Mùa hè, khí hậu nóng ẩm tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển, vì thế đây cũng là mùa dịch bệnh bùng phát, nhất là các bệnh truyền nhiễm cấp tính. Trẻ em, do sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ bị mắc bệnh. Trong những ngày hè, các bác sĩ Bệnh viện Trẻ em khuyên các gia đình chú ý đề phòng và hướng dẫn cách xử trí một số loại bệnh sau:
Viêm não Nhật Bản B
Khi trẻ bị viêm não Nhật Bản, tỷ lệ tử vong khá cao, hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề. Biểu hiện của bệnh là trẻ sốt cao, đau đầu, nôn, rối loạn ý thức và hôn mê nhanh chóng. Một số trường hợp có biểu hiện liệt thần kinh. Nếu thấy trẻ có những biểu hiện trên, cần nhanh chóng đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.
Có thể ngừa bằng cách: giữ môi trường trong sạch, nhà ở thoáng mát, nằm màn khi ngủ; phun thuốc diệt muỗi và côn trùng; tiêm phòng văcxin viêm não cho trẻ.
Mùa hè, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng luôn có nhiều trẻ đến khám vì sốt không rõ nguyên nhân. |
Tiêu chảy cấp
Tác nhân gây tiêu chảy thường bằng đường miệng. Phân người bị tiêu chảy làm nhiễm bẩn thức ăn, nước uống hoặc tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây. Dù tiêu chảy do bất cứ nguyên nhân nào cũng không bao giờ được dùng thuốc chỉ làm bệnh đỡ một cách giả tạo, chậm thải hồi tác nhân gây bệnh, rất nguy hiểm đến tính mạng.
Hãy cho trẻ uống nhiều nước như oresol, nước quả. Nếu trẻ bị tiêu chảy nhiều, hãy sớm đưa trẻ đến các trung tâm y tế để được điều trị đúng cách.
Ngộ độc thức ăn
Biểu hiện chung là nôn, đau bụng từng cơn, tiêu chảy liên tục (trên 3 lần trong 4 giờ), phân lỏng sền sệt hoặc toàn nước có khi lẫn máu hoặc chất nhầy như mũi. Rối loạn điện giải, đôi khi kèm theo tức ngực, khó thở... Vi trùng gây bệnh hay gặp nhất là vi trùng đường ruột như tụ cầu vàng, lỵ amib... Ngộ độc thực phẩm rất nguy hiểm, vì nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn tới tử vong. Cách xử trí với ngộ độc thức ăn cũng giống như với bệnh tiêu chảy cấp.
Sốt xuất huyết Dengue
Đối tượng dễ mắc bệnh là trẻ em ở lứa tuổi 2-9. Khi bị sốt xuất huyết, trẻ thường sốt cao, đau mỏi người, đau đầu, sau đó các triệu chứng xuất huyết dần xuất hiện. Xuất huyết có thể tự nhiên dưới dạng chấm, nốt, bầm tím hoặc chảy máu cam, chân răng... Nếu không được điều trị đúng và đầy đủ rất dễ truỵ mạch và tử vong. Để phòng bệnh, không gì tốt hơn là phun thuốc diệt muỗi, phát quang bụi cây, ngủ nằm màn...
Sốt không rõ nguyên nhân
Nhiều trẻ đang bình thường sau đó lên cơn sốt đột ngột. Khi đó, cha mẹ cần bình tĩnh bù nước và hạ sốt cho trẻ. Khi trẻ bị sốt nên để trẻ nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng, chườm mát, tắm nước ấm và nếu trẻ bị co giật để nằm nghiêng nơi thoáng và làm sạch miệng rồi gọi cấp cứu.
Rôm, mẩn ngứa
Đây là hệ quả của việc tăng cường hoạt động của các tuyến mồ hôi và tuyến nhầy trong cơ chế tăng thải nhiệt nhưng các lỗ chân lông bị bít tắc bởi các chất bẩn, làm viêm các nang tuyến chân lông khiến chúng lồi lên mặt da thành các bọc nước nhỏ, đỏ và ngứa ngáy. Việc xử trí rôm, mẩn ngứa chỉ đơn giản là tắm rửa sạch sẽ bằng xà phòng hay chanh. Khi nặng hơn và cần thiết, có thể bôi các loại kem chống viêm.
H.D