Hổ là một linh vật trong 12 con giáp. Hổ tượng trưng cho sức mạnh. Trong kho tàng dược liệu y học cổ truyền, nhiều cây, lá mang tên hổ là vị thuốc dễ kiếm tìm và có tác dụng chữa bệnh.
Hổ thiệt
Tên khác: lô hội, tượng đảm, lưỡi hổ, long tu. Lô hội có vị đắng, tính hàn, vào kinh can, tỳ, vị và đại tràng; có tác dụng thanh nhiệt, làm mát gan, thông tiện, nhuận tràng và tẩy. Ở liều nhỏ, nhựa lô hội là vị thuốc giúp cho tiêu hóa do kích thích nhẹ niêm mạc ruột và đẩy nhanh các chất cặn bã ở lâu trong ruột; liều cao tăng tác dụng tẩy. Dùng chữa trẻ em cam tích, kinh giản, táo bón; dùng ngoài chữa trĩ, trứng cá, vảy nến, viêm da tiết bã nhờn, mẩn ngứa do côn trùng đốt và giời leo. Keo gel lô hội dùng chữa bỏng nước, bỏng lửa, bỏng do phóng xạ. Không dùng cho người tỳ vị hư nhược, phụ nữ có thai. Một số người có dị ứng với keo gel khi dùng ngoài.
Hổ nhĩ thảo
Tên khác: cỏ tai hùm, hổ nhĩ. Bộ phận dùng làm thuốc là lá, thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi khô. Hổ nhĩ thảo có vị đắng, cay, tính mát, hơi có độc; có tác dụng khu phong, thanh nhiệt, lương huyết, giải độc.
Dùng chữa phong chẩn, viêm tai giữa, mụn nhọt, ho ra máu, viêm phổi, băng lậu. Liều dùng 12 - 15g. Dùng ngoài liều lượng vừa đủ, dùng tươi hay khô, giã đắp hay vắt nước nhỏ vào lỗ tai.
Hổ trượng căn
Tên khác: củ cốt khí, ban trượng căn, hoạt huyết đan, điền thất. Hổ trượng căn có vị ngọt đắng, tính mát; có tác dụng khu phong trừ thấp, lợi niệu, hoạt huyết, thông kinh, giảm đau, giảm độc. Dùng chữa phong thấp tê bại, đau nhức xương, chấn thương, bị ngã hay bị đánh sưng đau ứ huyết, đái buốt, đái ra máu và đái rắt, phụ nữ sau khi đẻ huyết hôi không ra hết gây trướng đau... Liều dùng: 8 - 20g, dạng thuốc sắc hay ngâm rượu với một số vị thuốc khác.
Hổ phách
Tên khác: huyết hổ phách, hắc hổ phách, hồng tùng chi, minh phách. Hổ phách là nhựa của một loài thông cổ đã tuyệt chủng (Pityxylon succinifer Krauss). Tây y dùng hổ phách làm thuốc chống co thắt dạng xông hay cồn thuốc. Theo Đông y, hổ phách có vị ngọt, tính bình, vào 4 kinh: can, tâm, phế và bàng quang.
Có tác dụng an thần, định kinh, tán huyết, lợi tiểu tiện. Dùng chữa tâm thần bất định, hồi hộp mất ngủ, ngủ hay mê sợ, tiểu tiện ra huyết. Liều 1 - 3 g. Do hổ phách có tác dụng hao mòn chân khí nên không dùng với người hỏa thịnh thủy suy.
Hổ vĩ
Có 2 loài: Hổ vĩ (Sansevieria zeylannica L.) và hổ vĩ mép lá vàng (Sansevieria trifasciata Prain. var laurentii N.E. Brown.). Hai loài này được trồng làm cảnh. Cả hai loài được nhân dân dùng làm thuốc chữa ho, viêm họng, khản tiếng; chữa sốt nóng, đái buốt, viêm tai giữa có mủ... Dùng lá tươi sạch giã giập, thêm ít muối ngậm và nuốt nước dần trong 15 phút để chữa ho, vắt lấy nước nhỏ vào tai chữa viêm tai giữa.
Bích Trâm (st)