá giả và sung sướng. Dường như, ánh đèn sân khấu đã cướp đi của bà Hai một người chồng, cướp đi một người cha. Ở những gánh lô tô, ông Sang không còn là “đàn ông” mà được mệnh danh là “bà hoàng”.
Ông Sang dù tai biến, đi lại khó khăn nhưng vẫn bán vé số làm thu nhập chính cho 2 vợ chồng. |
Những thập niên 80 của thế kỷ trước, hễ đêm nào có treo bảng quảng cáo “Trang Kim Sa” là đêm đó “cháy” vé. Các ông bầu thi nhau chiêu mộ “Trang Kim Sa” về đoàn. Nhưng trong suốt 30 năm, ông Sang tưởng mình đang sống thật thì cuộc đời lại cho ông thấy, ông đang sống đời “tầm gửi” như con thiêu thân gặp đóm lửa.
Đêm đêm, ông Sang tô son, điểm phấn, quần áo thướt tha, giả gái say mê ca hát, say mê hô lô tô dưới ánh đèn chớp nháy. Cứ như thế, ông cùng “chị em” sống nay đây mai đó, mang tiếng hát, con cờ và cái phận “pê đê” làm niềm vui cho thiên hạ.
Nếu không bị “tai biến” tôi còn chưa trở về
Phần bà Hai, sau khi ông Sang bỏ đi, bà một mình nuôi con. Bà nghe người ta bảo ông Sang theo bồ nhí, theo đào ở đoàn hát. “Tôi giận lắm. Tôi tự nghĩ “ông đi kệ ông, tôi làm tôi ăn”. Bao nhiêu năm nuôi con, bà Hai làm đủ nghề. Bà phải chạy ăn từng bữa, chạy từng khu nhà trọ. Suốt 30 năm bỏ đi, ông Sang không một lần thăm nhà, không một lời hỏi vợ con. Và bà Hai cứ mặc kệ.
“Sáu năm trước, người chị dâu gọi cho tôi nói “thằng Sang nằm ở bệnh viện ngoài Nha Trang (Khánh Hòa), mày coi tìm cách ra đó đón nó về. Dù gì cũng là vợ chồng”. Bà Hai giận thật nhưng cũng thương thật: “Giờ tôi bỏ, chắc ổng chết ngoài đó. Dù không còn tình cũng còn nghĩa. Lúc đó, tôi đang phụ quán nhậu, lương 3 triệu 1 tháng. Tôi vay thêm của chủ quán, gửi ra cho ông ấy để có tiền trả viện phí và đi xe đò về Sài Gòn”, bà Hai kể.
Bà Hai cứ tưởng ông Sang vẫn là “ông”. Nào ngờ, sau hơn 30 năm gặp lại, bà Hai sững sờ khi ông Sang đã thành “đàn bà”. Môi bơm, xăm chân mày, mũi sửa cao vút, mặt căng bóng và… bộ ngực to lớn. Ông Sang trở về, không một chút tài sản. Trên tay chỉ vỏn vẹn một con chó lông xù màu trắng.
Thương người chồng, vì nghĩa, bà Hai đành phải nhịn bớt một phần tiền từ đồng lương phụ quán nhậu của mình để ông Sang đi chữa bệnh. “Tôi gửi ổng xuống Bến Tre, vào một ngôi chùa để điều trị. Mỗi tháng tôi dành ra 2 triệu gửi cho ổng, còn tôi tiêu xài 1 triệu. Được đôi ba tháng, ổng bớt bệnh, tôi mới đi kiếm nhà trọ thuê. Và nó là cái nhà trọ ở tới giờ này”, bà Hai kể tiếp.
Ông Sang ở trọ một mình, mỗi tháng, bà Hai chia đôi số lương của mình cho chồng. Một lần, bà về nhà trọ, không thấy ông Sang đâu. Bà đi tìm thì những người xung quanh nói “ông Sang đi bán vé số”. Kể từ đó, bà dọn hẳn về ở với ông Sang để chăm lo, cơm nước.
Người xung quanh kỳ thị bởi vì ông Sang là “pê đê”. Ông tập mặc đồ đàn ông để người xung quanh không để ý. Nhưng khuôn mặt căng mọng, mũi sửa, môi bơm, chân mày xăm đậm và… bộ ngực không thể che đi được quá khứ. Nhưng ông Sang mặc kệ. Ông bảo giờ không ai lo cho ông ngoài bà Hai nên phải tự lo, tự “cứu lấy mình”.
Mỗi ngày, đôi vợ chồng “hai phụ nữ” dậy từ sớm, bà Hai phụ dọn nhà, lau chùi, giặt quần áo cho một nhà giàu trong khu vực và được trả công 60 nghìn đồng. Ông Sang bán vé số. Buổi trưa, bà Hai về lo cơm nước. Ông Sang ăn đôi miếng rồi tiếp tục bán buổi chiều.
Ông bước những đôi chân nặng nhọc trên đường phố. Đôi chân bị tai biến tưởng liệt, không đi được nhưng bằng sự cố gắng, ông Sang tập đi dần dần. Cánh tay bên phải xụi lơ vì tai biến. Mỗi ngày, ông bán được chừng 100 tờ vé số. Đôi lần bị bọn xấu giật vé số, đổi vé giả. Nhưng ông Sang ngộ ra rằng “Cứ kệ, cuộc đời mà”.
Cuộc sống của ông Sang, bà Hai chật vật, thiếu thốn trăm bề. Bạn bè ông Sang – những người cùng nghiệp hát lô tô thường tới thăm, còn người thân thì vắng bóng. Đứa con gái duy nhất của ông bà nay đã hơn 40 tuổi. Cuộc sống không khá mấy nên lâu lâu mới ghé thăm “cha mẹ” một lần: “Mình cứ nương nhau mà sống tuổi già. Giờ còn gì nữa mà phân biệt cái ấy (tức giới tính).
Mong trời thương, cho hai người già này được khỏe mạnh. Giờ mà bệnh tật ai lo, tôi lo cho ổng, ổng lo cho tôi chứ còn ai nữa. Những gì quá khứ cứ bỏ qua. Dù bây giờ ổng cũng mê hát lắm. Nhưng mình phải sống thật với thực tại”, bà Hai chia sẻ.
Cái gì khiến bà Hai dám cả gan nhận một người bệnh thập tử nhất sinh về ở cùng, chăm sóc. Quá nửa đời người, ông Sang phiêu bạt, bà Hai vẫn chung tình như cũ. “Tôi thương ổng thật. Còn ổng chọn con đường khác, sống đúng với bản thân là quyền của ổng. Tôi không cản”, bà Hai nói. Có lẽ, chỉ có tình yêu mới khiến bà Hai “giận mà thương” ông Sang đến mức bây giờ.