Trước đây 10 năm, vì nạn phá rừng mà dãy núi Trạc Nai thuộc xã Yến Mao (Thanh Thủy - Phú Thọ) trở nên hoang tàn, trơ trọi. Không ai tin được cái nơi bị ngự trị bởi đá, sỏi và lau lách ấy nay lại bừng lên một màu xanh ngút ngàn của bạch đàn, keo tai tượng… Và càng không thể tin được người chăm bẵm cho rừng cây ấy lại là một gã lâm tặc khét tiếng một thời.
Đồi chè 3ha của Nguyễn Văn Hòa |
Từ cầu thủ bóng chuyền
Về khu 4, xã Yến Mao (Thanh Thủy – Phú Thọ) hỏi ai cũng biết Hòa “Trâu” – một "tên lâm tặc" từng nổi đình, nổi đám bởi những chuyến buôn gỗ khắp các tỉnh Tây Bắc. Dân buôn gỗ lậu biết tới cái tên Hòa “trâu” sừng sỏ không phải vì gã có thân hình to cao, vạm vỡ, mà vì gã làm khỏe bằng hai, ba người khác. Đôi mắt gã lầm lì, lúc nào cũng như sưng húp khiến ai gặp lần đầu tiên cũng thấy rờn rợn.
Gã tên thật là Nguyễn Văn Hòa, sinh năm 1963 trong một gia đình có 9 anh chị em. Bố mẹ là dân nhập cư, làm nghề nông nhưng vẫn cố nuôi Hòa ăn học cho bằng bạn bằng bè, và cũng mong gã có một tương lai sáng hơn những anh chị của mình.
Ngày nào cũng vậy gã đạp xe 15 cây số tới trường, tan học lại lóc cóc đạp xe về nhà. Cảnh nghèo túng đã khiến Hòa tập tành buôn gỗ ngay từ khi còn học trung học phổ thông. Khi ấy, đợi trời tối xẩm là gã lại thồ từng tấm gỗ mua được của người dân ở gần nhà đem bán cho những kẻ có máu mặt trong giới buôn gỗ lậu ở vùng xuôi. Gã thường xuyên nghỉ học để có thêm thời gian đi “tăm” gỗ. Bạn bè ai cũng bảo gã ngông nghênh và cũng chính tính ngông và “máu” kiếm tiền ấy đã làm đứt gánh nghiệp bút nghiên của gã.
Thôi học cấp III ngang chừng, gã được gọi vào đội tuyển bóng chuyền của Lâm trường Tam Thắng vì gã có sức khỏe và năng khiếu. Với sự nhạy bén và cách chơi bóng điêu luyện nên Hòa được tham gia thi đấu cùng đội tuyển trong khắp các tỉnh phía Bắc. Cuối năm 1980, Hòa được tham gia giải đấu bóng chuyền toàn quốc. Tưởng rằng gã sẽ theo nghiệp bóng chuyền mà quên chuyện buôn gỗ nhưng không ngờ “máu” kiếm tiền lại nổi lên một lần nữa.
Thành kẻ buôn gỗ lậu
Từ một cầu thủ bóng chuyền của lâm trường, Hòa trở thành lâm tặc tự lúc nào không hay. Thấy làm ăn dễ dàng nên Hòa bỏ luôn nghiệp cầu thủ bóng chuyền để lao vào buôn gỗ. Làm ăn được nên Hòa sắm sửa ô tô tải trọng lớn, một thời gian sau gã đã có vốn hàng tỉ đồng. Hòa còn thuê hai lái xe trả lương tháng để chuyên chở gỗ lậu từ mạn Tây Bắc về xuôi.
