Những ngày này, hơn một triệu học sinh cả nước đang gồng mình giữa nắng nóng kỷ lục đến hơn 40 độ để “chiến đấu” với kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, lấy điểm vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào đại học. Có những thí sinh không trụ được cái nắng nóng đã ngất xỉu.
Bài viết dưới đây của tác giả M.T., sẽ là tham khảo hữu ích cho thí sinh muốn học đại học mà không cần phải dự kỳ thi căng thẳng và áp lực, không phải tốt nghiệp trung học phổ thông:
Ở Việt Nam thì bắt buộc phải tốt nghiệp phổ thông, nhưng hình như các trường đại học ở nước ngoài lại không đòi hỏi điều này.
Tháng 6/2000, con tôi học hết lớp 11. Tôi thấy việc thi tốt nghiệp phổ thông khá nhiêu khê. Nó chỉ khá các môn tự nhiên, văn-sử-địa thì "lôm côm." Tôi tìm cách cho con né thi tốt nghiệp phổ thông và cả thi đại học. Nghỉ hè, tôi bảo con đăng ký học một lớp tiếng Anh và nhắc: "Con liệu mà học cho tử tế."
Tôi liên hệ với các trường đại học hàng đầu của Anh, Mỹ qua internet và nói muốn xin học. Các trường Mỹ mở cho tôi một tài khoản, cấp user name, password để truy cập vào hệ thống tuyển sinh.
Tôi phải điền khoa, môn học tôi muốn và các thông tin họ hỏi. Tôi nói rõ là tôi mới học hết lớp 11, chưa tốt nghiệp và sẽ không có bằng tốt nghiệp phổ thông của Việt Nam.
Họ chỉ yêu cầu điểm TOEFL từ 750 trở lên, bảng điểm các năm lớp 10 và 11. Tất cả qua mạng, không cần bản gốc. Riêng điểm TOEFL thì phải do một tổ chức có tính quốc tế cấp. Hồi đó là Apollo Hà nội. Có lẽ bộ phận tuyển sinh của các trường đại học sẽ yêu cầu Apollo xác nhận năng lực tiếng Anh một cách độc lập. Tiện vô cùng.
Tôi bảo con tôi bỏ học lớp 12, đến trung tâm Apollo thi TOEFL. May mà con thi được chứng chỉ theo yêu cầu. Lệ phí thi là 90 USD.
Khó nhất là xin bảng điểm từ nhà trường. Các thầy cô phật lòng khi thấy tôi coi nhẹ việc học phổ thông. Tôi không để ý bảng điểm cao hay thấp.
Tôi vào mạng, điền điểm số các môn. Không cần scan bản gốc.
Họ quan tâm các hoạt động xã hội, ngoại khóa như viết báo trường, làm từ thiện, hoạt động thể thao, đàn hát, tham gia đội bóng, dàn đồng ca của trường... Tôi trả lời các câu hỏi của máy tính. Cứ sau vài ngày máy tính lại báo còn mục nào thiếu phải điền, nhưng không nhiều.
Không biết trường có kiểm tra những điều tôi cung cấp qua mạng hay không. Tất nhiên, tôi khai đúng sự thực. Tất cả các trường đại học Mỹ mà tôi gửi hồ sơ đều nhận.
Riêng trường Berkley, top 3 thế giới, nhận với điều kiện thêm một buổi phỏng vấn trực tiếp.Tôi hỏi lại nếu không qua được phỏng vấn thì sao?. Vì từ Việt Nam đi Mỹ khá tốn kém. Họ nói sẽ chuyển tôi sang trường khác trong hệ thống UC, cũng là một trường rất tốt, chắc chắn được nhận học với hồ sơ đã cấp.
Các trường Anh còn dễ hơn. Với 720 điểm TOEFL và bảng điểm lớp 11 như trên, họ nhận ngay vào A Level, một kiểu đại học đại cương, 18 tháng. Sau đó thì vào đại học, học ba năm.
Nếu điểm TOEFL dưới 720 thì phải thêm 1 khóa tiếng Anh 3 tháng trước khi vào A Level.
Các trường Anh, Mỹ đều cho học bổng, ít nhiều tùy trường và tùy khả năng tài chính của bố mẹ, nghèo thì cho, giàu thì không. Ở Mỹ, khoản này rộng rãi hơn ở Anh.
Thuần túy vì lý do địa lý, con tôi chọn học ở Anh. Tháng 1/2001, cháu đi London học. Sau 18 tháng hết A Level. Trước khi hết A Level, con tôi gửi đơn đến 6 trường đại học. Cả 6 các trường đều nhận với điều kiện tốt nghiệp A Level với điểm nhất định, đều là các trường hàng đầu của Anh như Imperial College, Cambridge, Manchester University... Riêng trường Cambridge thì phải thêm một cuộc phỏng vấn trực tiếp. Hết A Level, con tôi được cả 6 trường nhận. Tôi để cháu tự chọn trường theo ý mình.
Thấy quá tiện, tôi bảo các bạn tôi có con đã học hết lớp 11 theo cách đó. Họ cũng không muốn con phải thi tốt nghiệp phổ thông và thi đại học. Bọn trẻ con các bạn tôi năm đó và vài năm sau, hơn 20 đứa, đều được các trường đại học Mỹ, Anh nhận.
Các bạn sẽ nghĩ chỉ gia đình có tiền con cái dễ dàng vào đi du học, nhưng không phải vậy.
Đứa cháu gái con chị tôi, cùng tuổi con tôi, chưa tốt nghiệp phổ thông, cũng đi Mỹ năm 2001. Bố mất sớm, nhà nghèo, chỉ đủ tiền mua vé một chiều đi Mỹ. Hết lớp 11 nó loay hoay lên mạng trong 3 tháng hè, xin được học bổng toàn phần một năm và đi Mỹ học dự bị đại học, sau đó thêm 3 năm đại học. Học bổng năm sau dựa trên kết quả học năm trước. Nó luôn được cấp học bổng toàn phần. Trong khi học, cháu đăng ký làm thêm vào cuối tuần, đủ tiền ăn và tiêu vặt. Sự cố gắng cá nhân của cô bé này là phi thường. Tôi rất kính trọng cháu này.
Tất cả hơn 20 cháu đều tốt nghiệp đại học xuất sắc hoặc giỏi. Có 4, 5 đứa làm tiến sỹ. Quan trọng là sau khi tốt nghiệp các cháu đều được nhận vào các công ty lớn của nước ngoài hoặc của Việt Nam, đều được đánh giá cao trong công việc.
Đây chỉ là kinh nghiệm cá nhân của tôi ở thời điểm con tôi học lớp 11, từ năm 2000. Sau này tôi không quan tâm nữa nên có thể có những thay đổi. Mọi người có thể tham khảo và nghiên cứu kỹ hơn các thông tin về các trường đại học nước ngoài khi áp dụng trong điều kiện hiện tại.
* Title do báo Pháp luật Việt Nam đặt.