Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh hiện chưa có thuốc đặc trị, vậy làm thế nào để phòng tránh? Phân biệt giữa SXH với các loại sốt thông thường như thế nào? Cơ chế lây bệnh ra sao? Khi sốt có được dùng thuốc kháng sinh?
PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (ảnh), trao đổi với PLVN:
- Bệnh SXH Dengue là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến nhập viện và tử vong ở trẻ em. Với việc điều trị sớm, kịp thời, tích cực, tỉ lệ tử vong có thể giảm đi đáng kể, có thể thấp dưới 1%.
PGS.TS Nguyễn Trần Hiển
- Thưa PGS, người mắc bệnh SXH thường có biểu hiện như thế nào? Làm thế nào để phân biệt giữa SXH với sốt do các bệnh thông thường?
- SXH là một bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi rút dengue gây nên. Những biểu hiện lâm sàng khởi phát của bệnh phụ thuộc vào lứa tuổi. Ở trẻ còn bú và trẻ nhỏ có thể có triệu chứng sốt không đặc hiệu và phát ban. Ở trẻ lớn và người lớn có thể có sốt cao đột ngột kèm nhức đầu, đau nhức hai bên hố mắt, đau khắp người, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, chán ăn…
Trong thời kỳ toàn phát, bệnh nhân có sốt cao 39 - 40oC kèm theo các triệu chứng như xuất huyết ở củng mạc mắt, đau nhức quanh nhón cầu, đau cơ, phát ban ở ngoài da, ban kiểu sởi, đôi khi có xuất huyết ở da, niêm mạc.
Nặng nhất là khi bệnh SXH Dengue xuất huyết có sốc và biến chứng nặng dễ dẫn đến tử vong. Sốc thường xảy ra vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh, nhiệt độ hạ xuống đột ngột, da lạnh, tím tái, bệnh nhân vật vã, ly bì, đau bụng cấp….Nếu không xử lý kịp thời, sốc diễn biến rất nhanh, bệnh nhân ở trạng thái lơ mơ, thở yếu, có thể tử vong.
Cần phân biệt SXH với sốt do các vi rút khác. Đối với trẻ bị sốt do nhiễm vi rút khác, trẻ sốt cao, đau mình mẩy, đau đầu, viêm long đường hô hấp (ho, chảy nước mũi, hắt hơi, họng đỏ..). Trẻ có thể có phát ban thường xuất hiện 2-3 ngày sau khi sốt, khi xuất hiện ban thì sẽ đỡ sốt.
Trẻ thường có viêm kết mạc, kết mạc có thể đỏ, có dử mắt, chảy nước mắt. Các triệu chứng trên thường xuất hiện rất rầm rộ và sau 3-5 ngày sẽ giảm dần rồi mất đi, trẻ trở lại khỏe mạnh.
* Bệnh có lây qua đường hô hấp, tiếp xúc hay đường muỗi đốt…không, thưa PGS?
- SXH Dengue là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, không lây truyền trực tiếp từ người sang người mà do muỗi đốt người bệnh rồi truyền sang người lành. Muỗi truyền bệnh chủ yếu là muỗi Aedes aegypti hay còn gọi là muỗi nhà hay muỗi vằn. Muỗi vằn có nhiều khoang trắng ở lưng và chân, thường sống ở trong nhà, đậu trong những chỗ tối như gầm bàn, gầm giường, hốc tủ. Quần áo treo trên vách …Muỗi Aedes aegypti hoạt động vào ban ngày và chỉ có muỗi cái mới đốt người và truyền bệnh.
Khi bị sốt xuất huyết, cần đưa ngay đến cơ sở y tế (Ảnh minh họa)
- PGS có thể nói qua về cách phòng tránh bệnh SXH ?
- Hiện nay chưa có thuốc chữa bệnh đặc hiệu và cũng chưa có vacxin phòng bệnh, biện pháp chủ yếu để phòng chống là diệt muỗi truyền bệnh bằng các biện pháp vệ sinh nơi ở và môi trường chung quanh, đặc biệt là các điểm nước tù đọng, môi trường lý tưởng cho muỗi sinh sản.
Nhiều người cho rằng, SXH có thể tự khỏi nếu bệnh nhân uống thuốc hạ sốt và thường xuyên lau khăn ướt. Ý kiến của PGS như thế nào?
Ngay khi biết tin mưa lũ xảy ra ở một số tỉnh miền trung, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã cử đoàn công tác vào các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, hỗ trợ các tỉnh trong công tác phòng chống dịch bệnh. |
Khi có triệu chứng SXH nên đưa bệnh nhân đi khám ngay. Nếu trường hợp nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà như nghỉ ngơi, tránh vận động nặng; trẻ em tránh chạy nhảy, cho ăn nhẹ như cháo, súp, sữa và cho uống nhiều nước hơn bình thường. Có thể hạ sốt với thuốc Paracetamol đơn chất, không hạ sốt bằng thuốc Aspirin (vì gây thêm xuất huyết). Không cạo gió, không quấn kín hoặc mặc áo nhiều khi đang sốt.
Tuyệt đối không được dùng kháng sinh, vì chúng không có tác dụng gì với bệnh SXH, chỉ làm trẻ mệt thêm. Theo dõi bệnh và đưa ngay đến cơ sở y tế khi thấy có các dấu hiệu mệt lả, vẻ âu lo bứt rứt, li bì hoặc vật vã, tay chân lạnh, đau bụng, nôn nhiều, da đổi màu, môi tím.
- Một số tỉnh miền Trung vừa bị lũ lụt hoành hành, PGS có thể cho biết công tác phòng, chống dịch bệnh tại các tỉnh này nên như thế nào?
- Sau lũ lụt, vùng nước ngập thường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Từ nước, chất bẩn và mầm bệnh nhiễm vào đất, cây trồng, vật nuôi, nhà cửa, đồ dùng... Do đó rất dễ bùng phát các loại bệnh dịch như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm da, sốt xuất huyết, sốt rét...
Đề phòng bệnh, mọi loại thức ăn, nước uống cần được đun sôi trước khi ăn uống. Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn, bát đũa cần rửa sạch để khô ráo. Nếu trời mưa, tốt nhất là hứng nước mưa để nấu nước uống và nấu thức ăn. Khi phải dùng nước sông, suối, ao, hồ, kênh rạch thì phải làm trong và khử trùng.
Ở nơi nước rút, phải tổ chức thau rửa bể nước, giếng nước và khử trùng bằng cloramin. Khoảng 30 phút sau mới sử dụng nước và nước này phải đun sôi mới được uống.
Để phòng bệnh viêm da, người dân cần tắm và rửa mặt bằng nước đã được làm trong, khử khuẩn. Phòng chống muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài, nhất là trẻ em. Khi ngủ phải mắc màn kể cả ban ngày. Dùng hương xua muỗi, kem xua muỗi, tẩm màn bằng hóa chất diệt muỗi, và ohun hóa chất diệt côn trùng (ruồi, muỗi....). Phòng bệnh đau mắt đỏ bằng tra thuốc chloramphenicol 0,4%.
- Trân trọng cám ơn PGS!
Vân Anh (thực hiện)