Cũng vì thế mà tên tuổi Hòa nổi đình, nổi đám khắp vùng Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái... Trong giới buôn gỗ phía Bắc không ai không biết gã. Cứ nghe tin ở cánh rừng nào có gỗ quý, dân phá rừng mạnh là gã săn đón. Đối với người ở quê Hòa còn mua trâu cho các hộ dân kéo gỗ thuê từ rừng ra, khi tính tiền công Hòa gán luôn trâu cho họ. Hòa nhờ sự quen biết và đồng tiền để cho gỗ xuôi sông Đà. Những tay cướp gỗ lậu khét tiếng trên con sông Đà nhìn thấy bè gỗ của Hòa cũng phải nể nang dăm, bảy phần.
Năm 1995, sau khi nhận tiền thuê của một trùm gỗ lậu vùng Tây Bắc khác tên Tư “liều”, Hòa cho đàn em chở hai xe gỗ lậu về Hà Nội bán; trên đường vận chuyển bị Công an tỉnh Phú Thọ bắt giữ. Cuối năm 1995, Hòa bị Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ xử 12 tháng án tù treo với tội danh Vi phạm các qui định về quản lý, bảo vệ rừng.
Hết thời hạn thử thách, Hòa tiếp tục ngựa theo đường cũ. Lần này, Hòa chỉ đi thu gom gỗ các vùng bằng ôtô, sau đó tập kết về nhà rồi đóng bè đi xuôi sông Đà. Sau mỗi chuyến hàng Hòa lại có mặt ở Hà Nội để ăn chơi, đàn đúm. Với gã đã em út thì phải “giò đẹp như măng” gã mới cho hầu.
Cuối năm 2000, Hòa bị bắt vì tội danh Đánh bạc. Những người bạn nhậu nghe tin Hòa bị tạm giam liền đến nhà nói với vợ gã cứ đưa tiền cho họ, họ sẽ lo cho gã về nhà.
Hòa cũng không thể ngờ rằng sau những tháng ngày tạm giam trở về nhà thì cuộc đời gã lại ngoặt sang một hướng khác.
Hành trình tìm lại màu xanh cho rừng
Sau bốn tháng tạm giam và xét xử với 21 tháng tù treo, Hòa trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình. Nghe vợ kể chuyện xảy ra ở nhà, vợ gã mới biết bị lừa hết sạch tiền. Lúc ấy Hòa suy sụp nhiều lắm, gã ngẫm nghĩ rồi tự thấy mình nợ rừng nhiều quá, món nợ lớn nhất là tiếp tay cho nạn phá rừng và hậu quả là gã đã hai lần sa vào vòng lao lý.
Gã ra giếng muốn múc một chậu nước, úp mặt vào đó cho tỉnh táo, thả dây gầu xuống giếng mà mãi không thấy nước đâu. Tức mình gã buông tay cho gầu rơi xuống đáy… rồi gã nhìn về phía rừng Trạc Nai ngẫm nghĩ, xưa kia rừng xanh tốt là thế, nước các khe đổ về đồng ruộng không bao giờ cạn mà giờ đây nước không có mà ăn, cây cối thì trơ lá vì đất đai cằn cỗi. Sau nhiều đêm trăn trở, cuối cùng gã quyết định phải tìm lại một màu xanh cho rừng.
Khu rừng Trạc Nai có những ngọn núi cao, đất trơ cằn, sỏi đá và lau lách, vì thế không hộ dân nào dám nhận trong đợt khoán rừng đầu năm 2001. Vậy là Hòa đứng ra nhận lại toàn bộ những khoảnh rừng khó nhất, trơ cằn nhất. Gã còn nhận thêm mấy hecta ao, đất dưới chân núi để nuôi cá, trồng chè với mục đích lấy ngắn nuôi dài.
Cũng từ đấy, gia đình gã ai cùng ngạc nhiên khi gã bỏ rượu, bỏ thuốc lá để tu chí làm ăn. Gã kể lại những ngày tháng đầu tiên cũng là những ngày cực khổ nhất: Tôi leo khắp dãy Trạc Nai để tìm hiểu địa hình, sau hai ngày đi khắp 110 ha, tôi ngán ngẩm khó thế nên bà con không ai nhận khoán là phải. Về đến nhà gã lại nhìn lên khu núi trọc trơ ấy và nảy sinh ra ý tưởng: “Phải đánh đường lên núi thì mới có thể cải tạo được những khu đất trống đấy”.
