[links()]Ngày nay, một hình mẫu lý tưởng sành điệu của giới trẻ là cầm trên tay chiếc Iphone, sử dụng máy tính bảng Ipad và đeo túi Louis Vuitton, Chanel, Guicci... giá tính bằng đôla. Vậy làm gì để người tiêu dùng (trong đó có giới trẻ) yêu và sử dụng hàng Việt như là sự lựa chọn hàng đầu?.
Có tới 71% người tiêu dùng cho biết yêu và sử dụng hàng Việt Nam. |
Tâm lý "sính ngoại" giảm dần
Sau 3 năm (2009 - 2012) thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, về mặt được, đa số người dân sinh sống trên địa bàn nông thôn các tỉnh đều mua sắm và sử dụng hàng hóa Việt Nam. Nhận thức của người dân cũng đã dần thay đổi, tâm lý sính hàng ngoại cũng đã giảm dần.
Theo kết quả nghiên cứu, trước đây người tiêu dùng sính hàng ngoại hơn hàng nội, thì nay đã “đổi ngôi”, có tới 71% người tiêu dùng cho biết yêu và sử dụng hàng Việt Nam. Theo nghiên cứu mới nhất của Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội và Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy: “59% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam; 38% người tiêu dùng khuyên người thân trong gia đình, bạn bè và người quen biết nên mua hàng Việt Nam”.
Kết quả cuộc điều tra về Cuộc vận động, nhóm hàng hóa sản xuất trong nước được người Việt Nam ưa chuộng hơn so với những năm trước đây như: sản phẩm dệt may, quần áo, giày dép; thực phẩm, rau quả, đồ uống; đồ gia dụng, vật liệu xây dựng, đồ nội thất; dụng cụ học tập và đồ chơi trẻ em ...
Lợi thế của thị trường vẫn còn rất tiềm năng và màu mỡ, bởi người tiêu dùng trẻ tuổi ở Việt Nam chiếm số lượng lớn, người dưới 30 tuổi chiếm 60%. Đặc biệt, gia nhập WTO, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường nhiều mặt hàng; không mở cửa thị trường 9 mặt hàng nhạy cảm là: Gạo, đường, xăng dầu, thuốc chữa bệnh, thuốc lá, sách báo, tạp chí, băng hình và kim loại quý cho các DN 100% vốn nước ngoài (FDI).
Hiện nay, các tập đoàn bán lẻ “đổ bộ” vào Việt Nam nhanh như Dairy Farm của Hồng Kông, tập đoàn số 1 thế giới Wal-Mart của Mỹ; Carre Four đứng thứ 2 thế giới của Pháp, Tesco của Anh... đã có mặt ở Việt Nam.
Tiếp nữa, thông tin Tập đoàn bán lẻ Lotter Mart tăng vốn đầu tư từ 15 lên 50 triệu USD; Tập đoàn Metro Cash & Carry khai trương liền lúc 2 trung tâm với số vốn đầu tư 33 triệu USD; Tập đoàn E - Mart của Hàn Quốc hợp tác với đối tác U&I có vốn ban đầu là 80 triệu USD cũng có kế hoạch tăng vốn đầu tư lên 1 tỷ USD để thực hiện tham vọng mở 52 siêu thị tại Việt Nam. Rồi nhà phân phối Aeon của Nhật cũng dự kiến đầu tư 100 triệu USD vào thị trường bán lẻ nội địa vào năm 2014. Những thông tin này khiến các nhà bán lẻ trong nước như... ngồi trên đống lửa.
Chưa được?
Điểm qua thông tin từ các tỉnh từ Bình Dương, Thừa Thiên Huế, Nghệ An... tới Hà Nội, Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái cho thấy về thành tích thì đã được các địa phương “kể” rõ ràng, song những mặt chưa được thì vẫn còn chung chung. Đơn cử, “qua 3 năm thực hiện cuộc vận động, vẫn còn có những hạn chế như: Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn, hệ thống phân phối hàng Việt về nông thôn còn ít và nhỏ lẻ; hoạt động tổ chức hội chợ, triển lãm chưa thu hút được các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh tham gia”.
Hay những khó khăn “đã cũ” cũng được chỉ ra nhiều lần mà chưa được khắc phục, khiến Cuộc vận động chưa thể “đi nhanh” như: sự phối hợp giữa Ban Chỉ đạo Cuộc vận động với các cấp chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, cơ quan quản lý, cơ quan tuyên truyền triển khai thực hiện Cuộc vận động chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ.