Vậy là, ngày nào cũng thế gã dậy từ gà gáy cùng vợ và mấy anh em trong họ đánh đá mở đường lên núi Trạc Nai. Để có tiền các anh em Hòa đã đứng tên vay ngân hàng mượn tiền cho Hòa làm vốn. Nhưng như thế cũng chưa đủ, gã quyết định cứ thu được lứa chè, lứa cá nào là dồn tiền đầu tư cải tạo khu núi trọc trơ ấy.
Thời gian trôi qua, những anh em của gã bỏ cuộc dần, gã phải thuê chục người thanh niên trong làng phụ giúp. Sau hơn 7 tháng ròng rã cuối cùng con đường rộng hơn 4 mét, dài hơn 4km lên tận đỉnh núi đã được hình thành.
Những ngày tháng tiếp theo cũng vất vả không kém, gã lại đi phát hết lau sậy, bổ hố, trồng từ chân lên đỉnh. Do thiếu tiền nên gã áp dụng chính sách thu chè, cá đến đâu lại mua cây trồng rừng đến đấy. Gần 3 năm trôi qua, cuối cùng gã cũng phủ kín hơn 110 ha với gần 30 vạn cây Bạch đàn và Keo tai tượng.
Gã làm lán rồi sống lầm lũi và lao động luôn trên núi. Những ngày nắng chói, đất khô cằn gã phải ra sông Đà bơm nước vào thùng phi rồi dùng xe Zin 130 chở lên tận đỉnh, rồi lại ròng dây bơm xuống từng gốc cây. Nhiều người nhìn thấy thế cho là gã bị điên, đổ tiền lên núi rồi có ngày chết đói cho coi. Hòa nghe người thân kể lại, chỉ tặc lưỡi rồi mỉm cười. Mỗi khi mưa đường trơn ô tô không lên được gã lại đích thân chở phân và cây giống bằng xe Min lên.
Ngày này nối tiếp ngày khác, quần quật với rừng, sống bằng gạo và thức ăn khô do vợ đem lên, cả tháng không về nhà, khi phủ kín toàn bộ khu rừng trọc gã mới dám nghỉ.
Theo gã lên núi bằng chiếc xe Min, được nửa đường tôi bảo xuống vì tôi sợ cung đường núi quanh co, nhìn xuống dốc thăm thẳm. Rừng cây bừng lên một màu xanh tốt. Gã chỉ tay vào một cây: “Chú xem đi, cây này vanh gần 1 mét rồi đấy”. Tôi hỏi: “Rừng cây đã được 10 năm rồi sao anh không thu hoạch?”. Gã thành thật: “Bữa nọ làm căn nhà cũng bí lắm, tôi đành bán con Zin 130, còn rừng cây này tôi chưa có ý định sẽ bán, bán đi bà con sẽ chẳng có nước mà dùng đâu”.
Anh Sự một người dân ở Khu 4 ¬- xã Yến Mao cho biết: “Từ ngày rừng Trạc Nai xanh trở lại, nước các khe núi lại róc rách chảy trở lại. Các hộ dân đã có nước sạch để sinh hoạt, chúng tôi không phải ra sông Đà gánh nước về ăn nữa”.
Hòa còn làm một đường ống dẫn nước dài gần 4km để đưa nước suối về cho hơn 40 hộ dân quanh khu chợ Yến Mao sử dụng. Không người dân xã Yến Mao nào có thể tin được Hòa lại làm được điều đó. Nếu không gặp Hòa tôi cũng không thể ngờ được kẻ đã từng là một lâm tặc khét tiếng một thời nay lại sợ phá rừng đến thế. Nhìn lên dãy núi Trạc Nai bao nhiêu người trong xã thầm cảm ơn công sức của Hòa.
Tự Lập