Việc tuyên truyền chưa thường xuyên liên tục, chỉ rộ lên ở những đợt cao điểm, chưa đi sâu, phát hiện, nhân rộng các điển hình thực hiện tốt Cuộc vận động. Hay như công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra tổ chức biên tập tài liệu tuyên truyền về Cuộc vận động còn chậm, định hướng nội dung tuyên truyền nên các cơ quan truyền thông và Ban Chỉ đạo ở các địa phương còn nhiều lúng túng trong triển khai.
Vậy DN sản xuất Việt phải làm gì để lớn mạnh, sản xuất được các mặt hàng có chất lượng cao, giá cả phải chăng; các nhà phân phối trong nước phải làm sao để không thua tại “sân nhà”? Các chuyên gia chia sẻ, các DN vừa và nhỏ của Việt Nam là đối tượng chính của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Do đó, Nhà nước nên hỗ trợ tích cực cho họ, phải hỗ trợ thực sự, thiết thực. Còn đối với người tiêu dùng, họ cũng đang đứng trước nhiều vấn nạn.
Thị trường ngày càng rộng mở và đồng tiền họ kiếm cũng ngày càng khó. Do đó, họ phải cân nhắc trước khi tiêu dùng, và họ cần thông tin một cách minh bạch, sòng phẳng. Muốn Cuộc vận động thực sự đạt hiệu quả, có thể DN phải thương lượng với người tiêu dùng về quyền lợi, đề nghị họ chấp nhận một chút thiệt thòi vì một nền kinh tế phát triển. Khi người tiêu dùng hài lòng với chất lượng hàng nội thì sẽ tin dùng hàng nội và chung thủy với hàng nội.
Tuy nhiên, vẫn còn không ít người tiêu dùng cho rằng, “yêu” thì có “yêu” nhưng để “xài” hàng hóa, sản phẩm thì họ vẫn cân nhắc về giá cả và chất lượng là tiêu chuẩn hàng đầu.
Thêm nữa, người tiêu dùng ngày càng chú trọng tới khâu hậu bán hàng như bảo hành, bảo trì và chế độ chăm sóc khách hàng của các nhà sản xuất, đơn cử như hàng điện tử gia dụng như điều hòa, máy tính, tivi và tủ lạnh..., còn những hàng thực phẩm hay đồ ăn, thức uống, người tiêu dùng cũng “soi” rất kỹ về “date” - ngày sản xuất, ngày hết hạn, công dụng cũng như thương hiệu của nhà sản xuất. Do đó, cho dù có bao nhiêu giải pháp đi chăng nữa mà DN không tự làm mới mình, không tự chứng minh chất lượng hàng hóa của mình với người tiêu dùng thì “con đường tới tim người tiêu dùng Việt” sẽ không gần...
Nhằm hỗ trợ tối đa việc đưa hàng Việt đến với người Việt, bà Bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết sẽ có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất với Chính phủ những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) trong phạm vi, đảm bảo không vi phạm các cam kết mở cửa thị trường như hỗ trợ về đào tạo, tư vấn pháp lý, xúc tiến thương mại (miền núi, biên giới và hải đảo); các biện pháp ưu tiên về mặt bằng, hạ tầng, ưu đãi thuế và tiếp cận tín dụng thuận lợi cho các DN sản xuất và phân phối hàng Việt; kiến nghị các địa phương tạo điều kiện tăng cường các hoạt động kết nối giữa DN sản xuất và DN phân phối; đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đào tạo, hướng dẫn nhận diện, phân biệt hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng. Kiểm tra việc thực hiện các quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, xử lý kịp thời các vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng; thông qua các chương trình phát triển, đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu cải tiến chất lượng hàng hóa, đưa ra thị trường các sản phẩm có chất lượng cao, đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã và giá thành hợp lý; tổ chức tốt mạng lưới phân phối và nhằm kiểm soát giá cả, chất lượng hàng hóa trong hệ thống phân phối hiện đại nhằm tạo điều kiện cho nhân dân trên khắp các vùng miền Tổ quốc có điều kiện tiếp cận nguồn hàng có chất lượng và giá thành hợp lý... Dự kiến tháng 10/2012, Bộ Công Thương sẽ phát động triển khai Tuần hàng Việt trên địa bàn cả nước.
|
PVKT